Báo chí Khmer Trà Vinh góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà
Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Ngày 05/5/1992, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của tỉnh Trà Vinh chính thức hoạt động.

Báo Trà Vinh chữ Khmer, phát hành vào dịp Chôl Chnăm Thmây năm 2023

         Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh có bước phát triển vượt bậc. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng; giá trị tổng sản phẩm nội địa tăng trưởng bình quân 11,5%/ năm. Đời sống của Nhân dân được nâng lên mọi mặt, thu nhập bình quân đầu người năm 1992 chỉ đạt 730.000 đồng, đến cuối năm 2022 đã đạt 71,07 triệu đồng, tăng gấp 97 lần so năm 1992; tỷ lệ hộ đói vào năm 1992 chiếm đến 20%, hộ nghèo chiếm hơn 40%; đến năm 1995 tỉnh không còn hộ đói và đến cuối năm 2022 hộ nghèo chỉ còn 1,88%, trong đó hộ đồng bào Khmer nghèo chỉ còn 3,6%. Đó là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp; sự nỗ lực phấn đấu trong sản xuất - kinh doanh của đồng bào Kinh - Khmer - Hoa...trong tỉnh. Trong sự phát triển chung đó, có sự đóng góp xứng đáng của hoạt động báo chí tỉnh nhà nói chung, báo Khmer nói riêng.

         Báo Trà Vinh chữ Khmer, ra đời từ năm 1960, thời điểm này báo viết trên giấy sáp quay rônêô, phát hành trong bà con người dân tộc vùng giải phóng và len lỏi vào bà con trong vùng ấp chiến lược. Nội dung báo tập trung tuyên truyền ba mũi giáp công, lạc quyên đảm phụ. Toà soạn di động liên tục từ rừng Long Vĩnh về Càng Long, Cầu Kè, có khi qua Trà Ôn, rồi lại về Càng Long. Cán bộ, phóng viên của báo phải làm việc dưới bom đạn giặc và tự đảm bảo cuộc sống bằng cách đi đặt trúm, cắm câu. Đến ngày giải phóng, sau khi sáp nhập hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long, Báo Cửu Long chữ Khmer tiếp tục được phát hành, mặc dầu kỹ thuật in ấn vẫn còn lạc hậu, những người làm báo vẫn còn nhiều vất vả trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh Cửu Long những năm đầu giải phóng rất khó khăn do hậu quả lâu dài của cuộc tranh 30 năm giải phóng dân tộc, lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây, nhưng báo vẫn phát hành điều đặn, cung cấp thông tin đến với cán bộ, đảng viên, chư tăng và đồng bào Khmer trong tỉnh.

          Ngay sau khi tái lập tỉnh, cơ quan Báo Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 703/QĐ-TU ngày 16/3/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long; thực hiện theo Công văn số 118/CV-TT, ngày 12/5/1992 của Cơ quan Thường trú Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao tại Thành phố Hồ Chí Minh“Về việc cấp giấy phép tạm thời cho Báo Trà Vinh”. Qua đó, cơ quan báo Trà Vinh được phép hoạt động xuất bản định kỳ mỗi tuần 02 số Báo Trà Vinh chữ Việt vào ngày Thứ Năm và Chủ nhật (đến năm 1994, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, không phát hành số báo Chủ nhật) và 01 số Báo Trà Vinh chữ Khmer. Thời điểm này, Báo Trà Vinh chữ Khmer phát hành 02 kỳ/tháng, báo in 4 trang, 2 màu. Đến năm 2001, tăng lên 03 kỳ/tháng; năm 2008, tăng lên 4 kỳ/tháng và đến năm 2016, Báo Trà Vinh chữ Khmer phát hành mỗi tuần 2 kỳ với số lượng 2000 tờ/kỳ([1]). Ngoài việc phát hành trong cán bộ, đảng viên và đồng bào Khmer, còn có 143 chùa Khmer trong tỉnh là đọc giả dài hạn của Báo Trà Vinh chữ Khmer. Trong các dịp lễ lớn như Chôl Chnăm Thmây, Đôl Ta của đồng bào dân tộc Khmer và Tết Nguyên đán...Báo Trà Vinh chữ Khmer có phát hành số đặc biệt in màu với nhiều bài viết và hình thức phong phú...

