Bất cập trong công tác phòng, chống dại động vật
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người và động vật. Bệnh do virus dại gây ra, lây truyền qua vết cắn, cào của động vật bị nhiễm bệnh. Bệnh Dại ở chó, mèo phải công bố dịch và phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin. Theo thông tin từ Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước phát hiện hơn 270 chó, mèo mắc bệnh Dại, tăng gấp đôi so với năm 2022; có 64 người chết vì bệnh Dại. 

Trong công tác phòng, chống bệnh Dại ở động vật, mèo ít được chú ý.

Theo khảo sát, tỷ lệ mèo mắc bệnh Dại khoảng 2,7% trên tổng số động vật mắc bệnh Dại

         Tại Trà Vinh, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn đã phát hiện chó nghi hoặc mắc bệnh Dại ở huyện Càng Long, Châu Thành, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Như vậy từ năm 2020 đến nay, tỉnh luôn phát hiện chó nghi hoặc mắc bệnh Dại. Số người tiêm phòng dại của tỉnh cũng tăng, năm 2020 gần 103 ngàn, năm 2021 gần 121 ngàn và năm 2022 trên 134 ngàn.

         Tổng đàn chó, mèo của tỉnh khoảng 140 ngàn con, nhưng tỷ lệ tiêm phòng Dại cho chó, mèo rất thấp. Năm 2020-2022, tỷ lệ tiêm phòng khoảng trên 10% tổng dần, năm 2022 cao nhất cũng chỉ đạt gần 14%; năm 2023 (số liệu đến quý 4) tỷ lệ tiêm phòng tăng, đạt khoảng 23%. Thấp hơn rất nhiều so với Mục tiêu của “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030” theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2022-2025 tiêm vắc xin Dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi (giai đoạn 2026-2030 là 80%).

Cách hạn chế bị động vật cắn và cách phòng chống bệnh dại (Nguồn: Internet)

         Thực trạng trên cho thấy nguy cơ bệnh Dại luôn tiềm ẩn tại tỉnh Trà Vinh. Và, có thể ảnh hưởng tới Mục tiêu: “Kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.” của “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030”. 

         Quy định hiện nay chủ nuôi chó, mèo từ 01 con trở lên phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Trong quá trình nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, nuôi dưỡng và tiêu hủy chó; trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

          Trường hợp nuôi chó tập trung, phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Nếu chó nuôi để kinh doanh thì không được nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết sô 19/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

         Tuy nhiên, có một thực tế, các quy định trên hiện nay chưa được chấp hành tốt. Việc khai báo nuôi chó, mèo không được thực hiện. Không khó để bắt gặp chó thả rông, không rọ mõm, không có người dắt,… tại các nơi công cộng. Mặc dù mức phạt cho hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng lên đến 500.000 đồng, nhưng chưa có chủ nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh bị xử phạt và mức phạt chưa đảm bảo tính răn đe thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

         Mặc khác, Ủy ban nhân dân cấp xã ngoài nhiệm vụ quản lý đàn chó, công tác tiêm phòng Dại còn được giao nhiệm vụ “thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại”. Đây là vấn đề bất cập vì Ủy ban nhân dân cấp xã hạn chế nguồn lực cả về kinh phí, nhân lực và trang thiết bị, chuyên môn; vấn đề xử lý chó, mèo bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận,... Vì vậy, tỉnh chưa thành lập được các đội chuyên trách để bắt chó thả rông tại xã, phường, thị trấn; những năm qua công tác bắt chó thả rông hầu như không thực hiện.

         Đây là những bất cập trong công tác phòng, chống bệnh Dại động vật hiện nay. Để khắc phục, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ và tác hại của bệnh dại, từ đó thay đổi hành vi, thói quen nuôi chó không đúng cách. Đồng thời, cần tăng cường chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi thả rông chó, đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật./.

Bài, ảnh: Tuyết Hồng

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 731
  • Tất cả: 434373