Cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại Trà Vinh
Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp có vai trò to lớn trong việc thay đổi căn bản phương thức sản xuất từ thủ công sang chủ yếu bằng máy móc và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hàng hóa. Các khâu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, gồm: Làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bơm tát nước (trồng trọt), chuồng trại và cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường, máy thái cỏ, máy vắt sữa (chăn nuôi), máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi, tàu công suất từ 90 CV trở lên (thủy sản), chặt hạ và vận chuyển, trồng, chăm sóc và bốc xếp (lâm nghiệp)[[i]],… Tại tỉnh Trà Vinh, cơ giới hóa trong nông nghiệp đã và đang được thực hiện như thế nào, cụ thể đối với sản xuất lúa, được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực của nông dân trong 10 đến 15 năm tới[[ii]].  

Máy gặp đập liên hợp hoạt động tại xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè

         Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (năm 2020), tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh Trà Vinh năm 2019 là 224,3 ngàn ha, chiếm 5,51% Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 3,00% cả nước; so với năm 2015 thì diện tích sản xuất lúa của tỉnh giảm 11,5 ngàn ha (tương tương 4,88%). Về năng suất, đạt bình quân 55,9 tạ/ha, bằng 93,63% Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 96,05% cả nước; so với năm 2015 giảm 1,2 tạ/ha (tương tương 2,10%). Về sản lượng đạt 1.254,3 ngàn tấn, chiếm 5,17% Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 2,89% cả nước; so với năm 2015 giảm 85,2 ngàn tấn (tương tương 6,36%). Một trong những nguyên nhân diện tích sản xuất lúa của tỉnh giảm do thời gian qua tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó có chuyển đổi đất trồng lúa sang các các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản[[iii]]. Ngoài ra, diện tích, năng suất và sản lượng lúa của tỉnh còn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Như, hạn mặn 2015-2016 đã làm cho diện tích sản xuất lúa của tỉnh giảm 25,2 ngàn ha (tương đương 10,69%) từ 235,8 ngàn ha còn 210,6 ngàn ha; năng xuất giảm 11,7 tạ/ha (tương đương 20,49%) bình quân từ 57,1 tạ/ha còn 45,4 tạ/ha và sản lượng giảm 383,2 ngàn tấn (tương đương 28,61%) từ  1.339,5 ngàn tấn còn 956,3 tấn, sau đó dần được phục hồi ở những năm tiếp theo (xem Hình 1). Tương tự sau hạn mặn năm 2019-2020, diện tích sản xuất lúa của tỉnh năm 2020 chỉ còn 205,1 ngàn ha, giảm 5,5 ngàn ha so với năm 2019 (tương đương 2,61%); năng suất bình quân 50,06 tạ/ha giảm 5,84 tạ/ha (tương đương 10,45%); sản lượng 943,2 ngàn tấn, giảm 311,1 ngàn tấn (tương đương 24,80%)[[iv]].

         Qua 10 năm cơ giới hóa, đã kéo giảm tỷ lệ hao hụt về sản lượng trong sản xuất lúa của tỉnh từ 13% xuống còn dưới 10% và nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo[[v]]. Tuy vậy, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (2020), ngoài khâu làm đất được cơ giới hóa 100% diện tích, thì các khâu còn lại tỷ lệ diện tích cơ giới hóa còn thấp. Gieo sạ/cấy chỉ đạt 30% diện tích (Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long 56% và cả nước 45%), chăm sóc ở mức 50% diện tích (Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long 82% và cả nước 77%), thu hoạch đạt 65% diện tích (Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long 56% và cả nước 45%). Nguyên nhân, theo một số đánh giá, xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, phần lớn hộ dân tự cơ giới hóa, nhưng hộ dân thường thiếu vốn nên chỉ đầu tư những máy móc có công suất nhỏ, chưa kể là máy móc lạc hậu, hộ dân chưa nhận được nhiều từ sự hỗ trợ của nhà nước. Về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cơ giới hóa còn hạn chế nhất định, chưa mang lại hiệu quả cao, thủ tục rườm rà. Bên cạnh đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đường giao thông nội đồng chưa phù hợp với cơ giới hóa,…

