Người dân cần chủ động phòng, chống nguy cơ dịch bệnh đông vật bùng phát
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 34 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 77.000 gia cầm. 

Gà nuôi thả vườn tại huyện Châu Thành

         Sau hơn 08 năm không có người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5, ngày 05/10/2022 Việt Nam có thêm 01 trường hợp nhiễm nâng tổng số người nhiễm lên 128 trường hợp và 64 trường hợp tử vong do vi rút CGC A/H5N1. Về bệnh Đậu mùa khỉ, cả nước chưa phát hiện bệnh Đậu mùa khỉ ở động vật. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm có thể lây truyền giữa người và các loài động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ và chó nhà. Động vật mắc bệnh có triệu chứng sốt, bỏ ăn, ăn ít, phát ban và xuất hiện nhiều mụn nước trên da. Nếu người bị bệnh Đậu mùa khỉ thì không nên vuốt ve, âu yếm, ôm, hôn, ngủ chung,… với thú cưng. Về bệnh Dại, cả nước ghi nhận 40 người tử vong tại 16 tỉnh, thành phố, tăng 02 trường hợp so cùng kỳ năm 2021. Qua tác giám sát chủ động thực hiện điều tra 1.248 trường hợp và lấy mẫu 214 chó nghi mắc bệnh Dại xét nghiệm của 13 tỉnh, thành phố, đã phát hiện 100 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Dại tại 11 tỉnh. 

Heo bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi chuẩn bị tiêu hủy

(Ảnh: Nguyễn Bỉnh Khiêm) 

          Tại tỉnh Trà Vinh, phát hiện 02 trường hợp chó mắc bệnh Dại tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải (tháng 4/2022) và xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành (tháng 9/2022). Từ cuối tháng 9/2022-01/11/2022, bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở 06 xã của 03 huyện Cầu Ngang, huyện Cầu Kè và huyện Trà Cú. Đã phải tiêu hủy trên 420 con heo với trọng lượng gần 20 tấn, đến nay dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.Theo dự báo, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút CGC phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm CGC sang người. Về bệnh Đậu mùa khỉ, trước diễn biến tình hình phức tạp trên thế giới và các nước trong khu vực thì nguy cơ xâm nhiễm và lây lan tại nước ta là rất cao. Đối với bệnh Dại, thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh Dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới.

Cần tiêm phòng văc-xin Dại đầy đủ cho chó, mèo

          Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng, chống bệnh động vật ở những tháng cuối năm. Như, Công điện số 7061/CĐ-BNN-TY ngày 21/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh CGC; Công văn số 5995/BYT-DP ngày 24/10/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống CGC. Công điện số 6637/CĐ-BNN-TY ngày 04/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ ở động vật. Công điện số 5804/CĐ-BNN-TY ngày 06/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật. Tại tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có văn bản, chỉ đạo các sở ngành, địa phương, người dân không được lơ là, chủ quan, cần tập trung, quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật trong thời gian tới. Đối với người dân cần: 

Tiêu hủy heo bị bệnh

          - Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ cho động vật; thường xuyên vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Áp dụng nguyên tắc “cùng vào, cùng ra” trong chăn nuôi. Khi mua động vật về nuôi phải biết rõ nguồn gốc, được kiểm dịch đầy đủ. Về tiêm phòng vắc xin, thời gian qua, giá thức ăn thuốc thú y tăng cao nhưng giá thu mua sản phẩm chăn nuôi thấp dưới giá thành sản xuất, người chăn nuôi bị thua lỗ nên ít quan tâm hơn tiêm phòng vắc xin, đây là nguy cơ làm cho dịch bệnh dễ có nguy cơ bùng phát.

         - Thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh. Phối hợp tốt với quan chuyên môn thú y, chính quyền địa phương phòng, chống và xử lý ổ dịch tùy theo từng loại dịch bệnh (trong trường hợp xảy ra dịch). Áp dụng “5 không” trong phòng, chống dịch, gồm: “Không giấu dịch. Không mua động vật mắc bệnh. Không bán chạy động vật bệnh. Không vận chuyển động vật mắc bệnh ra khỏi vùng dịch. Không vứt xác động vật bệnh, nghi bệnh bừa bãi ra môi trường.

         - Đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi ngoài áp dụng “5 không” cần thực hiện thêm “10 cấm” đưa vào trại chăn nuôi:  Thức ăn thừa của người, các phụ phẩm chế biến từ nhà bếp chưa xử lý nhiệt cho heo ăn. Thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo. Nuôi và thả rông các động vật khác, kiểm soát động vật hoang dã. Người vào trại khi chưa được phép. Đồ dùng cá nhân. Xe, đặc biệt xe vận chuyển phân, heo. Cấm tuyệt đối các xe mua heo. Vận chuyển heo từ vùng dịch. Sử dụng nước sông, hồ tự nhiên chưa qua xử lý làm nước uống cho heo. Bán hoặc giết mổ heo bệnh, heo chết hoặc đưa heo bệnh, chết ra khỏi trại./.

Trần Văn Đoái

 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 448
  • Tất cả: 434834