Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022
Nhằm tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sáng ngày 11/02/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022”.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình Hội nghị)

         Theo thông tin từ Hội nghị, năm 2021, cả nước có 33 tỉnh, thành phố xảy ra dịch Cúm gia cầm, tiêu hủy hơn 457 nghìn con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020; bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 60 tỉnh, thành phố, tiêu hủy hơn 288 nghìn con heo, cao hơn 3,2 lần; bệnh Lở mồm long móng xuất hiện ở 18 tỉnh, thành phố, tiêu hủy 349 gia súc, số gia súc mắc bệnh giảm 2,4 lần; phát hiện bệnh Viêm da nổi cục ở 55 tỉnh, thành phố, tiêu hủy hơn 29 nghìn con; 53 người tử vong vì bệnh Dại tại 28 tỉnh, thành phố, giảm 25 trường hợp. 

          Về thủy sản, ở tôm, bệnh hoại tử gan tụy cấp gây thiệt hại trên 2.000 ha của 18 tỉnh thành phố; bệnh đốm trắng làm thiệt hại trên 1.800 ha diện tích của 18 tỉnh, thành phố; thiệt không rõ nguyên nhân (do các địa phương và người nuôi không lấy mẫu) gần 12.300 ha, nhìn chung, diện tích tôm bị thiệt hại giảm gần 50% so với năm 2020.  

Bò bị bệnh Viêm da nổi cục tại huyện Cầu Ngang

(Ảnh: Ngô Minh Phượng)

         Tại tỉnh Trà Vinh, năm 2021, đáng chú ý là bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò và bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở những tháng cuối năm 2021. Đối với bệnh Viêm da nổi cục, do đây là bệnh mới, xảy ra ngay cao điểm giãn cách xã hội và bệnh diễn biến nhanh, phạm vi rộng, vì vậy tỉnh đã phải công dịch ở phạm vi toàn tỉnh, tổng số mắc bệnh là 3.633 con, chết 718 con tại 68 ổ dịch. Bệnh Dịch tả heo Châu Phi tổng số mắc bệnh 1.596 con, chết 181 con tại 26 ổ dịch. Những ngày đầu năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 21 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Các loại dịch bệnh khác ở gia súc, gia cầm và thủy sản được kiểm soát tương đối tốt.

         Đối với công tác phòng, chống dịch, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp theo hướng dẫn của Trung ương, như: Tập trung tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức để người dân biết, hợp tác trong phòng, chống dịch; Kiểm soát giết mổ, kiểm soát chặt chẽ động vật xuất nhập tỉnh, đặc biệt là động vật trong vùng dịch; Tổ chức tiêu độc khử trùng, khẩn trương tiêm phòng vắc xin (đối với bệnh có vắc xin tiêm phòng); Khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; thả nuôi thủy sản đúng theo lịch khuyến cáo của cơ quan chuyên môn,…

Tiêu hủy heo bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi tại huyện Càng Long

(Ảnh: Nguyễn Bỉnh Khiêm)

          Trong công tác công tác phòng, chống dịch động vật, có một số khó khăn, hạn chế, đó là: Mặc dù các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch của Trung ương cơ bản đầy đủ, nhưng một số văn bản có nội dung chưa rõ ràng, gây khó cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện (như, đối tượng hỗ trợ tiêm phòng vắc xin miễn phí, hoặc số lần tiêu độc khử trùng, vùng tiêu độc khử trùng,…). Chăn nuôi của tỉnh nhỏ lẻ, phân tán chiếm hơn 80% tổng đàn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá thu mua thấp, người chăn nuôi có những thời điểm bị thua lỗ nên không thật sự quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống dịch. Kinh phí hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh còn thấp so với ngày công lao động phổ thông tại địa phương (cụ thể, tối đa chỉ 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết), nên gặp khó để huy động được lực lượng tham gia. Về hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc bị bệnh, bị chết, buộc phải tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ có những bất cập, như, mức hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị thiệt hại do dịch là 38.000 đồng/kg hơi, thấp hơn nhiều đối với heo thịt nên nhiều người chăn nuôi không đồng ý tiêu hủy,…

         Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào đầu năm 2022 là rất cao, do: Tỷ lệ tiêm phòng thấp và một số bệnh chưa có vắc xin phòng hoặc chưa có thuốc điều trị; mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, tồn tại lâu ngoài môi trường; công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19,… Vì vậy, về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, kiến nghị các địa phương chú trọng tổ chức những biện pháp, gồm (tóm lượt): Bố trí nguồn lực và tổ chức hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức tiêm phòng vắc xin đạt tối thiểu (từng loại bệnh) trên 80% tổng đàn; chủ động giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường quản lý tốt kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra, đôn đốc và truyền thông về công tác phòng, chống dịch,…

Văn Đoái

 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 43
  • Trong tuần: 482
  • Tất cả: 434868