Phát triển mô hình trồng dừa trước biến đổi khí hậu
Những năm gần đây trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là khô hạn và mặn xâm nhập đã tác động đến sản xuất nông nghiệp. 

Nông dân Thạch Cộng (phải) trao đổi với địa phương về tính hiệu quả kinh tế

từ dừa sáp mang lại trong chuyển đổi sản xuất trước BĐKH.

         Hiện nay, đối với nông dân tại các vùng dễ ảnh hưởng như ven Sông Hậu, sông Cổ Chiên hay các vùng đất giồng cát, triền giồng… trong quá trình canh tác, nhiều cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại khá lớn khi BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp. Để đáp ứng việc thích nghi trước BĐKH, nhiều nông dân đã chọn cây dừa, trong đó có cây dừa sáp đưa vào canh tác, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và thích nghi khá tốt cho nhiều vùng đất khác nhau.

         Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và môi trường-Khoa Nông nghiệp và Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh), cho biết: hiện nay, đối với cây dừa rất phù hợp với khuynh hướng phát triển trong thời gian tới; đặc biệt là cây dừa sáp mang lại giá trị kinh tế rất cao. Khả năng chống chịu mặn của cây dừa khá tốt trên 10‰, lượng nước tưới vào mùa khô cho dừa 01-03 lần/tuần (lượng nước giai đoạn cây cho trái 200m3/ha, tương đương 160-200 cây/ha).

         Hiện nay, diện tích cây dừa trên địa bàn huyện Cầu Kè phát triển rất mạnh; đến cuối tháng 6/2020, tổng diện tích dừa của Cầu Kè có khoảng  853.300 cây (tương đương 3.878,6ha), sản lượng 51,96 triệu quả; trong đó có 74.910 cây dừa sáp, sản lượng 262.185 trái (cho trái khoảng 52.437 cây, mang lại thu nhập từ 2,3 - 3,7 triệu đồng/cây/năm). Riêng trong năm 2019, diện tích đất kém hiệu quả và ảnh hưởng của mặn xâm nhập, khô hạn được chuyển sang trồng dừa trên 122 ha. Được biết, trong phát triển cây dừa ở Cầu Kè, khuynh hướng chọn trồng giống dừa sáp, dừa sáp cấy phôi được nông dân ưa chuộng ngày càng nhiều. Hiện nay, ngoài xã Hòa Tân có diện tích trồng dừa sáp tương đối nhiều (khoảng 42.000/77.000 cây dừa), nhiều nông dân ở các xã như Tam Ngãi, An Phú Tân, Hòa Ân, Phong Phú đã và đang phát triển để mở rộng diện tích trồng dừa sáp theo hình thức chuyển đổi từ đất lúa, đất vườn kém hiệu quả…

         Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dừa sáp Hòa Tân, xã Hòa Tân cho biết: trước ảnh hưởng do BĐKH, nhiều cây ăn trái như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…bị ảnh hưởng và thiệt hại. Cây dừa hiện nay khá thích hợp trong chuyển đổi, đặc biệt là cây dừa sáp đang dần thay thế và được nhà vườn chuyển đổi, trồng xen canh trong vườn cây ăn trái ngày càng nhiều theo hướng tập trung. Đối với HTX Dừa sáp Hòa Tân hiện có 53 thành viên, với diện tích canh tác dừa sáp gần 45ha. Trong này, có 28ha xây dựng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với 39 hộ tham gia; hàng năm cho sản lượng khoảng 40 tấn. Đây là điều kiện thuận lợi để góp phần đưa sản phẩm trái dừa sáp của HTX vươn xa và nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn về thực phẩm so với các sản phẩm dừa sáp hiện nay đang được bày bán trên thị trường. Ngoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, Dừa sáp Hòa Tân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận thương hiệu năm 2016.

         Nông dân Thạch Cộng, ấp Chông Nô II, xã Hòa Tân cho biết: gia đình có 01 ha đất vườn trồng cây ăn trái (cây nhãn) trước đây bệnh chổi rồng không còn hiệu quả, hiện được chuyển sang trồng dừa sáp (cây giống được ươm theo phương pháp truyền thống). Hiện vườn dừa đã trên 05 năm tuổi, trung bình mỗi tháng thu vào khoảng 10 triệu đồng tiền bán dừa sáp và hơn 150 chục dừa khô. Trong khi đó, trước tình hình BĐKH, ảnh hưởng khô hạn và mặn xâm nhập ảnh hưởng đến nhiều cây trồng hiện nay; cây dừa khá thích hợp cho vùng đất cát pha ở Chông Nô và điều kiện BĐKH hiện nay; cùng với đó là công chăm sóc không cao, hiệu quả kinh tế mang lại khá lớn. Ngoài ra, gia đình cũng đang chuyển dần từ cây dừa sáp với cây giống được ươm theo phương pháp truyền thống sang trồng cây dừa sáp giống cấy phôi, nhằm tăng tỷ lệ sáp cũng như giá trị kinh tế.

         Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, bên cạnh trồng dừa sáp truyền thống, đối với dừa sáp cấy phôi đang được nông dân đưa ra chọn lựa để trồng thay cho dừa sáp truyền thống với các ưu điểm như tỷ lệ sáp cao và hiệu quả kinh tế mang lại 05-08 lần so với dừa thường. Hiện số lượng cây giống dừa sáp cấy phôi do Trường Đại học Trà Vinh sản xuất hàng năm giao cho khách hàng từ 1.000-2.000 cây. Với giá thành 800.000 đồng/cây giống, tỷ lệ trái sáp/ quầy được cam kết đạt  cao hơn 70% khi trồng tập trung số lượng cây giống dừa sáp cấy phôi (trên 50 cây). Định hướng thời gian tới với cây dừa sáp cấy phôi, Khoa Nông nghiệp và Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) tiếp tục mở rộng quy mô phòng thí nghiệm, tăng diện tích vườn ươm, tạo ra số lượng cây giống nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân; đặc biệt là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trước BĐKH./.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 462
  • Tất cả: 434848