Người dân bỏ vụ Thu Đông, nguy cơ tỉnh không đạt sản lượng lúa năm 2022
Số liệu của cơ quan chuyên môn, đến cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh đã xuống giống được gần 85.000 ha (bằng khoảng 42,00% kế hoạch năm). Trong đó, đã thu hoạch vụ Hè Thu trên 51.000/70.000 ha xuống giống, năng suất bình quân trên 5,0 tấn, sản lượng khoảng 260.000 tấn (đạt 23,00% sản lượng kế hoạch năm).

Cánh đồng không xuống giống vụ Thu Đông

(Ảnh chụp cuối tháng 8/2022)

         Về xuống giống vụ Thu Đông đạt khoảng 15.000 ha, nếu so với kế hoạch (73.500 ha) thì diện tích xuống giống mới đạt khoảng 20,00%. Cụ thể, huyện Càng Long 4.320 ha, huyện Châu Thành 4.100 ha, huyện Tiểu Cần 3.500 ha, huyện Cầu Ngang 2.800 ha và huyện Cầu Kè 810 ha, thành phố Trà Vinh 95 ha. Theo lịch xuống giống năm 2022, vụ Thu Đông, Mùa năm 2022 chia thành 02 đợt, đợt 01 từ đầu và kết thúc cuối tháng 8 (Dương lịch), đợt 02 từ đầu và kết thúc cuối tháng 9. Huyện Càng Long chỉ tiêu khoảng 11.800 ha và phải xuống giống toàn bộ trong đợt 01.

         Thực tế năm nay, sau khi thu hoạch vụ Hè Thu, nhiều cánh đồng người dân bỏ vụ hoàn toàn hoặc bỏ một phần diện tích không xuống giống vụ Thu Đông, tập trung nhiều tại huyện Càng Long (khoảng 5.500 ha). Các năm trước, cũng có trường hợp người dân bỏ vụ ở  một số nơi nhưng chỉ xảy ra với diện tích không đáng kể.

Cánh đồng không xuống giống vụ Thu Đông

(Ảnh chụp cuối tháng 8/2022)

          Nhiều năm qua, không riêng tỉnh Trà Vinh, người dân các tỉnh khác cũng thường xuống giống gần như ngay sau khi kết thúc vụ lúa. Do vậy, lúa được sản xuất gần như quanh năm. Đã có những ý kiến khác nhau về thực trạng này. Có ý kiến không nên sản xuất lúa liên tục trong năm vì sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất hoặc đất bị thoái hóa, làm mất môi trường sống, sinh sản và phát triển của các loại tôm, cá, cua ốc,... Sẽ phải sử dụng phân hóa học nhiều hơn, trong khi giá vật tư, phân bón, giá nhân công ngày càng tăng, nhưng giá lúa lại ít biến động, thậm chí giảm, người dân dễ bị thua lỗ. Nếu bỏ vụ, giãn vụ đất có thời gian “nghỉ” và sẽ làm giảm áp lực sử dụng vật tư, phân bón, góp phần điều tiết giá trên thị trường. Sản lượng lúa giảm cũng tạo cơ hội tăng giá do quy luật cung-cầu. Chưa kể, cơ quan quản lý nhà nước không phải tốn vật tư, nhân lực để vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất. Việc “siết nước” (làm cạn nước trên ruộng để người dân gieo sạ) dài ngày còn góp phần làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản,… 

          Ngược lại, người dân cho rằng nếu ruộng bỏ không thì cỏ dại phát triển, khi sản xuất vụ mới phải tốn chi phí, nhân lực để diệt cỏ. Ngoài ra, nếu không “làm ruộng” thì người dân cũng không có việc gì để làm thêm. Dù biết không có lời, nhưng vẫn phải làm (!). Về cơ quan quản lý thì lo ngại người dân bỏ vụ sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu sản xuất của địa phương hàng năm và xa hơn ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

