Hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại điện tử
Thực hiện các hoạt động theo nội dung Kế hoạch giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Dự án SME Trà Vinh về liên kết kinh doanh theo chuỗi; xúc tiến thương mại điện tử các ngành hàng chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh, ngày 09/5/2022, tại Hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Dự án SME Trà Vinh phối hợp Công ty TNHH Hiệp Chí và Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart Life (Công ty Smart Life) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hỗ trợ các doanh nghiệp/cơ sở/hợp tác xã/hộ kinh doanh tham gia thử nghiệm phương án cải tiến/đổi mới và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại điện tử. Hai nội dung được trình bày và thảo luận trong Hội thảo, gồm: Báo cáo gói tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp/cơ sở/hợp tác xã/hộ kinh doanh (doanh nghiệp) thuộc các ngành hàng chủ lực/OCOP và Báo cáo gói Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. 

Doanh nghiệp nhận tem truy xuất nguồn gốc từ Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ

và tham gia giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com

         Với vai trò tư vấn cải tiến/đổi mới sản phẩm, Công ty TNHH Hiệp Chí đã tiến hành khảo sát 40 chủ thể với 59 sản phẩm OCOP của tỉnh. Kết quả, hầu hết các sản phẩm đều có giá bán và sản lượng tăng sau khi tham gia OCOP; thông tin về cơ sở và sản phẩm được các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá nhiều hơn, nhiều khách hàng biết tới hơn, kênh phân phối đa dạng và ổn định hơn. Các cơ sở quan tâm hơn đến điều kiện làm việc của người lao động; đầu tư thêm máy móc trang thiết bị để mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng. Về các hạn chế và khó khăn của các cơ sở chủ yếu là bao bì, nhãn mác chưa “bắt mắt”, chưa thu hút; chưa khai thác tốt kênh bán hàng trực tuyến; gặp khó khi làm hồ sơ thủ tục chứng nhận, đăng ký nhãn hiệu, mã QR; sự cạnh tranh của các sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm thay thế; chi phí để đầu tư, cải tiến máy móc trang thiết bị cao,…

         Công ty Smart Life là đơn vị đã và đang hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng quản lý truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022 cho 08 doanh nghiệp theo Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 09/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, Công ty Smart Life tiếp tục hỗ trợ 20 doanh nghiệp theo Kế hoạch giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Dự án SME Trà Vinh. Tại hội thảo, Công ty Smart Life bàn giao 200.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 20 doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử. Như vậy, đến nay có gần 30 doanh nghiệp của tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc và giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com. Các doanh nghiệp đã tham gia thí điểm ứng dụng quản lý truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com cho biết, các sản phẩm được truyền thông tốt hơn, mẫu mã cải tiến hấp dẫn hơn theo góp ý của khách hàng. Khi thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc doanh nghiệp truy ngay được sản phẩm lỗi và lỗi từ khâu/công đoạn nào, từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

 

Cốm ống của hộ kinh doanh Đặng Văn Sơn - Chí Quốc

được đề xuất cải tiến/đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu

 

         Các doanh nghiệp cho rằng, mặc dù quan tâm đầu tư nhưng thường xảy ra tình trạng không đồng bộ giữa máy móc trang thiết bị hiện có và đầu tư mới, gây ra sự lãng phí, không hiệu quả, do vậy doanh nghiệp rất cần có sự tư vấn của các chuyên gia trước khi đầu tư. Đối với hồ sơ thủ tục sản phẩm để được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP hoặc sản phẩm OCOP nâng sao, cơ quan chức năng nên bố trí cán bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp để tránh sai sót, phải làm lại tốn rất nhiều thời gian. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đề nghị tỉnh mở các điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm chủ lực/OCOP để người tiêu dùng dễ tiếp cận và mua được sản phẩm chất lượng,...

         Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn đã đề xuất lựa chọn 06 sản phẩm OCOP để thực hiện cải tiến/đổi mới, gồm: 03 sản phẩm đổi mới về chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì, tính năng, tác dụng, các giá trị tiềm năng, giá trị cốt lõi của sản phẩm (Cốm ống của hộ kinh doanh Đặng Văn Sơn - Chí Quốc tại Càng Long, Bánh tét Ba màu của hộ kinh doanh Mai Thị Hoàng Loan tại Cầu Ngang, Bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang tại Trà Cú) và 03 sản phẩm đề xuất về chất lượng, kiểu dáng, tính chất sản phẩm nhằm tăng thêm công dụng, mức độ an toàn, sự thuận tiện, hấp dẫn của sản phẩm (Gạo Quê tôi của Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên tại Trà Cú, Dầu dừa nguyên chất của Cơ sở sản xuất Dầu dừa sạch Phương Huỳnh tại thành phố Trà Vinh, Gạo hạt ngọc Châu Long của Hợp tác nông nghiệp Thương mại và Sản suất dịch vụ Châu Hưng tại Châu Thành).

Tin, ảnh: Văn Đoái

 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 452
  • Tất cả: 434838