Hình 1: Biến động diện tích, năng suất và sản lượng lúa của tỉnh Trà Vinh (2015-2019)

(Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2020)

         Có ý kiến cho rằng, máy gặp đập liên hợp là “cuộc cách mạng lớn” trong cơ giới hóa sản xuất lúa. Vì góp công giải quyết tình trạng thiếu lao động nông thôn (gặt lúa, suốt, phơi sấy, thu gom rơm rạ), chủ động hơn về mùa vụ sản xuất (thời gian thu hoạch máy gặp đập liên hợp ngắn, đồng loạt nên cơ quan quản lý có thể điều tiết lịch xuống giống né hạn mặn), đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới (nhân công lái máy gặt đập liên hợp, thu hoạch rơm,…). Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (2020), toàn tỉnh Trà Vinh chỉ có 360 máy gặt đập liên hợp[[vi]], chiếm 2,81% Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và 1,40% cả nước; tỷ lệ máy/1.000 ha khoảng 1,60 máy, bằng 50% Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long 3,15 máy và cả nước 3,45 máy. Trở ngại chính để phát triển máy gặt đập liên hợp là đòi hỏi về vốn đầu tư, dịch vụ đi kèm phát triển chưa đồng bộ (như: Bảo trì, bảo dưỡng, nhân công lái máy), tình trạng tự phát xen kẽ trồng các loại cây khác trên đất lúa không theo quy hoạch,…    

         Sẽ là thiếu sót nếu cơ giới hóa sản xuất lúa không gắn với công nghệ cao khi hiện nay cuộc Cách mạng nông nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, các khâu bơm tát nước tự động qua thiết bị cảm biến; sử dụng bẫy đèn thông minh kiểm soát sâu, rầy; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật,… đã được một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiến hành “thử nghiệm” hoặc “trình diễn”. Nhưng những “thử nghiệm” hoặc “trình diễn” chưa nhân rộng do chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung đủ lớn để thực hiện, kinh phí đầu tư trang thiết bị lớn, trình độ của người sử dụng thiết bị chưa đáp ứng kịp,…

         Có thể thấy rằng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của tỉnh Trà Vinh đạt được một số kết quả, nhưng sự phát triển vẫn còn hạn chế. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm 8.084,6 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác và định hướng đến năm 2030 chuyển đổi 4.304,7 ha[[vii]]. Như vậy, diện tích sản xuất lúa giảm và để đảm bảo sản lượng, chất lượng lúa thì vấn đề cơ giới hóa càng phải được đẩy mạnh. Cụ thể hơn là cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp[[viii]] và những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Được biết, đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác với nhiệm vụ tham mưu xây dựng Chương trình đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và thúc đẩy công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030[[ix]]./.



[[i]] Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phú trủ trì ngày 21/2/2020

[[ii]] Nghị quyết số 66/NQ-HĐND 04/5/2018 ngày của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trà vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

[[iii]] Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 6 tháng đầu năm 2021

[[iv]] Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020)

[[v]] Văn Minh (2020). Cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

[[vi]] Nông dân Trà Vinh sử dụng máy gặt đập liên hợp từ khoảng những năm 2006-2008, thông qua sự hỗ trợ của Dự án Nâng cao đời sống Trà Vinh

[[vii]] Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 23/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, đính hướng đến năm 2030

[[viii]] Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 04/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

[[ix]] Quyết định số 130/QĐ-SNN  ngày 23/3/2021 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về  việc thành lập Tổ công tác xây dựng Chương trình đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và thúc đẩy công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Lê Tuyết Hồng

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT



 


 

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 43
  • Trong tuần: 482
  • Tất cả: 434868