Nâng cao giá trị cây dừa từ mô hình xen canh ca cao
Giá dừa khô trái liên tục giảm mạnh từ cuối năm 2021 đến nay, trong đó có cả dừa hữu cơ. Hiện giá dừa khô dao động khoảng 30.000-35.000 đồng/chục. Nhiều nông dân đã thực hiện mô hình xen canh cây ca cao trong vườn dừa, qua đó góp phần nâng cao giá trị cho cây dừa…

Bà Thạch Nhành Khanh, ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè thu hoạch ca cao

         Từ năm 2021 đến nay, giá trái ca cao khá ổn định, dao động ở mức 5.000-5.500 đồng/kg và đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Có thể nói hiện nay, mô hình xen canh cây ca cao trong vườn dừa đã giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể, đồng thời tận dụng được các diện tích phía dưới tán dừa (trên 03 năm tuổi) để xen canh nhiều cây trồng khác như trồng cỏ nuôi bò, trồng rau thơm… Nhà vườn Lý Niên, ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè phấn khởi cho biết: gia đình vẫn duy trì diện tích trồng ca cao hơn 120 cây xen trong 0,7ha vườn dừa từ năm 2011 đến nay. Ở thời điểm trước năm 2020, giá ca cao từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, hiện nay từ 5.000 - 5.500 đồng/kg và duy trì từ năm 2021 đến nay. Nếu so với giá dừa khô hiện nay, thì trồng ca cao xen trong dừa giúp nhà vườn tăng thu nhập rất lớn. Bình quân, mỗi tháng gia đình bán khoảng 350 - 400kg ca cao, thu nhập thêm gần 02 triệu đồng/tháng.

 

Sơ chế trái ca cao, hạt ca cao tại Công ty TNHH Cacao Mekong.

         Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 103ha ca cao, chủ yếu trồng tập trung ở huyện Càng Long 53ha, Cầu Kè 34ha và Châu Thành 16ha. Vào thời điểm “vàng son” của cây ca cao từ năm 2009-2010, diện tích trồng ca cao của Trà Vinh trên 1.000ha, nhưng do thương lái không có điểm đặt trạm tại các địa phương, người bán phải vận chuyển xa, cùng với giá ca cao cũng như đầu ra của sản phẩm này còn hạn chế, nên dần dần nông dân phá bỏ cây ca cao thay các cây trồng khác…

         Qua trao đổi với các hộ trồng ca cao ở huyện Càng Long và Cầu Kè, đều có nhận xét chung: cây ca cao mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, đặc biệt là chi phí đầu tư như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… rất thấp, khoảng 03%/tổng thu. Những năm qua, cây ca cao ít được nhà vườn quan tâm là do giá dừa ở mức cao (có lúc trên 90.000 đồng/chục dừa khô), nên ít quan tâm cho cây ca cao. Ngoài ra, việc thu hoạch và bán trái ca cao cũng khó do ít có thương lái thu mua. Còn hiện nay, do các sản phẩm chế biến từ hạt ca cao khá đa dạng và gắn với sức khỏe của người tiêu dùng, đã làm gia tăng giá trị của cây ca cao.

         Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cacao Mekong, ấp Trà Nóc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành cho biết: từ năm 2018, công ty đã xây dựng chuỗi thu mua trái ca cao của nông dân ở Trà Vinh (chủ yếu Cầu Kè, Càng Long); trong này, lực lượng thu mua tới tận nhà vườn cân và giá hiện nay là 5.500 đồng/ca cao. Công ty đã có các sản phẩm từ hạt ca cao như bột ca cao nguyên chất, bơ ca cao 25%... các sản phẩm đã có mặt tại các thị trường trong và ngoài nước. Trồng ca cao hiện nay chủ yếu xen trong vườn dừa nên chất lượng và độ an toàn của trái ca cao  đều đạt chuẩn hữu cơ trong vườn xen dừa, do người trồng ca cao không sử dụng các loại thuốc hóa học.

         Nông dân Sơn Quết, ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú, cho biết: gia đình có 0,8ha đất vườn dừa; năm 2010 được Hội Cựu chiến binh xã đầu tư dự án trồng ca cao, lúc đầu trồng được 200 gốc, diện tích 0,4ha (hiện nay còn 180 gốc); đến năm 2018 trồng thêm 120 gốc ca cao. Với 300 gốc ca cao và giá thương lái thu mua hiện nay trên 5.000 đồng/kg, gia đình thu vào hơn 22 triệu đồng/năm.

         Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú: mô hình trồng ca cao ở địa phương đã phát triển từ những năm 2014 - 2015; hiện nay các vườn trồng xen cây ca cao đã đem lại thu nhập khá cao cho nhà vườn. Hội Nông dân đang định hướng và vận động hội viên, nông dân tận dụng các diện tích vườn dừa, vườn kém hiệu quả để tiếp tục phát triển cây ca cao; toàn xã hiện có khoảng 06 ha cây ca cao. Do cây ca cao hiện được các doanh nghiệp, cơ sở đến thu mua tại chỗ; người trồng ca cao không phải tìm kiếm về đầu ra như những năm trước đây và giá ca cao giữ vững từ 5.000 -5.500 đồng/kg…

         Thời gian trồng đến khi thu hoạch đối với cây ca cao khoảng 02 năm, đặc biệt là chi phí đầu tư: phân, thuốc… cho cây ca cao không nhiều; ca cao cho trái quanh năm và năng suất tăng dần theo độ tuổi của cây, sản lượng trái ổn định từ năm thứ 05 trở đi (trung bình 15 - 20kg/cây/năm). Cây ca cao hiện có 03 nhóm chính: Forastero, Criollo và Trnitario; tại Việt Nam giống ca cao hiện có là Forastero và con lai giữa Forastero và Trnitario. Theo khuyến cáo của nhà chuyên môn, người trồng nên chọn những dòng ca cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất như TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD8, TD 10, TD 14 đây là các dòng thương mại được chọn lọc và nhân giống vô tính, cho năng suất cao và kháng sâu bệnh tốt./.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 449
  • Tất cả: 434835