Trồng ca cao xen măng cụt cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm
Đây là mô hình khá mới mẻ đối với các nhà vườn trong tỉnh, đặc biệt là các nhà vườn trồng măng cụt ở huyện Cầu Kè. Do cây măng cụt thường được nhà vườn trồng chuyên canh và có thời gian trồng khá dài (trên 10 năm) mới cho thu hoạch, nhưng những năm gần đây, mặt hàng trái măng cụt luôn rớt giá và năng suất không ổn định…nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Với việc mạnh dạn đưa cây ca cao vào trồng xen trong vườn măng cụt của các nhà vườn ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với chuyên canh cây măng cụt. 

Có thể nói người “tiên phong” trong việc đưa cây cao cao vào trồng xen trong vườn măng cụt là nhà vườn Đặng Văn Thạch, ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Năm 2013, khi ông đưa cây ca cao vào trồng xen trong vườn măng cụt (thời điểm này trái măng cụt được xem là mặt hàng hiếm, quý và có giá trị kinh tế cao) bị mọi người xem ông là “dở hơi”…Qua trao đổi với chúng tôi, nhà vườn Đặng Văn Thạch chia sẻ: Khi chọn trồng 01 loại cây con gì cũng phải có tìm hiểu và suy tính trước sau; đối với sản phẩm trái ca cao đây là mặt hàng được người dân ở các nước Châu Âu ưa chuộng và sử dụng nhiều trong chế biến bánh kẹo, nước uống nên nhu cầu trong tiêu thụ là rất lớn; ngoài ra, cây ca cao cũng dễ trồng và không kén đất, thời gian từ lúc trồng đến khi cho trái không dài (khoảng 18-24 tháng) và chi phí bỏ ra cho cây ca cao như thuốc, phân bón rất thấp (chiếm 03-05%/tổng thu) nếu so với các cây trồng khác thì cây ca cao mang lại giá trị kinh tế tốt nhất cho nhà vườn.

Từ suy nghĩ trên, nhà vườn Đặng Văn Thạch đã mạnh dạn đầu tư mua 1.000 gốc cây ca cao từ Tiền Giang đem về trồng xen trong 01 ha vườn măng cụt đã trên 13 năm tuổi. Qua 02 năm trồng, đến nay số cây ca cao còn lại trên 800 gốc và trung bình cứ 15 ngày, gia đình thu hoạch được 700-800kg trái, hiện giá bán ca cao trái được thương lái mua tại vườn là 5.500 đồng/kg. Với giá trị từ cây cao cao mang lại khá cao và ổn định, năm 2016 nhà vườn Đặng Văn Thạch tiếp tục đầu tư trồng thêm hơn 1.200 gốc ca cao vào hết diện tích 02 ha măng cụt của gia đình.

Thấy được hiệu quả của cây ca cao xen trong vườn măng cụt, hiện một số nhà vườn trong xã Tam Ngãi, xã Thông Hòa đến tìm hiểu mô hình trồng ca cao xen măng cụt của nhà vườn Đặng Văn Thạch để về áp dụng. Cũng theo nhà vườn Đặng Văn Thạch, hiện nay, giá ca cao ở mức 5.500 đồng/kg mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nông dân; nếu giá ca cao rớt xuống ở mức 4.300-4.500 đồng/kg, nông dân trồng ca cao vẫn có hiệu quả.

Cây ca cao trồng xen trong vườn măng cụt có hiệu quả hơn so với trồng xen trong vườn dừa, qua phân tích của nhà vườn Đặng Văn Thạch, cho thấy: các yếu tố thuận lợi như cây măng cụt không có rễ ăn lan như cây dừa, nên nền đất khá tươi xốp cho rễ cây ca cao phát triển; độ che phủ của cây măng cụt không xòe rộng bằng cây dừa, nên giúp cây ca cao phát tán nhanh…từ đó làm tăng năng suất trái ở cây ca cao. Bên cạnh đó, cây măng cụt thường rơi vào chu kỳ vụ trúng-vụ thất và lại “mẫn cảm” với mặn; nên thời gian gần đây khi ảnh hưởng của mặn xâm nhập và khô hạn xảy ra đã làm năng suất và chất lượng trái măng cụt giảm. Trong khi đó, đặc điểm của cây ca cao thích nghi và chịu mặn, khô hạn khá tốt nên khi có cây ca cao trồng xen sẽ góp phần tạo thêm thu nhập phụ (ca cao trồng xen) thành nguồn thu nhập chính do giá trị kinh tế của ca cao mang lại cao hơn so với cây măng cụt./.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 449
  • Tất cả: 434835