Chuyên mục thiếu nhi trên Đài Truyền hình Trà Vinh (phát sóng bằng tiếng Khmer

         Từ những ngày đầu phát hành, do tờ báo có nội dung phong phú, nên nhiều nơi đã dùng báo Trà Vinh chữ Khmer làm tài liệu học tập, nhất là chuyên mục tìm hiểu từ ngữ Việt - Khmer vừa dành cho các đối tượng nghiên cứu, vừa tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc có truyền thống đoàn kết lâu đời và được các chùa sử dụng phục vụ cho việc dạy và học chữ Khmer tại chùa. Từ chổ dịch thuật nội dung từ báo chữ phổ thông ở thời điểm năm 1992, đến năm 1995, đội ngũ làm báo Trà Vinh chữ Khmer đã tự lực viết 50% tin, bài và hiện nay đảm bảo được 100% tin, bài và ảnh. Ngoài ra, hàng tháng, đội ngũ làm báo Khmer của tỉnh còn gửi tin, bài cộng tác với Đài tiếng nói Việt Nam, trong chương trình phát thanh tiếng Khmer. Gần 100% thông tin gửi đi được phát sóng và đăng báo Dân tộc miền núi của Thông tấn xã Việt Nam.

         Cùng với báo Trà Vinh chữ Khmer, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh cũng đã lên sóng phát thanh tiếng Khmer cùng với chương trình phát thanh tiếng Kinh của Đài ngay sau khi tái lập tỉnh. Từ chổ chỉ phát 60 phát/ngày, nay chương trình phát thanh tiếng Khmer của Đài Phát thanh và Truyền hình có thời lượng phát sóng 120 phút/ngày. Nội dung chương trình phát thanh tiếng Khmer của Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh đã phản ảnh phong phú tình hình đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Khmer trong tỉnh. Hiện nay, mỗi năm Chương trình phát thanh tiếng Khmer phát trung bình khoảng 10.000 tin, gần 800 bài và khoảng 700 chuyên đề, gồm: Chương trình thời sự tổng hợp và các chuyên đề như: Phum sóc ngày nay; Đảng trong cuộc sống; Nông thôn mới; Phụ nữ và cuộc sống; Sức khỏe và cuộc sống; Chuyện nhà nông; Văn hóa văn nghệ Khmer; gương người tốt việc tốt... Trong đó, đài tự sản xuất đưa lên sóng phát thanh khoảng 50% và cộng tác 48 chương trình với Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Cần Thơ với thời lượng 50 phút.

         Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/1995), Đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện lên sóng phát thử nghiệm chương trình phát hình tiếng Khmer. Sau thời gian phát thử nghiệm, Chương trình phát hình tiếng Khmer của Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh, được phát chính thức với thời lượng 30 phút/ngày và đến nay đã tăng lên 60 phút/ngày. Hiện nay, chương trình phát hình tiếng Khmer, phát trung bình mỗi năm 360 chương trình với khoảng từ 5.000 - 6000 tin, trên 700 bài gồm ghi nhanh, phóng sự, người tốt việc tốt, điểm tin, văn hóa, văn nghệ...Đồng thời, sản xuất trên 30 chương trình cộng tác với VTV5, thời lượng mỗi chương trình 30 phút.

         Ngoài Báo Trà Vinh chữ Khmer, Chương trình phát thanh và phát hình tiếng Khmer, từ năm 2014, Hội học - Nghệ thuật thực hiện việc xuất bản Tạp chí văn nghệ bằng chữ Khmer, phát hành hàng năm 4 số vào dịp Chôl Chnăm Thmây, Đôl Ta, Ok Om Bok và 01 số chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, với số lượng phát hành 400 quyển/kỳ; chuyên đăng các sáng tác thơ, văn, truyện, tiểu thuyết, bút ký, các bài viết về văn hóa, lễ hội truyền thống, tín ngưỡng ...của đồng bào Khmer của các tác giả người Khmer và cả người Kinh trong và ngoài tỉnh, góp thêm một kênh báo chí chữ Khmer chuyên về văn hóa văn nghệ, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, và bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer tỉnh nhà.. 

         Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy Về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Nêu nhiệm vụ “Tiếp tục củng cố và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống. Nâng cao chất lượng tin, bài Báo Trà Vinh tiếng Khmer, chương trình phát thanh, phát hình tiếng Khmer....tăng cường thời lượng phát sóng bằng tiếng Khmer trong các chương trình phát thanh, truyền hình, tạp chí”.

         Nhiệm vụ nêu trên đặt ra một trọng trách nặng nề của những người làm báo chữ Khmer, đồng thời cũng là điều kiện để báo Trà Vinh chữ Khmer, Chương trình phát thanh và phát hình tiếng Khmer của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Tạp chí văn nghệ chữ Khmer tỉnh Trà Vinh chứng tỏ năng lực, trình độ và phẩm chất của mình. Và chúng ta tin tưởng rằng, những người làm báo chí Khmer Trà Vinh sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề và vinh quang đó, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà nói chung, của cán bộ, đảng viên, chư tăng và đồng bào Khmer tỉnh nhà nói riêng.


([1]) Theo Giấy phép số 2147/GP-BTTT ngày 13/113/2012 của Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông về Giấy phép hoạt động báo chí in.

Trần Bình Trọng

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 732
  • Tất cả: 434374