Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa
Toàn tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa là 23.698 ha, tập trung tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành,….tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 306.885 tấn.

         Trong thời gian qua tình hình sâu đầu đen gây hại trên cây dừa trong tỉnh diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đến nay toàn tỉnh đã phát hiện 26,91 ha diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại, tập trung tại các huyện như: Càng Long 7,31 ha (gồm xã Bình phú, Huyền Hội, Đại Phước và Thị trấn Càng Long); huyện Tiểu Cần 19,6 ha (xã Tân Hòa và Long Thới).

         Trước thực trạng trên, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Thủy sản và Làm vườn đã lồng ghép tuyên truyền cho Hội viên và nhà vườn một số phương pháp nhằm kiểm tra phát hiện, xử lý và ngăn chặn sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Đến nay Hội đã lồng ghép được 06 cuộc tuyên truyền có 180 người tham dự tại một số xã như: Châu Điền, Hòa Tân, Ninh Thới ... của huyện Cầu Kè.

 

Hình thái sâu đầu đen và vườn dừa bị sâu gây hại 

         Qua các cuộc lồng ghép tuyên truyền sẽ giúp cho Hội viên và nhà vườn có thể nhận biết và phân biệt được sâu đầu đen với các loại dịch hại khác, thời điểm phòng trừ sâu cho hiệu quả,…từ đó kịp thời phát hiện sâu đầu đen gây hại để có biện pháp xử lý, ngăn chặn không để dịch hại lây lan ra diện rộng.

         Một số nội dung tuyên truyền chủ yếu như:

         1. Cách nhận biết sâu đầu đen (Hình thái Sâu đầu đen): Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella, thuộc họ bướm đêm (Oecophoridae), bộ cánh vảy (Lepidoptera) là một loài sâu gây hại ngoại lai nguy hiểm trên cây dừa có nguồn gốc tại Sri LanKa và Ấn Độ (Howard vad ctv, 2001). Ấu trùng sâu đầu đen có màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến hồng nhạt, có 3 đường màu nâu chạy dọc trên lưng, cơ thể sâu nhỏ dần từ đầu đến ngực và bụng.

          2.  Vòng đời của Sâu đầu đen gồm 04 giai đoạn: giai đoạn trứng (04-05 ngày), giai đoạn sâu non (32-48 ngày); giai đoạn nhộng (09-11 ngày); giai đoạn thành trùng (05-11 ngày)

         3. Dấu hiệu nhận biết: Sâu gây hại chủ yếu từ các tàu lá già bên dưới, dần lên các tàu lá trưởng thành đến các tàu lá non trên ngọn và cả vỏ trái. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn, khi bị động chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất. Chính vì vậy việc phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ loài sâu này gặp rất nhiều khó khăn.

         4. Biện pháp phòng trừ sâu đầu đen:

         - Biện pháp canh tác: cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá/lá chét bị sâu gây hại sau đó đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại (hiệu quả, an toàn cho người và môi trường). Đây là biện pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại dừa.

         - Biện pháp sử dụng thuốc:

         Nếu vườn dừa bị gây hại nhẹ: sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, có thể phun nhiều lần cách nhau 5-7 ngày.

         Nếu vườn bị gây hại nặng: khi sâu tuổi nhỏ phun thuốc 02 lần, mỗi lần cách nhau 07 - 10 ngày, một trong 02 gốc thuốc sau:

         + Phun thuốc trừ sâu gốc Flubendiamide: Takumi 20WG liều lượng 5gam/bình 25 lít nước phun 04 -05 cây tùy tuổi cây phun ướt đẫm đều 2 mặt lá.  

         + Phun thuốc trừ sâu gốc Emamectin benzoate (Map Winner 5 WG…) với lượng nước khoảng 6 lít/cây (tùy thuộc vào tán dừa), Ematin 60 EC, Actimax 50 WG pha theo liều lượng khuyến cáo, phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, phun 02 lần, mỗi lần cách nhau 07-10 ngày.

         - Biện pháp sinh học: thực tế trên vườn dừa bị sâu ăn lá gây hại có sự tồn tại nhiều loài thiên địch: ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kiềm…. Đây là tiền đề để nghiên cứu kiểm soát sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học. Biện pháp trên đã được Thái Lan áp dụng thành công trong việc kiểm soát sâu đầu đen hại dừa bằng ong ký sinh.

         Thực hiện theo kế hoạch chuyển giao kỹ thuật năm 2022 của Hội và tại các buổi họp lệ của các HTX, THTSX, các Chi hội trực thuộc, Hội sẽ tiếp tục lồng ghép tuyên truyền phương pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa cho Hội viên và nhà vườn tại một số huyện có diện tích trồng dừa lớn như: huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè nhằm góp phần vào phong trào phòng chống dịch hại sâu đầu đen của tỉnh nhà trong thời gian tới./.

Bài, ảnh: Hoàng Xám

Hội Thủy sản và Làm vườn

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 462
  • Tất cả: 434848