Khẩn trương, tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 22 người tử vong do bệnh Dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, cả nước có 82 người chết do bệnh Dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (17,14%). Nguồn lây truyền bệnh Dại ở người chủ yếu là do bị động vật mắc bệnh Dại cắn, cào,… Thống kê cho thấy 80% nguồn lây từ chó 18%, từ mèo 0,1%, từ dơi và 1% từ các động vật khác như chuột, khỉ.

Chó thả rông, không đeo rọ mõm làm tăng nguy cơ lây lan bệnh Dại

Ở động vật, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 45 ca động vật mắc bệnh dại tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, cả nước ghi nhận 347 ca ở 31 tỉnh, thành phố, tăng khoảng trên 200 ca so với năm 2022 và số tỉnh, thành phố có dịch tăng gần gấp đôi.

Tại Trà Vinh, toàn tỉnh có khoảng 70.000 hộ nuôi khoảng 150.000 con chó, mèo. Báo cáo của cơ quan chuyên môn cho biết, từ năm 2022 đến nay đã xảy ra 7 ca chó mắc bệnh Dại. Cụ thể, năm 2022: 2 ca, năm 2023: 4 ca, tăng gấp đôi năm 2022 và  năm 2024: 1 trường hợp. Về công tác tiêm phòng Dại cho chó, mèo, năm 2022 chỉ đạt 13,17%, năm 3023 đạt 24,26% và năm 2024 đạt 11,79%, rất thấp so với quy định phải tiêm từ 80% tổng đàn trở lên.

Số người bị chó cắn phải đi tiêm phòng Dại 25.252 người (năm 2022: 11.975 người; năm 2023: 12.238 người, tăng 263 người so với năm 2022; năm 2024: 1.039 người). Năm 2022, tỉnh có một người chết do bệnh Dại.

Trước tình hình trên, theo dự báo, nguy cơ bệnh Dại tiếp tục phát sinh và lây lan là rất lớn do tỷ lệ tiêm phòng Dại cho chó, mèo thấp (bình quân cả nước chỉ đạt 53,7% tổng đàn chó); thời tiết nắng nóng, kéo dài là điều kiện thuận tiện để vi rút dại phát triển; thực trạng phổ biến là chó, mèo thả rông nơi cộng cộng không được đeo rọ, mõm,…

Anh-tin-bai

Biểu hiện của bệnh Dại trên người và cách phòng tránh

(Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/tang-cuong-cac-bien-phap-cap-bach-phong-chong-benh-dai-636242.html)

Để ngăn chặn nguy cơ bệnh Dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh Dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người, ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc số 22/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại. Bộ trưởng Bộ Y tế có Công văn số 1208/BYT-DP ngày 15/3/2024 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống Dại. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có Công văn số 189/VSDTTƯ ngày 20/02/2024 về việc cảnh báo gia tăng tử vong do bệnh Dại và chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống năm 2024. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 26/02/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật

Về phía tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn số 901/UBND-NN ngày 29/02/2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 26/02/2024 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 1219/UBND-NN ngày 18/3/2024 về việc triển khai Công điện số 22/CĐ-TTg ngày ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1340/UBND-KGVX ngày 25/3/2024 về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại.

Một số biện pháp phòng, chống bệnh Dại cần thực hiện, đó là:

Đối với phòng chống bệnh Dại động vật:

- Người dân cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn.

- Chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại; không để chó, mèo thả rông, khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn.

- Giám sát, cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm phòng vắc xin bệnh Dại.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Đối với phòng, chống bệnh Dại ở người:

- Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở người. Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.

- Trường hợp bị động vật nghi Dại cắn, xử lý vết thương và tiêm ngừa vắc xin, huyết thanh kháng bệnh Dại kịp thời, đầy đủ và đúng lịch. /.

Tuyết Hồng

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 36
  • Trong tuần: 475
  • Tất cả: 434861