Một số giải pháp quản lý và phòng trừ sâu đục trái bưởi (Citripestis sagittiferella) cho xu thế hội nhập
Trà Vinh có diện tích vườn cây ăn trái 18.500 ha sản lượng 262.000 tấn/năm, vườn cây ăn trái tập trung nhiều ven Sông Tiền và Sông Hậu. Đây là hai vùng trồng cây ăn trái chủ lực của tỉnh, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nhà vườn với các chủng loại cây trái đa dạng và phong phú, đáng kể nhất là diện tích cây có múi chiếm  37, 33 % so với diện tích cây ăn trái. Riêng cây bưởi chiếm gần 30 % diện tích trên nhóm cây có múi. Đây là một loại trái cây được xác định là chủ lực của tỉnh nhà có tiềm năng tham gia thị trường xuất khẩu rất lớn trong tương lai.

Ảnh: Vòng đời sâu đục trái bưởi

         Trong thời những năm qua dịch bệnh trên cây bưởi thường xuyên xuất hiện và gây hại trên nhiều vùng chuyên canh cây bưởi, đặc biệt là sâu đục trái bưởi.

         Sâu đục trái bưởi có tên khoa học: Citripestis sagittiferella, còn có tên khác là Nephopteryx sagittiferela, thuộc họ Pyralidaebộ Lepidoptera với một số đặc điểm sinh học và sinh thái:  

         Vòng đời sâu đục trái bưởi khoảng 23 - 30 ngày gồm các giai đoạn như sau: Trưởng thành: 2 - 4 ngày, trứng: 4 - 7 ngày; sâu non: 9 -15 ngày; nhộng: 7 - 10 ngày.

         - Thành trùng sau khi vũ hóa 2 - 4 ngày thì bắt cặp và đẻ trứng vào ban đêm. Ban ngày thành trứng thường nằm yên trong tán lá, rời rạc từng trứng hoặc từng ổ 4 - 8 trứng ở phía dưới quả khi trái được khoảng 15 - 20 ngày sau khi đậu trái cho đến khi sắp thu hoạch. Trứng nở ra ở trên bề mặt vỏ trái sau 4 - 7 ngày ủ trứng và sau khi nở 1 - 2 giờ thì sâu non bắt đầu đục và chui vào bên trong trái gây hại. Khi đẩy sức, sâu nhả tơ thả mình xuống đất và hóa nhộng trong đất.

         - Trứng được đẻ thành từng ổ (chùm) trên bề mặt vỏ trái, mỗi ổ từ 3 - >18 trứng. Thời gian ủ trứng từ 4 - 7 ngày, trứng nở ra ở trên bề mặt vỏ trái, sau 5 - 6 ngày trứng dính trên vỏ trái và nở.

         - Ấu trùng (sâu non) có 4 tuổi, sau khi nở 1 - 2 giờ đục vào vỏ quả bưởi để phá hại. Đây là giai đoạn quan trọng nhất cần được xác định trước để phun thuốc kịp thời. Khi sâu đục khoét phá hại phần xốp rồi đục vào phần thịt trái ăn phá và đùn phân ra ngoài lỗ đục, lúc này phun thuốc sẽ không đạt  hiệu quả.

         - Nhộng: Chuẩn bị hóa nhộng sâu chui ra khỏi vết đục khi đẫy sức, sâu nhả tơ thả và rơi xuống đất để hóa nhộng (hóa nhộng trong đất), nhộng có màu nâu đậm, dài khoảng 10-13 mm. Thời gian nhộng: 9-12 ngày.

Ảnh: Triệu chứng gây hại của sâu đục trái bưởi

          Cùng với một số đặc điểm sinh học và sinh thái, sâu đục trái bưởi tập quán sinh sống và cách gây hại như sau:

         - Bướm thường đẻ trứng rải rác trên vỏ trái từ khi trái được khoảng 1-1,5 tháng tuổi (đường kính trái từ 2-3 cm trở lên) đến khi thu hoạch.

