Quy trình quản lý hiện tượng vàng lá chết cây trên ổi

Ổi là loại cây ăn trái dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, nhanh cho trái và cho thu hoạch nhiều vụ trong năm. Hiện nay diện tích trồng ổi của tỉnh trên dưới 1.000 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè với 719,08 ha, sản lượng ước đạt hàng năm là rất lớn (khoảng 13.134,8 tấn/năm). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây trên cây ổi bị nhiều dịch hại tấn công, trong đó hiện tượng vàng lá chết cây đang diễn ra rất phổ biến, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng trái.

Hình: Cây ổi bị Tuyến trùng gây hại

         Qua khảo sát thực tế trên vườn, nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá chết cây ổi được tìm thấy với cả 02 tác nhân song song gồm thối đen rễ, hóa nâu mạch dẫn và bướu rễ (tuyến trùng rễ) các nốt sần hay bướu được tìm thấy có thể to hay nhỏ tùy thuộc vào giống ổi. 

         Cây ổi bị nhiễm tuyến trùng Meloidogyne sp gây ra hay còn gọi là bướu rễ có triệu chứng cây sinh trưởng kém, lá nhỏ, lá úa vàng sớm hoặc rìa lá nâu tím thành từng mảng, xuất hiện rải rác thành từng chùm hay trên toàn tán lá, cây còi cọc suy dinh dưỡng. Hệ thống rễ với đầy những nốt u bướu, những nốt u bướu to và liền nhau (giống ổi xá lỵ) hoặc những nốt u bướu nhỏ và rời rạc (giống ổi không hạt). Cây bị bệnh nặng và lâu những khối u bướu bắt đầu thối rữa, có thể nắm nhổ lên dễ dàng.

anh tin bai

Hình: Cây ổi bị Tuyến trùng gây hại

         Cây ổi bị thối rễ do nấm Nalanthamala psidii gây ra với triệu chứng ban đầu, lá ngọn của một vài nhánh bị úa, héo vàng và rụng sớm; dần dần cành bị khô và chết, chết dần từ các nhánh nhỏ đến các cành lớn. Trái kém phát triển, héo, thối và rụng. Triệu chứng lan rộng trên toàn bộ cây, và các cây trồng như bị lửa thiêu rụi. Mô mạch của thân gần rễ đổi màu từ nâu sang đen, khối sợi nấm màu trắng dưới vỏ ngoài cùng của thân cây chết. Rể xuất hiện những vết đen, các mô mạch rễ hóa nâu đến đen hoàn toàn ở cây bị chết.

         Để quản lý tốt hiện tượng vàng lá chết cây trên ổi nhà vườn, hội viên phải thực hiện tốt một số biện pháp như sau:

         1. Biện pháp canh tác:

         - Loại bỏ hết trái trên cây có triệu chứng bệnh;

         - Loại bỏ các loại cỏ là ký chủ của tuyến trùng trong vườn như: bình bát dây, rau muống, rau diệu, chó đẻ và tai tượng;

         - Bón phân NPK cân đối, đảm bảo tưới nước đầy đủ vào mùa nắng cũng như thoát nước tốt vào mùa mưa;

         - Nếu lớp đất mặt quá khô cứng cần xới đất xung quanh gốc; ổn định ẩm độ đất xung quanh gốc cho cây bằng cách tủ rơm rạ, lục bình,…

         - Khi trong vườn có cây bị bệnh thối rễ sắp chết thì phải bứng hết gốc, thu gom hết rễ đem phơi khô và đốt; cuốc đất vùng rễ cây bệnh, phơi nắng 2 – 4 tháng, đồng thời bón vôi (CaO) và trồng các loại cây thảo mộc (vạn thọ, lục lạc,…) nhằm làm giảm mật số tuyến trùng gây bướu rễ ổi.

          2. Biện pháp hóa học:

         - Tưới thuốc trị đặc trị tuyến trùng và nấm 03 lần liên tục cách nhau 10-15 ngày/lần; các loại thuốc như Matalaxyl + Mancozeb hoặc Ridomil,  tưới Tervigo để xử lý tuyến trùng,…

         - Tưới dưỡng rễ, điều chỉnh pH tối thiểu 3 tháng/lần;

            - Phun dưỡng lá 2 lần cách nhau 2 - 3 tuần;

         * Lưu ý: cần đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc.

anh tin bai

Hình: Cây ổi bị thối rễ do nấm Nalanthamala psidii gây ra

         3. Biện pháp sinh học:

         - Sau tưới thuốc lần thứ 2 hơn 1 tháng bón phân hữu cơ (sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân thương mại) kết hợp với nấm đối kháng (Trichoderma spp. và Paecilomyces lilacinus) định kỳ sử dụng nấm đối kháng 3 tháng/lần cho 2 năm đầu.

- Tranh thủ nuôi lục bình hay bèo hoa dâu trong mương vườn để tận dụng diện tích mặt nước sẵn có và nguồn phân xanh tại chỗ giúp thay thế nguồn phân hữu cơ và che phủ đất duy trì ẩm độ.

         *Chú ý: Đối với vườn ổi trồng lại trên đất đã từng trồng ổi hoặc trồng cây ăn trái khác có thể áp dụng các biện pháp tổng hợp như sau:

         - Vườn cũ có cây bị bệnh thối rễ thì cày xới đất, phơi nắng 2 – 3 tháng (2 - 4 tháng vào mùa mưa).

         - Trồng 1 -2 vụ một trong các loại cây thảo mộc (vạn thọ, lục lạc,…) nhằm làm giảm mật số tuyến trùng gây bướu rễ ổi.

         - Khi trồng mới cần sử dụng cây ổi giống sạch bệnh.

         - Loại bỏ thường xuyên và kiểm tra sự hiện diện của tuyến trùng bướu rễ trong đất thông qua các loại cỏ là ký chủ của tuyến trùng trong vườn như: bình bát dây, rau muống, rau diệu, chó đẻ và tai tượng.

         - Bón phân NPK cân đối, đảm bảo tưới nước đầy đủ vào mùa nắng cũng như thoát nước tốt vào mùa mưa.

         - Tranh thủ nuôi lục bình hay bèo hoa dâu trong mương vườn để tận dụng diện tích mặt nước sẵn có và nguồn phân xanh tại chỗ giúp thay thế nguồn phân hữu cơ và tăng che phủ đất, duy trì ẩm độ.

         - Bón phân hữu cơ (sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân thương mại) kết hợp với nấm đối kháng (Trichoderma spp.,…), định kỳ sử dụng nấm đối kháng 3 tháng/ lần cho 2 năm đầu.

         - Tưới dưỡng rễ, điều chỉnh pH tối thiểu 3 tháng/lần cho năm đầu tiên sau trồng, tối thiểu 6 tháng/lần cho các năm sau. 

Bài, ảnh: Hùng Mận

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 680
  • Tất cả: 436122