Thành phố Trà Vinh với mô hình nuôi gà siêu trứng
Thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy “về lãnh đạo phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn thành phố Trà Vinh, trong đó con gà được xác định là một trong những vật nuôi chủ lực của thành phố để định hướng phát triển.

          Hiện nay giống gà ở tỉnh ta chưa có một địa chỉ cung cấp đáng tin cậy, người chăn nuôi chủ yếu mua gà ở những cơ sở ấp trứng gia cầm nhỏ tại địa phương, nguồn trứng được cung cấp bởi những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó với tỷ lệ lai tạp và nhiễm dịch bệnh trên gà rất cao, đây là yếu tố đầu vào thường xuyên gây thiệt hại cho người chăn nuôi gà.

          Để giúp cho người nông dân vừa chủ động trong công tác giống vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và có sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, giảm công lao động và chi phí chăn nuôi góp phần tăng thu nhập kinh tế cho nông hộ, nông dân mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng chuồng trại, phát triển từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Phòng Kinh tế thành phố xây dựng mô hình Nuôi gà Ai Cập lấy trứng trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Với nguồn kinh phí hỗ trợ là 51.540.000 đồng, qui mô 2.600 con/10 hộ, địa điểm thực hiện là Phường 7, Phường 8.

         Nhằm mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, từ giống có năng suất thấp sang giống có năng suất cao, kiểm soát khống chế được dịch bệnh, chủ động cung cấp con giống mới; cung cấp sản phẩm vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm gia cầm phát triển thị trường bền vững, giảm chi phí và không gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

         Hiệu quả kinh tế: Sau khi thả nuôi được khoảng 4,5 tháng, gà mái bắt đầu đẻ trứng, khối lượng trung bình khoảng 1,5 kg/con. Sản lượng trứng ước đạt từ 225-230 trứng/mái/năm. Sau khi trừ chi phí (con giống, thuốc thú y, váccine và các chi phí khác), mô hình thu được lợi nhuận khoảng 385.400.000 đồng.

          Hiệu quả xã hội: Góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, lạc hậu sang chăn nuôi gà tập trung; tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi trong vùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực và khả năng làm kinh tế cho hộ gia đình.

          Hiệu quả môi trường: Mô hình được xây dựng trên cơ sở phát triển gia cầm theo hướng tập trung. Bên cạnh đó, việc kết hợp sử dụng men vi sinh để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà: Làm phân hủy phân và giảm mùi hôi, không thay chất độn chuồng, trong suốt quá trình nuôi từ đó làm giảm tối đa nhân công dọn chuồng và ngày công lao động cho người chăn nuôi góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, phù hợp nông nghiệp đô thị.

          Mô hình giúp cho nông dân áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó nhân rộng và phát triển góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm gia cầm, tăng hiệu quả kinh tế cho hộ tham gia mô hình.

         Đây là mô hình được các hộ tham gia đánh giá cao về khả năng thích nghi, năng suất trứng, chất lượng sản phẩm (tỷ lệ trứng cao hơn, màu sắc lòng đỏ đậm hơn, gà chịu khó kiếm ăn, sức chống chịu với thời tiết và bệnh tật cao). Với những đặc điểm nổi bật nêu trên có thể nói giống gà Ai Cập cho sản lượng trứng cao nhất so với các giống gà nuôi ở địa phương.

         Hiệu quả đạt được từ mô hình sẽ có tác dụng tốt trong nhân dân để tổ chức nhân rộng. Trong thời gian tới đề nghị địa phương cần chú trọng, kết hợp cùng với cơ quan chuyên môn để có thể tổ chức nhân rộng mô hình, tạo vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, ổn định đầu ra sản phẩm./.

Bài, ảnh: Thân Thị Tỵ

Trạm Khuyến nông TPTV

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 28
  • Trong tuần: 467
  • Tất cả: 434853