Làm tốt công tác đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với nước, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các hế lực thù địch
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng dân tộc và trong các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, đất nước ta đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh trên chiến trường, trên pháp trường và lao tù của thực dân, đế quốc, hàng triệu người phải mang thương tật và di chứng tàn ác của chiến tranh.

         Sự hy sinh vì nước của đồng bào và chiến sĩ ta là vô giá. Tổ quốc ta mãi mãi ghi công, Nhân dân ta đời đời biết ơn và tưởng nhớ. Kế thừa truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, sau đổi lại là Ngày Thương binh, liệt sĩ để Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Hồ Chủ tịch yêu cầu Chính phủ và đồng bào phải quan tâm, báo đáp làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội”. Ngày 27/7 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị - xã hội rất to lớn. Kể từ năm 1947 đến nay, ở các thời kỳ khác nhau, cho dù có khó khăn, gian khổ đến bao nhiêu, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

         Ngày 27/7 có ý nghĩa lịch sử, chính trị - xã hội trọng đại như vậy, nhưng gần đây, cứ dịp đến ngày 27/7, bên cạnh những hoạt động tri ân diễn ra trên khắp đất nước thì với dã tâm đen tối, hận thù chế độ, các tổ chúc phản động trong và ngoài nước, số phần tử chống cộng cực đoan luôn rêu rao những luận điệu trái ngược với những việc làm, nghĩa cử tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Chúng lợi dụng một số sai sót, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách đối với người có công ở nơi này, nơi kia để viết bài, đưa thông tin, hình ảnh sai lệch, mục đích gây sự hoài nghi trong xã hội, nhằm đả phả chính sách người có công của Đảng và Nhà nước ta bằng những xảo ngôn hết sức tráo trở, bỉ ổi. 

         Không khó để “điểm danh” các hội, nhóm, các tổ chức phản động có “bề dày” chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam trước nay trong cộng đồng mạng xã hội, như: Việt Tân, Triều đại Việt, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời; Hội người Việt hải ngoại; cùng với những “cái loa” ra rả ở hải ngoại: VOA, RFA, RFI, BBC… Các tổ chức phản động lớn tiếng xuyên tạc rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam vô ơn với liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, lạnh lẽo khói hương ngày giỗ các anh”. Rằng, “Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”… một số kẻ đã trân tráo, buông lời bỉ ổi, xúc phạm đến vong linh các anh hùng liệt sĩ, rằng: “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa; sự hy sinh đó có xứng với những chính sách ưu đãi hiện nay?”; hoặc chúng đánh đồng sự hy của các anh hùng, liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển đáo của đất nước với thương, phế binh và binh sĩ chết trận của chế độ Việt Nam cộng hoà, tay sai bán nước.

         Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 76 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Tiếp đến ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng); Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ đó đến nay, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã trải qua 07 lần sửa đổi vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020; gần đây nhất là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 09/12/2020. Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng. 

         Cùng với bảo đảm chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được ban hành và thực hiện, như: chính sách ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khoẻ; ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công,... tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm: các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương tích cực giải quyết những phát sinh và tồn đọng, như: xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.318.000 đồng (năm 2015) lên 1.624.000 đồng (năm 2020). Đến nay, cả nước có 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; giải quyết dứt điểm, không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

         Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, toàn tỉnh có hơn 16.800 người cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, hơn 8.000 người cống hiến một phần thân thể, hơn 18.000 gia đình với 12.378 thân nhân liệt sĩ; 6.000 người hoạt động kháng chiến; 1.039 người có công với cách mạng; 2.016 người bị địch bắt, tù đày tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết, trung kiên với cách mạng;  3.364 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam anh hùng.

         Những năm qua, ngoài việc triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ,...Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đóng góp xây dựng, sửa chữa “Nhà tình nghĩa”,  tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu, giúp đỡ con liệt sĩ có điều kiện đến trường, học nghề, giải quyết việc làm, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng,... đã được lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công trên địa bàn, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với nước. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó đã thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.

         Kết quả thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước trên phạm vi cả nước và trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời quan qua là thực tiễn sinh động và bằng chứng đanh thép để phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về ngày 27/7, về sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước.

         Ngoài việc nắm rõ kết quả thực hiện chính sách đối thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước làm cơ sở để đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Mọi cán bộ, đảng viên và mọi người dân cần hết sức tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thô bỉ, thấp hèn của chúng. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, nhất là trong thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, coi đó là tình cảm, vinh dự và trách nhiệm đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 732
  • Tất cả: 434374