Mô hình Nuôi cá chốt nghệ luân canh trong ao nuôi tôm công nghiệp, hướng đi mới cho người dân nuôi tôm vùng nước lợ-mặn
Trà Vinh với tiềm năng đa dạng về vùng sinh thái nước mặn, lợ và ngọt. Những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh luôn hướng tới nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi trồng thủy sản. 

         Với việc phát triển nghề nuôi tôm nước lợ theo hình thức chuyên canh, thâm canh trong nhiều năm liền đã dẫn đến việc suy thoái nguồn đất, nguồn nước,… gây áp lực lên sức tải môi trường, khiến môi trường nuôi bị ô nhiễm và tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, gây thiệt hại không nhỏ đến nghề nuôi thủy sản. Vì vậy con tôm nước lợ tuy đã khẳng định được tính hiệu quả, nhưng thường xuyên đối mặt với những rủi ro về dịch bệnh, gây thất thu lớn đến lợi nhuận kinh tế của hộ nuôi.

         Hiện nay cá Chốt nghệ là loài thủy sản được thị trường rất ưa chuộng do phẩm chất thịt trắng chắc, béo thơm ngon và có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sản nên có giá trị cao. Do cá ngoài thiên nhiên ngày càng cạn kiệt nên thị trường khan hiếm, giá cả luôn ở mức cao hơn so với một số loài cá khác. Con giống cá chốt nghệ đã được nghiên cứu và cho sinh sản nhân tạo thành công, đây là đối tượng nuôi mới rất tiềm năng và thích hợp cho vùng nuôi thủy sản nước mặn- lợ. Do cá chốt nghệ có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có độ mặn từ 15‰ đến ngọt nên người nuôi có thể tận dụng ao nuôi tôm công nghiệp (sau khi đã kết thúc vụ nuôi) để thực hiện nuôi luân canh một vụ tôm một vụ cá.

         Trước thực trạng trên, nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản cho vùng nước mặn- lợ, giúp người nuôi gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất và phục vụ cho mục tiêu phát triển thủy sản của tỉnh theo hướng bền vững. Hội Thủy sản và Làm vườn đã triển khai xây dựng Mô hình Nuôi cá Chốt nghệ luân canh trong ao nuôi tôm công nghiệp tại xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, qui mô 1.000 m2. Tham gia thực hiện Mô hình nông hộ được hỗ trợ 50% chi phí mua giống, thức ăn; Thuốc phòng-trị bệnh, men vi sinh (03% /tổng chi phí thức ăn); 100% chi phí tập huấn, hội thảo tổng kết; các chi phí còn lại nông dân tự đóng góp.

Để đảm bảo Mô hình thực hiện hiệu quả và đúng theo kế hoạch, Hội Thủy sản và Làm vườn phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát chọn hộ; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông hộ tham gia trước khi thả giống; phân công cán bộ chỉ đạo kỹ thuật theo dõi, bám sát địa bàn hướng dẫn và xử lý kịp thời khi có tình huống bất lợi xảy ra. Từ đó góp phần cho sự thành công của mô hình.

          Mô hình được thực hiện nuôi luân canh cá chốt nghệ trong ao nuôi tôm công nghiệp (ao lót bạt) với diện tích 1.000 m2, mật độ thả cá giống: 50 con/m2; Cỡ giống 1,2 – 1,5 mm/con; Ao nuôi được bố trí hệ thống quạt để cung cấp oxy cho cá; Trong quá trình nuôi s dụng hoàn toàn thức ăn viên công nghiệp, hàm lượng đạm từ 40 – 43%.

          Qua 05 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 30 - 35 con/kg, tỷ lệ sống 70%, sản lượng 01 tấn/1.000 m2 (năng suất 10 tấn/ha). Với giá bán cá thương phẩm 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận trên 39.000.000 đồng. 

          Theo ông Lê Văn Tích (nông hộ thực hiện mô hình): Cá chốt nghệ dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít sử dụng thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để nuôi cá Chốt nghệ thành công, người nuôi cần lưu ý một số vấn đề được rút ra từ thực tế thực hiện mô hình như nên chọn con giống đảm bảo chất lượng. Lựa chọn đàn cá giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không bị xây xát, mất nhớt và không có dị tật. Kích cỡ tốt nhất khoảng 1,2 - 1,5 cm/con; Cá chốt nghệ có nhu cầu oxy cao, trong suốt quá trình nuôi, việc theo dõi cung cấp oxy cho cá nuôi ở giai đoạn đầu và ban đêm là vấn đề rất quan trọng; Cá chốt nghệ rất nhạy cảm với ánh sáng mạnh (lúc nắng gắt) vì vậy nên cho ăn lúc sáng sớm và chiều mát để cá bắt mồi mạnh nhằm giúp cá phát triển và tăng trưởng nhanh; Thường xuyên bổ sung men tiêu hóa và Vitamin cho cá ăn; quản lý tốt yếu tố môi trường ao nuôi. Độ mặn ao nuôi không quá 15 %0 (tốt nhất độ mặn dưới 10%o đến ngọt).

          Theo Ông Nguyễn Hùng Mận Phó Chủ tịch Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh: Mô hình nuôi cá chốt nghệ luân canh trong ao nuôi tôm công nghiệp giúp người nuôi gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị sản xuất. Qua kết quả của mô hình cho thấy cá sinh trưởng và phát triển tốt, trong quá trình nuôi chưa thấy cá có biểu hiện bệnh, các yếu tố môi trường ít biến động. Đánh giá bước đầu cho thấy có thể nhân rộng phát triển nuôi cá chốt nghệ tại vùng nước mặn- lợ trong tỉnh nhằm tiến tới xây dựng phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, người dân nên phát triển diện tích nuôi cá vừa phải và theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến giá bán cá thương phẩm giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận cho người nuôi.

          Có thể nói đây là mô hình có vốn đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất quy mô hộ gia đình; Việc nuôi cá chốt nghệ luân canh trong ao nuôi tôm công nghiệp giúp cải thiện được môi trường, loại bỏ được mầm bệnh trên tôm nuôi còn tồn lưu trong ao nuôi tôm, tạo điều kiện cho vụ nuôi tôm thâm canh tiếp theo hiệu quả hơn. Do rất ít sử dụng thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi nên giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay./.

Hoàng Xám

Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 711
  • Tất cả: 434353