         Có nhận định cho là, vụ Thu Đông năm nay người dân bỏ vụ do giá thu mua lúa thấp, sản xuất lúa bị thua lỗ. Nhận định này đúng, nhưng chưa đủ. Hiện nay, sản xuất lúa được cơ giới hóa hầu hết các khâu từ làm đất, gieo sạ, bơm tát, bón phân, phun thuốc (sử dụng máy bay không người lái), thu hoạch và sản xuất đồng loạt theo lịch thời vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi thu hoạch (bằng máy gặt đập liên hợp), người dân bán lúa ngay tại ruộng mà không đem về nhà phơi, trữ chờ được giá mới bán như trước kia. Người dân hầu như không còn được chủ động trong sản xuất lúa mà phụ thuộc rất nhiều vào “cò”.

Cánh đồng có những thửa ruộng không xuống giống vụ Thu Đông

(Ảnh chụp giữa tháng 8/2022)

         Đầu tiên, cò sẽ “đặt cọc” người dân để mua lúa khi đến vụ thu hoạch. Giá lúa sẽ được tính tại thời điểm mua-bán lúa. Tiếp đến, cò sẽ liên hệ với thương lái để bán (lại) lúa. Thương lái mua lúa qua cò sẽ không phải tốn nhân lực, công sức đi đến từng hộ dân thương lượng. Giá lúa thương lái trả cho cò bao giờ cũng cao hơn giá cò trả cho người dân vài trăm đồng/kg. Thậm chí, trường hợp khi giá lúa bất lợi, cò còn tiếp tục “ép” người dân để mua với giá thấp hơn nữa.

         Một câu hỏi đặt ra, nếu người dân không bán lúa? Cò sẵn sàng bỏ cọc và người dân rất khó bán trực tiếp cho thương lái hoặc bán cho người khác, ngay cả khi mùa vụ sau bán cho cò. Chưa kể, người dân đem lúa về phơi thì tốn thêm chi phí và nhân công vận chuyển, phơi lúa,... Khi muốn bán cũng rất khó vì số lượng ít, không đủ “sở hụi” (số lượng) để thương lái tới mua.

         Thứ hai, cò sẽ liên hệ các chủ máy gặt đập liên hệ để cắt lúa. Ngày cắt do cò ấn định, dẫn đến người dân hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào…cò, vụ lúa có thể bị kéo dài vì ngày thu hoạch bị trễ. Tóm lại, cơ giới hóa, người dân không còn chủ động từ khi sản xuất, đến thu hoạch, tiêu thụ lúa. Người dân chỉ còn một quyền được chủ động đó là…bỏ vụ. 

         Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Trà Vinh sẽ xuống giống trên 201.000 ha lúa, năng suất dự kiến khoảng 5,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1.135.000 tấn. Để đạt mục tiêu, tỉnh tập trung cơ cấu lại thời vụ và mùa vụ sản xuất cho phù hợp, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao chiếm khoảng 60% diện tích gieo trồng, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận khoảng 75% trở lên ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Phát triển lúa hữu cơ khoảng 3.000 ha ở các huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Trà Cú và Cầu Kè. Diện tích gieo trồng còn lại khuyến khích người dân áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh.

         Với thực trạng bỏ vụ Thu Đông, có thể dẫn đến nhiều khả năng tỉnh sẽ không hoàn thành kế hoạch về diện tích xuống giống và sản lượng lúa trong năm 2022. Để giảm sự lệ thuộc vào cò, người dân cần chủ động liên kết trong sản xuất, thành lập các nhóm cùng sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã,… tạo thành vùng sản xuất diện tích lớn, sản lượng lượng lớn vừa giảm chi phí đầu vào cũng như chủ động hơn trong tiêu thụ. Đây cũng là thành công (bước đầu) của nhiều hợp tác xã sản xuất lúa - gạo trên địa bàn tỉnh hiện nay./.

Bài, ảnh: Văn Đoái

 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 5
  • Trong tuần: 444
  • Tất cả: 434830