Giải pháp nuôi cua lột nâng cao tỷ trọng giá trị con cua biển
Hiện nay, nghề nuôi cua biển khá phát triển ở các huyện vùng ven biển trong tỉnh như Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải. Hàng năm, có trên 17.000 lượt hộ thả nuôi 125,286 triệu con giống, với diện tích gần 22.000ha và đạt sản lượng 6.667 tấn. Các hộ nuôi cua biển hiện chủ yếu ở hình thức xen canh và thu hoạch bắt tỉa. Nguồn tiêu thụ chủ yếu cung ứng cua thịt, cua gạch cho các thương lái xuất sang Trung Quốc và các nhà hàng, trung tâm chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh…từ đó đầu ra của con cua biển luôn bị động về thị trường, giá trị mang lại chưa cao. 

Quy trình kỹ thuật trong xử lý cua lột tại Công ty Cổ phần Vinacrab

         Trong thời gian qua, người dân nuôi cua biển trong tỉnh còn phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, thị trường rất bấp bênh…Với việc triển khai thực hiện mô hình nuôi cua lột theo hướng liên kết với nông dân để tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đang được Công ty Cổ phần Vinacrab (doanh nghiệp khoa học công nghệ ở tỉnh Phú Yên) triển khai với nông dân thị xã Duyên Hải. Đây sẽ là hướng mở ra với kỳ vọng góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị của con cua biển, tạo sự an tâm trong sản xuất của người dân vùng ven biển…

         Ông Huỳnh Văn Màu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải cho biết: Với mô hình nuôi cua mật độ cao, phục vụ sản xuất cua lột. Đây là một tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi cua biển, nhất là tăng sản lượng và giá trị con cua biển thông qua việc cung cấp nguyên liệu sản xuất cua lột cho nhà máy Vinacrab đóng trên địa bàn thị xã Duyên Hải.

Nông dân Nguyễn Văn Thương kiểm tra cua biển trong ao nuôi giai đoạn 2

         Nông dân Phan Văn Tuấn Em, ấp Giồng Ổi, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải cho biết: Gia đình trước đây chuyên nuôi tôm, năm 2021 chuyển sang nuôi cua biển với doanh nghiệp theo hình thức liên kết. Với 10.000 con cua giống được thả nuôi, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 10 triệu đồng, với thời gian 02 tháng. Tiếp tục vụ nuôi cua biển vụ năm 2022, gia đình thả nuôi 20.000 con cua biển giống, với giá được Công ty Cổ phần Vinacrab hợp đồng bao tiêu là 180.000 đồng/kg (loại 16-18 con/kg).

         Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinacrab cho biết: Công ty đã nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ tự nhiên cho cua lột hàng loạt, tạo nên sản phẩm đồng đều về chất lượng mẫu mã. Hiện sản phẩm của công ty được xem là mặt hàng cao cấp, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá trị gia tăng từ con cua lột rất cao, dao động từ 500.000 đồng/kg trở lên. Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2022, công ty đã triển khai thực hiện liên kết bao tiêu theo hợp đồng ký kết với 05 hộ nuôi cua biển để cung cấp nguồn cua làm cua lột và chuyển giao kỹ thuật theo hình thức nuôi thâm canh (mật độ cao), với tổng diện tích khoảng 14ha (sản lượng dự kiến thu hoạch 1,2 tấn cua biển/ha/vụ). Do quy trình nuôi cua biển lột mật độ cao có thời gian ngắn (khoảng 60 ngày/vụ), nên người nuôi có thể sản xuất 04-05 vụ/năm và tạo ra sản lượng khá lớn cho người nuôi; góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế trong nuôi cua biển.

         Được biết, qua giai đoạn nuôi thực nghiệm được Công ty triển khai cho các hộ ở năm 2021, cho thấy tỷ suất lợi nhuận của người nuôi cua biển theo hướng cua lột đạt trên 55%/tổng vốn đầu tư. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, hiện Công ty Cổ phần Vinacrab đã xây dựng và hoàn thành nhà máy chế biến cua lột, có công suất 10-15 tấn/tháng đặt tại thị xã Duyên Hải; dự kiến trong giai đoạn 2023-2024: nhà máy cung ứng ra thị trường khoảng 240-250 tấn cua lột/năm; riêng năm 2022 là 140 tấn.

         Nói về kỹ thuật nuôi cua biển liên kết với Công ty Cổ phần Vinacrab để cung ứng làm nguyên liệu cua lột, nông dân Nguyễn Văn Thương, ấp Giồng Ổi, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải chia sẻ: So với hình thức nuôi cua truyền thống trước đây, chu kỳ nuôi cua biển (sử dụng giống cua nhân tạo) thời gian kéo dài từ 4,5-05 tháng mới xuất bán cua thịt hay nuôi lên gạch. Về nuôi cua cung cấp cho nguyên liệu làm cua lột, thời gian nuôi chỉ khoảng 02 tháng; trong này, thực hiện chu kỳ nuôi 02 giai đoạn (giai đoạn 1: cua giống được thả nuôi trong vèo khoảng 01 tháng; giai đoạn 2: sau 01 tháng được đưa sang các ao nuôi cua thương phẩm, mật độ khoảng 7.000-8.000 con/1.000m2 mặt nước).

         Cũng theo nông dân Nguyễn Văn Thương trong giai đoạn 02, sau thời gian nuôi khoảng 30 ngày, cua nguyên liệu đạt chuẩn (trọng lượng khoảng 70-80gram/con) trước khi công ty tiến hành thu hoạch và vận chuyển về nhà máy thực hiện quy trình cho cua lột. Trong vụ cua năm 2022, gia đình đã liên kết với Công ty Cổ phần Vinacrab nuôi 50.000 con cua biển giống/0,5ha, hiện cua đã chuyển sang nuôi giai đoạn 02 được 10 ngày tuổi. Đối với mô hình nuôi cua cung ứng nguyên liệu làm cua lột, người nông dân sẽ an tâm hơn với sự ổn định về đầu ra, thời gian nuôi rút ngắn hơn cách nuôi cua biển truyền thống…Đặc biệt là giá trị kinh tế của mô hình nuôi cua biển lột mang lại cao gấp 02-2,5 lần so với nuôi cua thịt hay cua gạch. Về nguồn thức ăn trong nuôi cua biển và quy trình kỹ thuật đều do phía công ty hỗ trợ trước và thu hồi lại sau khi cân cua.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 463
  • Tất cả: 434849