Phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò
Từ đầu tháng 8 đến nay, bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra tại tỉnh Trà Vinh, đây là bệnh mới ở Việt Nam và tỉnh. 

Các nốt sần trên da bò bị bệnh VDNC

         Mặc dù bệnh chỉ xảy ra trên trâu, bò và không lây cho người nhưng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

         1. Về đặc điểm của bệnh

         - Bệnh VDNC còn gọi là bệnh Da sần, là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Capripox thuộc họ Poxviridae gây ra. Bệnh thường xuất hiện theo mùa, chủ yếu ở những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và có số lượng nhiều. Bệnh làm giảm sản lượng sữa (bò sữa), giảm khả năng sinh sản, sinh trưởng, gây sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và trâu bò có thể chết.

         - Đường lây truyền, chủ yếu qua côn trùng đốt (như muỗi, ruồi, ve, mòng...), qua vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch (giao phối tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo) và qua tiếp xúc trực tiếp.

         2. Về triệu chứng, bệnh tích

         - Trâu, bò bị bệnh sốt cao, có thể trên 41oC, có thể bỏ ăn, giảm tiết sữa.

         - Da nổi các nốt sần/cục có đường kính từ 1-5 cm. Các nốt sần thường xuất hiện đầu tiên ở vùng đầu, cổ. Trường hợp nhẹ thì vài nốt, trường hợp nặng mọc khắp cơ thể. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa, tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. 

          - Loét ở mõm, môi và trong miệng, mũi; tăng tiết dịch tại mắt, mũi, chảy nhiều nước bọt, sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi); bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời, bò mang thai có thể bị sảy thai.

         3. Về phòng và điều trị

         a) Phòng bệnh

         - Việc tiêm phòng vắc-xin VDNC là biện pháp chủ động để phòng bệnh, có thể lựa chọn vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ, Mevac LSD của Ai Cập,… để tiêm phòng cho trâu, bò. Liều lượng, quy trình theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn.

         - Chuồng nuôi phải có làm mùng ngăn côn trùng; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc, phun thuốc diệt côn trùng; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt trâu, bò.

Vắc xin phòng bệnh VDNC

         - Không để người lạ lại gần hoặc tiếp xúc với trâu, bò.

         - Khi mua trâu, bò về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch của cơ quan chuyên môn. Tuyệt đối không mua trâu, bò nghi, mắc bệnh hoặc từ vùng dịch. Trâu, bò mua đem về được nuôi cách ly ít nhất 28 ngày mới cho nhập đàn.

         - Khi phát hiện trâu, bò nghi hoặc mắc bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

         b) Điều trị

         Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên tắc chung cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức khỏe cho trâu, bò, sử dụng kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng và các nguyên nhân nhiễm trùng kế phát. Loại thuốc, liều lượng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn.

         - Sử dụng các loại thuốc để trợ sức, trợ lực tăng sức đề kháng cho trâu, bò như: Glucose, các vitamin ADE, B-Complex, C,...

         - Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm, tiêu đờm, trợ tim,…

         - Sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng như: Penicillin,  Streptomycin, Amoxicillin,...

         - Xử lý vết loét bằng thuốc tím, Iodine, xanh Methylen,...

         c) Chăm sóc trâu, bò bệnh

         - Cách ly, nuôi nhốt trâu, bò bệnh; chuồng trại đảm bảo vệ sinh, khô ráo, thoáng mát, có mùng ngăn côn trùng.

         - Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn đầy đủ các loại thức ăn xanh (những loại cỏ non, mềm), thức ăn tinh nhưng không nên sử dụng quá nhiều tinh bột ảnh hưởng đến nhu động của dạ cỏ; bổ sung các vitamin, khoáng (đá liếm) vào khẩu phần ăn.

         - Đối với bê, nghé non thường rất yếu, tổn thương nhiều ở hệ hô hấp. Cần giữ ấm bê nghé, cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Trường hợp nếu bê, nghé không tự ăn được thì cần bơm sữa, cháo gạo loãng qua đường miệng.

         - Trường hợp trâu, bò mắc bệnh có thể đứng không vững hoặc nằm nên sử dụng các dụng cụ cố định để trâu, bò đứng lên tránh liệt dạ cỏ.

Bài, ảnh: Lê Tuyết Hồng

Phó Chủ tịch Thường trực LHH KH&KT

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 447
  • Tất cả: 434833