Nông dân Huỳnh Văn Minh nuôi cá hô
Là người đầu tiên đưa cá hô về nuôi tại địa phương, hội viên nông dân Huỳnh Văn Minh, ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chia sẻ: Cá hộ có thể nuôi ghép với một số loài cá khác để tận dụng các nguồn phế phẩm dư thừa làm thức ăn cho cá hô và làm tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”....

Nông dân  Huỳnh Văn Minh thu hoạch cá hô để bắt sang ao, khi cá đạt trọng lượng trên 10kg.

         Cá hô là loài cá thuộc họ cá chép, môi trường nuôi khá thích nghi trong các ao đất và vùng nước ngọt; tăng trưởng của cá hô đạt 03-05 kg/năm. Cá hô rất dễ nuôi và phù hợp với điều kiện của nhiều vùng đất thịt. Do cá hô hiện nay chưa có nguồn tiêu thụ mạnh, việc nuôi trong ao một loại cá hô sẽ không mang hiệu quả cao cho người nông dân, cần nuôi lồng ghép với cá loài cá khác và nên nuôi theo hướng cá thương phẩm (thời gian khoảng 12-15 tháng là thu hoạch). Nông dân Huỳnh Văn Minh cho biết: Cá hô nên nuôi theo hướng ghép với các loài cá khác như thác lác cườm, cá sặc rằn để tận dụng các chất thải trong quá trình nuôi của các cá khác để làm thức ăn. Trong quá trình thu hoạch, nên bắt sang ao khi cá hô đạt kích cỡ lớn sau 02 năm nuôi nhằm đảm bảo đủ dưỡng khí (oxy) cho cá và không gian hoạt động của cá hô. Đối với cá thác lác cườm, sặc rằn sẽ thu hoạch sau khoảng gần 01 năm nuôi.

         Được biết, năm 2019, sau khi được người quen giới thiệu về mô hình nuôi cá hô, nông dân Huỳnh Văn Minh qua tận tỉnh Hậu Giang để bắt về 300 con cá hô giống (giá dao động 7.000-15.000 đồng/con cá giống, tùy kích cỡ) về nuôi. Đến cuối tháng 8/2022, nông dân Huỳnh Văn Minh có 260 con cá hô (khoảng 04 năm tuổi), đạt trọng lượng 13-15 kg/con; trong đó có một số con đạt 17-18kg. Với giá bán được các thương lái đặt mua khoảng 350.000 đồng/kg (trọng lượng 10 đến 15kg/con) và 450.000 đồng/kg (cá đạt trọng lượng từ 15kg đến dưới 20kg).

         Nói về kinh nghiệm nuôi cá hô, nông dân Huỳnh Văn Minh cho biết: Giai đoạn 02 năm đầu, cá hô được nuôi ghép, bình quân 1.000m2 mặt nước, thả 100 con cá hô giống với 20-30kg cá sặc rằn giống và 20.000 con cá thác lác cườm giống; đây cũng chính là nguồn thu hàng năm cho gia đình theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Độ sâu của ao nuôi cá hô phải từ 1,5m trở lên, không nên thả cá hô nuôi với mật độ quá dày; dễ làm cá thiếu dưỡng khí.

         Cũng theo nông dân Huỳnh Văn Minh, để bán cá có giá cao, đòi hỏi cá hô phải đạt trọng lượng từ 13kg trở lên. Do đó, từ năm thứ 3, nếu cá hô tiếp tục giữ lại nuôi, người nuôi phải đảm bảo diện tích 01 con cá hô/20m2 và nuôi chuyên cá hô trong ao. Nguồn thức ăn của cá hô chủ yếu là bèo tây kết hợp với thức ăn viên (dùng để nuôi cá lóc), trong quá trình nuôi cá hô cần hạn chế việc làm động ao, di chuyển cá sang ao nhiều lần…cá sẽ chậm lớn. Hiện nay do đầu ra của cá hô lớn khó bán, chỉ cung cấp cho các nhà hàng và khách VIP; người nuôi cá hô nên nuôi theo hướng thị trường cá thương phẩm, tức là cá nuôi khoảng 04-05kg/con là xuất bán, mặc dù giá trị gia tăng của cá hô mang lại không cao (khoảng 60.000-70.000 đồng/kg), nhưng nó phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ và rút ngắn được thời gian để lắp vụ cũng như kết hợp thu hoạch với các loài cá nuôi ghép như thác lác cườm, sặc rằn…

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 447
  • Tất cả: 434833