Trồng chanh bông tím cho hiệu quả kinh tế cao
Ba năm  trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè đã mạnh dạn đốn bỏ nhiều loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế thấp để trồng giống cây chanh bông tím. Ưu điểm nổi trội của giống cây này là thời gian cho thu hoạch ngắn, giá cả ổn định, kinh phí đầu tư thấp và cũng ít tốn nhân công chăm sóc, thu hoạch.

Thu hoạch Chanh bông tím

         An Phú Tân là một xã của huyện Cầu Kè nằm cặp theo con sông Hậu, người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp trong những năm qua do bà con thường xuyên sử dụng các giống cây truyền thống, nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ đó, địa phương đã vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn bằng những loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao. Tiên phong trong việc đưa cây chanh bông tím về trồng ở địa phương là hộ ông Nguyễn Văn Quởn ở ấp Định An, gia đình có 8 công đất, lúc trước gia đình ông trồng cây Nhãn do thời gian gần đây cây Nhãn bị bệnh chổi rồng tấn công, gia đình chuyển sang trồng nhóm cây có múi như: Cam, Quýt, Chanh… nhưng cũng bị bệnh vàng lá Greening gây hại, từ kinh nghiệm thực tế nhà vườn của mình đi đến các Viện, Trường cùng các bạn bè tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và chuyển đổi trồng cây chanh bông tím. Lúc đầu ông chỉ trồng vài cây thử nghiệm, sau thời gian trồng thấy cây chanh bông tím phát triển tốt thích hợp với vùng đất địa phương, nên đã nhân rộng mô hình. Hiện gia đình đã trồng được trên 1.800 Cây chanh bông tím được 5 năm tuổi.  Nhờ áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, chanh bông tím đã không phụ công đất và người. Tán chanh ra bông sum xuê, mỗi năm thu hoạch cho năng suất trên 3 tấn/công, giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, có thời điểm ông bán trên 20.000 đồng/kg, gia đình thu vào hơn 150 triệu đồng/ năm từ cây chanh bông tím, sau khi đã trừ chi phí.

          Ông cho biết kinh nghiệm trồng của mình như sau:“ Sau mỗi đợt thu hoạch, sử dụng phân kali vào bón gốc, mỗi tháng phun thuốc dưỡng lá, khi chuẩn bị ra hoa phun thuốc dưỡng hoa, năng suất đạt từ 30-35 tấn/ha”.

          Từ hiệu quả cây chanh bông tím mang lại, ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ cùng ấp do trồng lúa không hiệu quả, ông cũng đã chọn cây chanh bông tím làm cây trồng chủ lực cho gần 2 công đất của gia đình, đến nay chanh được hơn 3 năm tuổi, đây là lúc cho thu hoạch với năng suất cao nhất. Mỗi ngày gia đình thu hoạch từ 60 đến 70 kg. Gia đình thu hoạch trái là thương lái đến tận nhà thu mua với giá bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi tháng ông thu nhập trên 20 triệu đồng, trừ hết chi phí ông còn lời khoảng 18 triệu đồng. Cao gấp 5 lần so với trồng lúa. Theo kinh nghiệm ông cho biết: Cây chanh rất dễ chăm sóc, ông kết hợp bón cả 2 loại phân vô cơ và hữu cơ để nuôi dưỡng cây xanh tốt quanh năm.

          So với loại chanh không hạt hay chanh giấy thì chanh bông tím cho trái quanh năm nhưng vẫn có hương vị và độ chua giống y như giống chanh truyền thống xưa nay. Chanh bông tím lớn nhanh, chỉ trồng hơn năm thì cây đã cho trái, năng suất cao hơn các giống chanh khác và tuổi thọ gần cả chục năm. Qua thực tiễn sản xuất cho thấy chanh bông tím là loại cây có múi dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa đơn giản nhưng thu nhập từ loại cây trồng này là khá cao và được thị trường ưa chuộng, nên nhiều bà con nông dân trong xã đã chuyển được 64 ha từ diện tích trồng các loại cây ăn trái khác sang trồng chanh bông tím hay trồng xen với các loại cây ăn trái khác.

          Rõ ràng cây chanh bông tím đang ở thời “hoàng kim” và rất có khả năng người dân lại chạy theo phong trào trồng một cách tự phát mà chưa biết tương lai sẽ ra sao. Trước mắt, đầu ra của sản phẩm đã có, nhưng để mở rộng thị trường ngành chức năng địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, thiết lập và phát huy tốt mối liên kết giữa bốn nhà: Nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Để người nông dân sản xuất một cách bền vững hơn./.

Bài, ảnh: Nguyễn Tân

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 455
  • Tất cả: 434841