         - Sâu mới nở đục ngay vào trái ăn phá phần xốp trắng, sâu đủ lớn đục vào bên trong ăn phần thịt trái bên trong để ăn thịt trái, sâu còn ăn luôn cả hạt. Sâu đục và ăn rất nhanh, sâu ăn và thải phân tạo thành lớp mùn cưa bên ngoài vỏ trái. Trái bị hại thường bị xì mủ, làm cho trái đang phát triển sẽ bị rụng sớm, trái trưởng thành dễ bị thối do bội nhiễm bởi một vài loại nấm bệnh và cũng có thể bị rụng trước thu hoạch, những trái chưa rụng cũng có chất lượng kém. Sâu thường đục từ vị trí giữa trái xuống đáy trái, sâu có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái từ rất sớm từ khi đậu trái đến trái cần thu hoạch.

         - Ấu trùng lớn đủ sức chui ra khỏi trái và buông mình xuống đất làm nhộng, sâu nhả tơ kết các hạt đất tơi mịn và mảnh vụn hữu cơ làm thành kén để kén bảo vệ.

         - Tỉ lệ sâu hại tăng theo sự phát triển của trái và đạt tỉ lệ cao nhất của sâu đục trái bưởi gây hại nặng ở giai đoạn trái từ 2-3 tháng tuổi và kế đến là trái chuẩn bị thu hoạch thương phẩm làm ảnh hưởng đến năng suất. Sâu đục trái bưởi gây hại trên nhóm cây cam quýt trong đó gây hại nặng nhất là cây bưởi.

         Để cho trái bưởi của Trà Vinh có đủ chất lượng và mẫu mã đẹp tham gia thị trường xuất khẩu theo xu hướng hội nhập và cần thực hiện đồng bộ giải pháp trong công tác quản lý và phòng trừ.

         ①. Giải pháp hiện tại

          - Tỉa cành tạo tán sau khi thu hoạch để vườn thông thoáng, hạn chế dịch bệnh.

           - Vệ sinh vườn triệt để: Thường xuyên thu gom tất cả trái sâu trên cây và rụng dưới đất. Sau đó đem tiêu hủy bằng cách ngâm nước vôi 3 - 5% trong vài giờ hoặc bỏ trái bị sâu vào bao nylon cột kín lại giúp làm giảm sự gây hại của sâu ở vụ sau. 

         - Sử dụng bao trái là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất, tuyển chọn và bao trái sau khi trái đậu khoảng 1 tháng. Trước khi bao trái nên phun hỗn hợp các hoạt chất (Chlorantraniliprole + Abamectin) hoặc rửa trái bằng nước (loại bỏ trứng sâu)… cho toàn bộ vườn.

         - Tưới phun nước đẫm trên cây vào buổi chiều mát để hạn chế bướm đẻ trứng. Vì lúc bướm đẻ thích nơi khô ráo, khoảng 5-7 giờ chiều tối.

         - Diệt nhộng: Tưới nước ngập vườn để diệt nhộng nếu có điều kiện; bồi sình cho vườn (độ dày không quá 5 cm) cũng góp phần hạn chế nhộng; dọn sạch cỏ và rác mục để hạn chế nơi sâu làm nhộng; .…                 

         - Tạo điều kiện cho cây ra chồi và hoa đồng loạt bằng việc cắt tỉa cành và chế độ phân bón hợp lý để tăng sức khỏe cho cây.

         - Xua đuổi bướm: Sử dụng tinh dầu xả, chiếu sáng đèn, tưới nước vào chiều tối, ngăn chặn bướm đẻ trứng. Bắt thành trùng mới vũ hóa ở thời điểm 13-15 giờ bằng vợt lưới để giảm tỷ lệ bướm đẻ trứng.

         - Sử dụng nguồn thiên địch trong tự nhiên như kiến vàng và nhóm ong ký sinh; pheromone, nấm xanh,…khống chế mật độ của sâu.

         - Dùng bẫy đèn bẫy thành trùng. Sau khi vũ hóa, con cái bắt cặp giao phối và đẻ trứng, khoảng 4 - 7 ngày trứng nở. Do vậy nên phun thuốc sau khi mật số thành trùng cao nhất.

         - Biện pháp hóa học (khi thật sự cần thiết): Khi phát hiện thời điểm bướm xuất hiện rộ dựa vào đặc điểm sinh học và sinh thái, tiến hành kiểm tra kỹ xem có dấu hiệu sâu non bắt đầu đục trái; trên cơ sở đó tiến hành xử lý thuốc BVTV cho phù hợp. Sử dụng thuốc có hoạt chất Cypermethrin, Deltamethrin Flubendiamide,.. có thể pha cùng dầu khoáng hoặc từng loại riêng lẻ để phun xịt; sử dụng luân phiên các hoạt chất hóa học để diệt sâu hoặc bướm, nhằm hạn chế tính kháng thuốc.

