Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản được nâng cao
Trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2017 đến nay, qua chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản ở Trà Vinh… đã có bước phát triển rất lớn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản. Đặc biệt, trong cây lúa, dừa đã có nhiều diện tích đạt chứng nhận EU (châu Âu), USDA (Mỹ), AB (Pháp) và JAS (Nhật Bản) và VietGAP trên cây ăn trái; chăn nuôi từng bước nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng lai cải tạo với các giống ngoại nhập như Zebu, Brahman, Charolais, Red Sindhi và nạc hóa đàn heo. Năng suất trong nuôi thủy sản theo hướng thâm canh mật độ cao, đạt 30-50 tấn/ha/vụ…

Thu hoạch màu trong nhà lưới tại hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải.

         Trong năm 2021, có 2.330ha lúa được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, lâu năm hoặc kết hợp với nuôi trồng thủy sản (hiệu quả chuyển sang trồng cây hàng năm tăng từ 1,22-3,5 lần; trồng dừa và cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, hiệu quả tăng từ 2,8-7,5 lần).

         Cải tạo và nâng cao 95% tầm vóc đàn bò vàng địa phương từ các giống bò Sind, Zebu, Brahman, Charolais, Red Sindhi… giá trị tăng thêm khoảng 50% so với giống bê địa phương. Giống đàn heo 100% sử dụng giống lai kinh tế, tăng khoảng 05% trọng lượng so với trước đây. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên gà đạt 100% (nuôi nệm lót sinh học); xây dựng hơn 8.000 công trình hầm ủ biogas, chiếm khoảng 20% tổng số hộ chăn nuôi heo.

         Về thủy sản, có 6.010 hộ thả nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh, diện tích 3.193ha với 565,91 triệu con giống; 3.232 lượt hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao, diện tích 865 ha, với 1,59 tỷ con tôm giống.

          Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: với việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp... bước đầu đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác; gắn sản xuất với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, định hướng cho người sản xuất từng bước tiếp cận với các mô hình canh tác theo hướng liên kết, tập trung và hạn chế sản xuất manh múng.

         Từ năm 2017 đến nay, thông qua các mô hình ứng dụng và chuyển giao, như nuôi tôm càng xanh toàn đực 02 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao của Trường Đại học Trà Vinh; canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh chậm tan; trồng bưởi da xanh sử dụng phân hữu cơ sinh học, tưới nước tiết kiệm; lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa; trồng, sản xuất cây giống cam sành không hạt sạch bệnh; trồng dừa sáp kết hợp nuôi thủy sản; mô hình tôm - rừng; nuôi tôm sú kết hợp cá măng hoặc cá đối mục; nuôi tôm thẻ chân trắng luân canh lúa theo hướng hữu cơ; nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 02 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường…

         Nông dân Hồng Văn Tuấn, ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải cho biết: lúc đầu nuôi tôm từ hồ đất, đến năm 2019 chuyển sang ao nổi lót bạt theo hình thức thâm canh. Gia đình nuôi tôm được 02 ao (0,12ha/ao), thả 03 vụ/năm; nhờ chủ động 100% về môi trường như xử lý nguồn nước và quản lý dịch bệnh, con giống… nên năng suất tăng rất cao, so với ao đất đạt 02-03 tấn/ao, nay ao lót bạt tăng khoảng 10 tấn/ao, mỗi vụ lời từ 400-500 triệu đồng/ao.

         Nông dân Trần Bá Du, ấp Thanh Trì, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành chia sẻ: những năm qua, tình hình thời tiết khá khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa rất lớn; nếu không chủ động tốt trong sản xuất là gần như lỗ hoặc phá huề, không có lời. Từ thực trạng trên, gia đình có 0,6ha lúa, sau khi ứng dụng mô hình canh tác phân bón thông minh do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ. Kết quả, diện tích sản xuất lúa đều đạt năng suất cao nên các vụ lúa tiếp theo đều canh tác theo mô hình phân bón thông minh. Nhờ ứng dụng quy trình phân bón thông minh nên năng suất đạt khá cao (trên 06 tấn/ha) và chi phí sản xuất tiết kiệm khoảng 1,3 triệu đồng/tấn lúa.

         Bên cạnh các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ… không ngừng chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Cùng với đó, sự tác động tích cực từ các nguồn vốn trong thực hiện Quyết định số 813/QĐ-NHNN, ngày 24/4/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 07/3/2017 của Chính phủ. Từ năm 2017 đến nay, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp đã tiếp cận nguồn vốn cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng dư nợ gần 122 tỷ đồng./.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 26
  • Trong tuần: 465
  • Tất cả: 434851