Một số giải pháp xử lý lúa nền trong canh tác lúa
Trong những năm gần đây việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào đồng ruộng ngày được nhân rộng và cũng đã nâng cao được hiệu quả kinh tế trong từng mùa vụ sản xuất, cụ thể là việc ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, SRI, tưới tiết kiệm nước,…. Đặc biệt là việc thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp được ngành luôn quan tâm và chú trọng, góp phần giảm chi phí trong sản xuất và phù hợp cho canh tác thích ứng biến đổi khí hậu.

Ảnh: Thực trạng lúa nền sau thu hoạch

         Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất từ việc làm đất đến thu hoạch đã được bà con nông dân thực hiện trên 90 % trên diện tích đất canh tác của tỉnh, góp phần rất lớn cho việc đảm bảo giá trị sản xuất của ngành trong nhiều năm liền. Riêng cơ giới hóa trong thu hoạch đạt được nhiều lợi thế: Giúp quá trình thu hoạch lúa thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và nâng cao tính hiệu quả trong nông nghiệp; Giúp giải phóng sức lao động cho nông dân, tiết kiệm chi phí nhân công trước nguồn nhân lực dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng ít dần. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch vẫn còn một nhược điểm lớn đó là máy gặt đập trong quá trình thu hoạch để lại trên nền đất canh tác khá nhiều hạt lúa rơi vãi (khắp cả ruộng) gây ra sự thất thoát trong thu hoạch và đây cũng là nỗi lo của bà con nông dân phải tốn thêm chi phí cho việc xử lý lúa nền, kể cả lúa cỏ cho vụ kế tiếp; thực trạng lúa 2 tầng làm giảm đi chất lượng và giá trị sản phẩm của vụ lúa sau. 

Ảnh: Thực trạng lúa nền sau thu hoạch

         Nhằm để hạn chế một phần lúa nền trên ruộng canh tác cần áp dụng một số biện pháp xử lý sau đây:

         - Sau khi thu hoạch tiến hành cho nước vào ruộng ngâm từ 10 -15 ngày (tùy theo điều kiện thực tế), mục đích làm hư đi một phần hạt lúa đang hiện diện trên nền đất canh tác. 

           - Kết hợp việc đưa nước lên ruộng và tiến hành thả vịt (vịt chạy đồng) giúp làm giảm đi lượng lúa nền ngay đầu vụ.

          - Hoặc có thể đốt đồng sau đó tiến hành đưa nước lên ruộng và kết hợp thả vịt.

         - Cày ải vùi phần hạt lúa rơi vãi xuống bên dưới chân ruộng.

         Đây là một số biện pháp hiệu quả nhất và an toàn ít tốn kém nhất khi kiểm soát phần lớn lúa nền; đồng thời làm giảm mật số ốc bươu vàng ngay đầu vụ, giúp giảm một phần chi phí trong quá trình xử lý và rất an toàn cho môi trường. 

        Ảnh: Đốt đồng đưa nước vào ruộng thả vịt                          

          Song song với các biện pháp nêu trên có thể xử lý lúa nền bằng hóa chất hoặc vi sinh vật như sau:

          + Chủ động nhử lúa nền bằng cách: Đưa nước vào ruộng cho đủ ẩm để nhử cây mọc, sau đó sử dụng thuốc trừ cỏ (không chọn lọc) để xử lý. Tùy theo điều kiện canh tác của từng khu vực nên có cách thức phun xịt cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho hạt giống gieo sạ.  

Ảnh: Đưa nước ngâm ruộng

           + Có thể sử dụng các chế phẩm nấm, chế phẩm sinh học, …chứa một lượng lớn vi sinh vật phân giải nhanh lớp vỏ trấu, vỏ lụa của hạt lúa trong điều kiện ngập nước như: Trichoderma spp., bacillus subtilis, Chaetomium spp…. Trong môi trường yếm khí, các vi sinh vật tạo ra lượng lớn enzyme, kết hợp với sự thẩm thấu của nước vào phôi làm chết phôi mầm. Chúng làm mất khả năng nảy mầm của hạt lúa. Ngoài ra, các chủng vi sinh vật này còn giúp phân hủy gốc rạ, xác bã thực vật, thành phân hữu cơ trong đất. Tạo độ thông thoáng cho đất giúp chống xì phèn, làm đất tơi xốp giúp bộ rễ phát triển tốt hơn, hạn chế nghẹt rễ.

Ảnh: Xử lý lúa nền, lúa cỏ và cỏ dại bằng hóa chất

         Đặc biệt nếu xử lý bằng các biện pháp hóa học chỉ được áp dụng trong điều kiện cho phép thời gian đất nghỉ kéo dài, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly (là thời gian từ lúc phun cho đến khi gieo sạ), nhằm làm mất đi các hoạt tính của hóa chất gây hại cho sự nảy mầm của hạt giống,…

Ảnh: Xử lý lúa nền, lúa cỏ và cỏ dại bằng hóa chất

          Việc xử lý lúa nền cần tiến hành thường xuyên, liên tục hàng vụ với tất cả các biện pháp khuyến cáo. Tùy theo điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực áp dụng cho phù hợp, giúp giảm đi một phần lúa nền trên ruộng canh tác lúa với thực trạng hiện tại mà bà con nông dân Trà Vinh đang đối mặt. Ngoài việc làm giảm đi chất lượng và giá trị sản phẩm của vụ lúa sau, cũng đồng nghĩa là giảm năng suất hàng vụ nếu không có các biện pháp xử lý bền vững và an toàn thì hạt lúa của Trà Vinh sẽ khó cạnh tranh khi tham gia thị trường tiêu thụ khó tính. /.

Ths: Nguyễn Thị Lùng

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 38
  • Trong tuần: 785
  • Tất cả: 434349