         ②. Giải pháp lâu dài

           - Bảo vệ thiên địch nguồn trong hệ sinh thái vườn bưởi:

         + Nuôi kiến vàng: Kiến vàng được xem là thiên địch của sâu đục trái cây có múi, loài kiến này sẽ ăn trứng, sâu và tấn công bướm. Do vậy, cần tạo điều kiện tốt nhất cho kiến vàng phát triển trong vườn cây có múi, có biện pháp bảo vệ kiến khi phun thuốc trừ sâu. Phải được áp dụng đồng loạt và trên diện rộng mới đem lại hiệu quả cao.

         + Tăng cường nuôi ong ký sinh Trichogramma sp hay còn gọi là ong mắt đỏ, đây là ong ký sinh đa ký chủ và có khả năng ký sinh trên trứng, phòng trừ sâu đục trái bưởi rất hiệu quả, an toàn. Ong ký sinh Rhoptromeris sp  cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát loài sâu đục trái Citripestis sp.

         - Sử dụng pheromone hấp dẫn bướm tập trung để diệt; chất xua đuổi, thuốc thảo mộc, ong, nhện, mối bắt ăn mồi, loại nấm trắng và nấm xanh, ... giảm mật số và hạn chế khả năng gây hại của sâu đục trái ở các mùa vụ kế tiếp.

          Để quản lý và phòng trừ sâu đục trái bưởi vừa đạt hiệu quả cao, vừa đảm bảo chất lượng, mẫu mã với xu thế hội nhập, an toàn rào cản kỹ thuật, ngoài việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, thì giải pháp phòng trừ sinh học và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là giải pháp bảo vệ môi trường, sức khỏe con người; nâng cao sức khỏe cây trồng góp phần vào việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, bảo đảm hiệu quả, an toàn thực phẩm, bền vững và có trách nhiệm.

  Lưu ý:

- Phun thuốc BVTV khi cần thiết và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

- Chọn các loại thuốc BVTV có hoạt chất được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành.

- Luân phiên các loại thuốc, thuốc phải đặc trị sâu, ít độc đối với thiên địch và môi trường. 

Tài liệu tham khảo:

 Nguyễn Thị Thu Cúc, Phạm Hoàng Oanh và Hồ Văn Chiến (2006b). Dịch hại trên cây có múi, 25-151. Trong sách: Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây có múi - Hướng dẫn  về sinh thái, chủ biên: Nguyễn Hữu Huân.

Nguyễn Thị Thu Cúc (2015). Côn trùng và nhện gây hại cây ăn trái tại Việt Nam và thiên địch. Nhà xuất bản ĐHCT. 623 trang.

Trần Văn Mão (2002). Sử dụng côn trùng và vi sinh vật có ích. Tập II: Sử dụng vi sinh vật có ích. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

http://camnangcaytrong.com/sau-duc-trai-sd165.html

https://congnghesinhhocwao.vn/ky-thuat-phong-tru-sau-duc-trai-buoi/

https://www.2lua.vn/article/mot-so-dac-diem-ve-sau-duc-trai-buoi-va-bien-phap-quan-ly-15998.html

https://www.2lua.vn/article/phong-tru-sau-duc-trai-buoi-da-xanh-62159ca19eda11db72cb9609.html

https://www.fao.org.vn/sau-duc-qua/trai-buoi/

http://www.griviet.org/thuoc-bao-ve-thuc-vat/thuoc-tru-sau-duc-qua-o-buoi/

http://www.spchcmc.vn/VN/Bac-Si-Cay-Trong-Chi-Tiet/Phong-tru-sau-duc-trai-buoi-da-xanh-2-8373.html.

http://dost-bentre.gov.vn/tin-tuc/570/phong-tru-sau-benh-tren-cay-buoi-da-xanh

http://camnangcaytrong.com/sau-benh-hai-cay-buoi-s

Nguyễn Thị Lùng

Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 26
  • Trong tuần: 465
  • Tất cả: 434851