Qua 05 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp: Nông dân mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long
Từ năm 2015, qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nông dân ở các huyện như: Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Trà Cú… đã từng bước chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp, đầt triền giồng sang trồng thanh long (chủ yếu giống thanh long ruột đỏ). Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có gần 400ha thanh long và diện tích này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, do đầu ra của trái thanh long ổn định, giá cao và phục vụ mạnh ở thị trường xuất khẩu.

Nhiều diện tích thanh long phát triển đang xen trong vùng sản xuất lúa ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long.

Ghi nhận về tình hình phát triển cây thanh long trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn huyện Càng Long, đây là địa phương có diện tích trồng thanh long nhiều nhất của tỉnh (gần 300ha). Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long, cho biết: Hiện nay diện tích trồng thanh long trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Phương Thạnh, Đức Mỹ, Đại Phước, Đại Phúc, Nhị Long, Bình Phú và giá trị kinh tế mang lại rất cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, việc phát triển cây thanh long hiện cũng không không ít bất cập, do thanh long được trồng đan xen trong ruộng lúa, nên một số hộ có ruộng còn sản xuất lúa sẽ trở gặp trở ngại khi sử dụng nguồn nước bơm tát (ruộng sản xuất lúa đòi hỏi phải ngập nước), ngược lại với cây thanh long. Địa phương và ngành nông nghiệp cũng vận động các hộ trồng lúa tiếp tục chuyển đổi sang cây thanh long để thuận tiện trong sản xuất, tuy nhiên do chi phí đầu tư để trồng thanh long quá cao, ngoài khả năng vốn tự có của họ khi chuyển đổi.

Nông dân Nguyễn Văn Chậm.

    Tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long là địa phương có sự chuyển đổi khá nhanh về cây thanh long trồng trên đất lúa tại các ấp Nguyệt Trường, Phú Thạnh…. Từ năm 2017 đến nay, nông dân ở Phương Thạnh đã phát triển trồng mới gần 100ha thanh long. Nông dân Nguyễn Văn Hiển, ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh, cho biết: gia đình có 1,7ha đất trồng lúa chuyển sang trồng thanh long từ năm 2016, hiện gia đình tiếp tục thuê thêm 01 ha để trồng thanh long. Trong này, gia đình sản xuất thanh long nghịch vụ có xông đèn compact (từ năm 2019 chuyển sang sử dụng đèn Led); hiệu quả mang lại rất cao so với trong mùa thuận. Giá thanh long mùa nghịch cao gấp 1,5-02 lần, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, hiện nay, giá thanh long dao động 30.000-32.000 đồng/kg; có những lúc hút hàng, nhất là thời điểm đầu vụ hay cuối vụ, giá thanh long trên 40.000 đồng/kg.

    Nông dân Nguyễn Văn Chậm, ấp Trinh Phụ, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, cho biết: từ năm 2017 đến nay, phong trào chuyển đổi đất trồng mía sang trồng thanh long ở xã phát triển khá mạnh, hiện có trên 20ha; riêng gia đình trồng được 100 trụ thanh long (diện tích khoảng 0,2ha), mỗi năm cũng thu vào trên 15 triệu đồng/0,1ha thanh long. Gia đình cũng đang đầu tư mở rộng diện tích trồng thanh long lên 0,5ha.

    Với thanh long mùa nghịch luôn có giá khá cao và tiêu thụ cũng thuận lợi hơn, mặc dù thanh long mùa nghịch cho tỷ lệ trái khoảng 50-60% và chất lượng trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (loại I) khoảng 60%/tổng sản lượng. Tuy nhiên, so với chi phí đầu tư bỏ ra ở vụ thanh long mùa nghịch không cao, nhưng thu nhập đối người trồng thanh long vụ thuận khoảng 150 triệu đồng/ha; trong khi đó, ở vụ nghịch từ 250-270 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng thanh long hiện nay đang có khuynh hướng xử lý cho trái thanh long vụ nghịch, khoảng 40-60% diện tích vườn. Nông dân Phạm Huy Bình (ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh) cho biết: gia đình có 0,35ha trồng khoảng 350 gốc thanh long; để xông đèn cho hết diện tích trên, nhà vườn phải đầu tư khoảng 300 bóng đèn, thời gian chông đèn khoảng 30 ngày (02 đợt) đến khi thanh long ra bông. Với giá bán 35.000-40.000 đồng/kg (tăng khoảng 20.000-25.000 đồng/kg so với vụ thuận), trong khi đó chi phí đầu tư vào thanh long vụ nghịch tăng khoảng 15-20%, chủ yếu tiền điện xông đèn.

    Theo bà Huỳnh Thị Thu Nhiệm, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cầu Kè: Hiện toàn huyện có trên 15ha thanh long, tập trung trồng nhiều ở xã Tam Ngãi và Thông Hòa. Do các hộ trồng thanh long trên địa bàn huyện hiện chưa có tính liên kết với doanh nghiệp về đầu ra sản phẩm, nên đầu ra của trái thanh long trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Nguồn tiêu thụ chủ yếu đưa về các trạm thu mua thanh long ở huyện Càng Long. Từ đó, giá trị mang lại từ cây thanh long ở Cầu Kè chưa cao, đồng thời việc quy hoạch phát triển trồng thanh long chưa được địa phương và nông dân quan tâm, còn mang tính tự phát, manh múng…

    Thiết nghĩ, hiện nay vấn đề phát triển cây thanh long cần có sự vào cuộc của ngành chuyên môn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Làm vườn, Trung tâm Khuyến nông…) trong định hướng cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, tại từng địa phương cần phối hợp với Liên minh hợp tác xã, Sở Công thương trong việc xúc tiến, liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu có sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị thu mua cũng như định hướng thị trường cho người trồng thanh long…Có như vậy, cây thanh long trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp được phát triển ổn định và thật sự mang lại giá trị cho người nông dân, tránh tình trạng “được mùa mất giá” khi cung vượt cầu….

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 449
  • Tất cả: 434835