Đề án “Phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030”

Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 898/QĐ-BNN-CN ngày 02/4/2024. Mục tiêu, nhằm phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của ngành Ong, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm ong Việt Nam. Sản phẩm hàng hóa của ngành Ong được sản xuất chủ yếu từ các cơ sở nuôi ong chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Ong nuôi lấy mật tại tỉnh Trà Vinh

Cụ thể, duy trì số lượng từ 1,3 đến 1,5 triệu đàn ong được di chuyển theo nguồn hoa, nguồn mật, đạt năng suất mật bình quân cả nước trên 42 kg/đàn/năm đối với ong ngoại và trên 18 kg/đàn/năm đối với ong nội. Tổng sản lượng mật ong ổn định 55-60 nghìn tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 80% và tiêu dùng nội địa khoảng 20%. 

Theo https://channuoivietnam.com/ (truy cập ngày 03/4/2024), năm 2022, cả nước có khoảng 1,48 triệu tổ ong, sản lượng mật khoảng 21.000 tấn (tương đương 14 kg/tổ/năm). Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có trên 25.300 tổ, trong đó, tỉnh Tiền Giang đứng đầu với hơn 11.000 tổ, tỉnh Bến Tre 9.300 tổ, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Kiên Giang mỗi tỉnh khoảng 1.500 tổ. Riêng tỉnh Trà Vinh có gần 400 tổ, sản lượng mật khoảng 1 tấn.

anh tin bai

Người dân xã xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, nhận ong do “Dự án sinh kế Trà Vinh” chuyển giao

Trà Vinh có khoảng 44.200 ha diện tích cây ăn trái rất thuận lợi cho nghề nuôi ong phát triển, trong đó, 25.600 ha dừa (diện tích dừa đứng thứ 2 Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Bến Tre) và 18.600 ha cây ăn trái. Năm 2023, “Dự án sinh kế Trà Vinh” do Dự án SP - Samaritan’s Purse (dự án SP thực hiện tại tỉnh Trà Vinh từ năm 2021), đã triển khai dự án nuôi ong lấy mật tại xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, là một xã có diện tích trồng cây ăn trái lớn. Trước dự án nuôi ong lấy mật tại xã Ninh Thới, SP chưa từng triển khai bất cứ dự án nuôi ong trên toàn thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có dự án về nuôi ong lấy mật. Qua tổng kết dự án năm 2023, từ 14 thùng ong hỗ trợ, các hộ có nguồn thu bán mật ổn định khoảng 2-4 triệu/tháng.

Năm 2018 toàn tỉnh có gần 1.200 tổ ong, tuy nhiên do gặp khó về đầu ra, số tổ ong giảm mạnh. Năm 2020 toàn tỉnh chỉ còn 302 tổ, năm 2021 tăng lên 370 tổ và năm 2022 đạt gần 400 tổ. Tuy vậy, mức tăng vẫn còn cách rất xa so với năm 2018. Một trong những lý do số tổ ong tăng, có thể xuất phát từ chăn nuôi gia súc, gia cầm giá thấp và kéo dài nên người nuôi một số địa phương chuyển hướng sản xuất. 

Hoàn toàn có thể phát triển nuôi ong lấy mật tại tỉnh Trà Vinh, nhưng nghề nuôi Ong chưa được quan tâm. Tỉnh ít có số liệu thống kê về tình hình nuôi ong cũng như sản lượng mật hàng năm. Các sản phẩm từ ong (mật, phấn hoa,…) không nhiều và chưa có thương hiệu, nhãn hiệu. Các chương trình, dự án đầu tư nuôi ong (trước “Dự án sinh kế Trà Vinh”) hầu như không có, ngoài một số đề tài nghiên cứu khoa học, như đề tài “Nghiên cứu triển khai nuôi ong lấy mật tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”. Vì vậy, Đề án “Phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030” sẽ là cơ hội để phát triển nghề nuôi Ong tại Trà Vinh.

Để thực hiện Đề án, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu chăn nuôi ong tại địa phương để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Hàng năm triển khai chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm trên địa bàn của địa phương đối với nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong. Chỉ đạo điều tra về trữ lượng cây nguồn mật, cây nguồn phấn, cây nguồn mật và phấn ở địa phương để làm căn cứ kiểm soát số lượng đàn ong mật có mặt phù hợp tại địa phương. Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi ong theo chuỗi giá trị, hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại hóa sản phẩm. Tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện tại địa phương. Phối hợp với các Bộ, ngành tuyên truyền lợi ích của nghề nuôi ong thông qua hoạt động thụ phấn cho cây trồng và sản phẩm ong. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong di chuyển đàn đến các vùng trồng tập trung cây thức ăn cho ong mật.

Bài, ảnh: Văn Đoái

 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 448
  • Tất cả: 434834