Sản xuất tôm giống bố mẹ sạch bệnh “Nâng cao chất lượng tôm nuôi và giảm rủi ro do dịch bệnh”
Chất lượng tôm nuôi và dịch bệnh luôn là những vấn đề quan tâm hàng đầu của người nuôi thủy sản vùng ven biển; đặc biệt đối tôm sú giống (post) thường được người nuôi tìm mua từ các đại lý, cơ sở ngoài tỉnh như Bình Thuận, Khánh Hòa, Cà Màu, Bến Tre…

Tuy nhiên việc tìm hiểu cũng như giám sát về “lý lịch” tôm bố mẹ tại các cơ sở sản xuất con giống post đối với người nuôi rất khó, đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến chất lượng con tôm post chưa cao (do bản thân tôm bố mẹ già hóa, không sạch bệnh…) nên trong quá trình phát triển của tôm giống sẽ mang nhiều mầm bệnh, chậm lớn. Từ thực trạng trên, từ năm 2017-2020 (gồm giai đoạn I và giai đoạn II), Khoa Nông nghiệp-Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) đã nghiên cứu và cho sinh sản, tạo ra nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh.

Với xu hướng chủ động nhằm tạo ra nguồn tôm giống bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho các trại sản xuất tôm giống ở Trà Vinh để góp phần thực hiện kế hoạch phát triển nuôi thủy sản của tỉnh đến năm 2020 là 25.788ha và tầm nhìn đến năm 2030 là 28.160ha; nhu cầu ước tính con giống đến năm 2020 khoảng 11 tỷ con tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Với đề tài “Nghiên cứu tạo ra tôm giống bố mẹ sạch bệnh”, trong giai đoạn I (2017-2018), sau 11 tháng nuôi, đã sản xuất thành công 100 con tôm bố mẹ, trọng lượng trung bình 140gr/con và bước đầu cho sinh sản 300.000-380.000 Nauplius (ấu trùng)/tôm bố mẹ; tỷ lệ nở từ 79-82%. Kỹ sư Đỗ Văn Trường, phụ trách Trại thực nghiệm Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: Tiếp tục trong giai đoạn II (2019-2020) đã sản xuất thành công 450 con tôm bố mẹ sạch bệnh (kế hoạch 300 con), khối lượng con tôm giống cái trung bình đạt 145,72 gram; con tôm giống đực đạt 96,9 gram; trung bình tôm cái lần đầu sinh sản đạt 400.000 ấu trùng. Chất lượng tôm giống (post) được sinh sản từ nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh sẽ không mang 07 mầm bệnh trên tôm như: IHNNV, WSSV, MBV, TSV, YHV/GAV, HPV và EMS (theo kết quả kiểm nghiệm từ cơ quan Thú y vùng 6). Các tôm giống bố mẹ đã được cung ứng cho các cơ sở sản xuất giống, riêng đối với các tôm post giống được sản xuất từ tôm bố mẹ sạch bệnh có tỷ lệ sống đạt rất cao (85-90%) và tăng trọng nhanh hơn, nhất là giai đoạn sau 30 ngày so với nguồn tôm post được sản xuất từ các giống tôm bố mẹ bắt ngoài tự nhiên mà các cơ sở sản xuất giống hiện nay thường nuôi dưỡng để cho đẻ.

Đánh giá về đề tài “Nghiên cứu tạo ra tôm giống bố mẹ sạch bệnh”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thành, Chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: với việc chủ động tạo ra được nguồn tôm giống sạch bệnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng tôm nuôi cho người dân. Qua đó giải quyết cho các cơ sở sản xuất giống không còn phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ bắt ngoài tự nhiên, không đảm bảo về nguồn gốc, độ thuần của tôm…rất dễ mang mầm bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm thương phẩm…

Chất lượng tôm giống post luôn đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình phát triển của con tôm, nó thường dễ gặp các rủi ro ngoài các yếu tố về môi trường. Tôm giống post mang mầm bệnh không chỉ chậm lớn, còn làm gia tăng chi phí sản xuất của người nuôi khi sử dụng nhiều loại thuốc thú ý thủy sản để phòng trị bệnh cho tôm nuôi. Trong 04 tháng đầu năm 2020, tại các huyện vùng ven biển đã có 346,3ha diện tích nuôi tôm sú của 1.009 hộ bị thiệt hại (chiếm 22,8%  diện tích thả nuôi theo hình thâm canh và bán thâm canh) với 81,96 triệu con tôm giống. Tôm thẻ chân trắng thiệt hại trên diện tích 557,5ha (chiếm 18,7% diện tích thả nuôi) với 347,29 triệu con giống của 1.613 hộ thả nuôi.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay phần lớn người nuôi tôm ở các huyện ven biển bắt tôm giống post về nuôi từ các tỉnh như Cà Mau, Bình Thuận…Đối với các cơ sở sản xuất giống, nguồn tôm bố mẹ chủ yếu sử dụng từ nguồn tôm ngoài tự nhiên và hiện nay cũng đang dần khan hiếm và khó kiểm soát trong quá trình nuôi dưỡng để sinh sản (mang mầm bệnh…). Với nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh được sản xuất tại địa phương sẽ góp phần cung ứng nguồn giống bố mẹ được kiểm soát chặt về mầm bệnh, độ thuần của tôm bố mẹ…từ đó, các cơ sở sản xuất giống chủ động được trong sản xuất tôm giống cung cấp cho người nuôi; hạn chế các rủi ro về dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trong quá trình nuôi tôm thương phẩm.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 449
  • Tất cả: 434835