Trà Vinh đã chuyển sang kinh tế xanh nhưng tốc độ còn chậm
Đến năm 2021, tỉnh Trà Vinh có 21.709 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng trên 8% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Trong đó rau, màu sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840 ha, rau an toàn 142 ha; ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 12,71 ha; sản xuất dừa hữu cơ 2.443 ha, lúa hữu cơ và hướng hữu cơ 2.821,19 ha; cây ăn trái sản xuất theo VietGAP và hướng VietGAP 407 ha; nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh 11.043 ha và 02 cơ sở chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm. 

Dưa lưới trồng trong nhà kính tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành

(Ảnh: Huỳnh Sa Rây)

         Đánh giá về kết quả sản xuất nông nghiệp, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (năm 2021), ở lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa, từ giống lúa có chất lượng trung bình sang giống lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu của thị trường; các diện tích dừa hữu cơ đang được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; các loại cây trồng khác đã và đang được người dân sử dụng giống có chất lượng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và có thị trường tiêu thụ. Trong chăn nuôi, có sự chuyển đổi mạnh từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, chất lượng con giống được cải thiện, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng; từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, cung cấp sản phẩm an toàn. Về thủy sản, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu con nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; duy trì diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và lúa - thủy sản; các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, sử dụng con giống có chất lượng, môi trường nuôi được quan tâm bảo vệ nên giảm được dịch bệnh.

         Về Chương trình OCOP, năm 2021 tỉnh có thêm 24 sản phẩm đạt OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh 03 năm qua là 80 sản phẩm, trong đó đạt 03 sao 67 sản phẩm, đạt 04 sao 13 sản phẩm. Cụ thể, năm 2019: 30 sản phẩm (27 sản phẩm 03 sao và 03 sản phẩm 04 sao), năm 2020: 26 sản phẩm (16 sản phẩm 03 sao và 10 sản phẩm 04 sao) và năm 2021: 24 sản phẩm (24 sản phẩm 03 sao). Có 05 sản phẩm tiềm năng 05 sao, đó là: Mật hoa dừa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farm - Sokfarm và Dừa sáp sợi, Kẹo dừa sáp Ca Cao, Kẹo dừa sáp Lá dứa, Kẹo dừa sáp nguyên chất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến dừa Sáp Cầu Kè - VICOSAP. 

          Những năm qua, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp xanh, như: Hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ) 33 cơ sở, gồm: Trồng trọt 25 cơ sở, thủy sản 04 cơ sở, chăn nuôi 01 cơ sở và cửa hàng kinh doanh 02 cơ sở. Tổng diện tích sản xuất được chứng nhận 1.297,89 ha, sản lượng (trồng trọt) đạt khoảng 11.000 tấn/năm. Hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp trồng mới, cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái, vườn dừa 2.606,8 ha, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả 2.303,7 ha. Hỗ trợ xây mới công trình khí sinh học theo chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ 9.712 công trình (có 07 công trình đệm lót), ngoài chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, các các chương trình, dự án khác tại tỉnh còn hỗ trợ thêm khoảng 1.500 công trình khí sinh học, vì vậy đã góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh,...

         Tuy nhiên, nếu so với diện tích gieo trồng (năm 2021) của tỉnh là 259.213 ha, sản lượng 2,44 triệu tấn, tổng đàn vật nuôi 7,28 triệu con, sản lượng thịt ước khoảng 68 ngàn tấn và ước diện tích thủy sản thả nuôi 56.610 ha, sản lượng 151.442 tấn thì sản xuất xanh (bao gồm sản xuất ứng dụng công nghệ cao) trong nông nghiệp của tỉnh còn khiêm tốn. Do vậy, tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Những đặc trưng cơ bản của tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” do Trường Đại học Lao động - Xã hội tổ chức tại Trà Vinh (ngày 30/3/2022) nhận định, Trà Vinh đã chuyển sang kinh tế xanh nhưng tốc độ còn chậm. Đối với nông nghiệp, những tác nhân làm chậm tốc độ sản xuất xanh là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không kiểm soát, chất thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tình trạng khai thác nước ngầm,... làm cho môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí bị ô nhiễm (nhiễm mặn, nhiễm vi sinh vật, bụi,…), sụt lún, sạt lở gây khó khăn trong sản xuất; việc thực hành bảo tồn và tuân thủ hệ thống môi trường còn thấp; thái độ đối với việc cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh trong nông nghiệp chưa cao; các hoạt động thực hành thân thiện với môi trường còn ở bề nổi và theo phong trào chưa đi vào thực chất; chưa nhiều cơ sở sản xuất tiếp cận/biết được các chính sách hỗ trợ,…

         Vì vậy, để góp phần phát triển kinh tế xanh, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cơ sở về sản xuất xanh và tiếp cận các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp; nâng cao nhận thức của cơ sở về tầm quan trọng cải thiện môi trường sản xuất xanh hơn, bảo vệ tài nguyên môi trường; hỗ trợ cơ sở chuyển đổi công nghệ gắn với bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa sản xuất - môi trường - tiêu dùng,… 

Bài, ảnh: TH

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 448
  • Tất cả: 434834