Chủ động trong canh tác lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, Cục Trồng trọt nhận định nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 sẽ gặp khó khăn, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn, mặn hàng năm xâm nhập ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Trong những năm qua sản xuất lúa vụ Đông Xuân của tỉnh nhà luôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn xâm nhập vào nội đồng ở giai đoạn cuối vụ gây thiệt hại đáng kể đến năng suất, sản lượng lúa. Tập trung trên các huyện như Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, một phần của huyện Tiểu Cần,…

Ảnh: Làm đất và phân rò

         Theo kế hoạch dự kiến diện tích gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2022 -2023 của tỉnh là 52.500 ha. Hiện tại, vụ lúa Thu Đông gieo sạ với diện tích 64.739,38 ha (đạt 88,1% so với kế hoạch) và bỏ vụ không sản xuất là 8.170, 29 ha (chiếm 11,1% so với kế hoạch); vụ lúa Thu Đông vào giai đoạn thu hoạch. Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2022 -2023 được an toàn, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, khô hạn cuối vụ và sâu bệnh gây bất lợi đến sản xuất; chủ động trong công tác ứng phó với điều kiện bất lợi với mọi loại hình thời tiết; Cần chọn lựa các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong canh tác lúa Đông Xuân 2022-2023; Giúp giảm giá thành trong sản xuất cần lưu ý một số giải pháp như sau:

          Khâu làm đất:

         - Vệ sinh đồng ruộng sau vụ Thu Đông; nên xử lý tốt rơm rạ trong ruộng bằng cách sử dụng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ và cắt đứt nguồn lây bệnh cho vụ sau.

         - Dọn sạch cỏ bờ quanh ruộng trước khi làm đất, hạn chết nơi trú ẩn của chuột.

         - Làm đất bằng phẳng, có hệ thống rãnh thoát nước, hạn chế ngập úng do triều cường dâng cao.

         - Sau khi cày xới lần cuối san bằng mặt ruộng, phân chia lô (rò) và đánh đường nước (sâu 30 cm, ngang 20 cm) giúp thoát nước tốt sẽ làm cho việc tháo rửa độc chất trong ruộng tốt hơn. 

 

Ảnh:  Sạ lúa theo hàng và sạ thưa

           - Có thể bón lót lân hoặc vôi (30-50 kg cho 1.000 m2) trước gieo sạ, giảm độc hữu cơ giúp bộ rễ phát triển ngay đầu vụ. 

         Chọn giống và gieo sạ:

         - Nên sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo ngành Nông nghiệp, cấp giống xác nhận, giống chất lượng cao phù hợp với  điều kiện đất đai của từng khu vực, có khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt với thị trường tiêu thụ, cứng cây, chống đỗ ngã, chống chịu sâu bệnh và hạn mặn tốt như:

         + Nhóm giống lúa ch lực khả năng thích ứng rộng: OM 5451, OM 18, OM 4900, Đài Thơm 8;

         + Nhóm giống lúa bổ sung thích hợp một số vùng sản xuất đặc thù, phù hợp tập quán canh tác, có thị trường hợp: OM 429, RVT, ST 5, ST 20, ST 24, ST 25;

         + Nhóm giống lúa chất lượng trung bình có thể duy trì với tỉ lệ không vượt quá 20% diện tích sản xuất của tỉnh: IR 50404, ML 202, Siêu Hầm Trâu.

         - Mật độ sạ: lượng giống từ 80-100 kg/ha;

         - Sạ lan hay bằng công cụ sạ hàng theo khuyến cáo.

         - Gieo sạ theo lịch thời vụ (xuống giống) khuyến cáo của Ngành. thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy theo từng vùng:

         + Đợt 1: Xuống giống từ ngày 04/11-25/11/2022 vợi diện tích 13.518 ha (Càng Long 5.450 ha, Cầu Kè 1.440 ha, Tiểu Cần 1.543 ha, Châu Thành 885 ha, Trà Cú 4.200 ha).

          + Đợt 2: Xuống giống từ ngày 05/12-30/12/2022 vợi diện tích 38.216 ha (Càng Long 4.350 ha, Cầu Kè 6.159 ha, Tiểu Cần 9.027 ha, Châu Thành 11.080 ha, Trà Cú 7.000 ha, TP.Trà Vinh 600 ha).

          Chăm sóc.

           - Chế độ nước tưới: Cần áp biện pháp tưới tiết kiệm nước trong điều kiện có thể.  Việc điều tiết nước giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt hơn ở các giai đoạn, đồng thời tăng hiệu lực sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh.

         + Nên giữ mực nước ruộng từ 3 - 5 cm tạo điều kiện cho cây nhanh phát triển mạnh, đồng thời khống chế cỏ dại trên ruộng lúa ngay ở giai đoạn đầu.

         + Tạo môi trường ruộng lúa ướt và khô xen kẽ để hạn chế chồi vô hiệu, rễ lúa ăn sâu hạn chế đỗ ngã, giúp cho ruộng lúa được thông thoáng hơn giảm áp lực sâu bệnh.

         Đặc biệt, cần trữ nguồn nước ngọt thực hiện tốt việc triển khai nạo vét các trục kênh chính và kênh sườn, khai thông dòng chảy (trục vớt lục bình, cỏ dại,...) củng cố bờ bao ngăn mặn, làm tốt việc điều tiết nước phục vụ cho sản xuất.

         - Dặm tỉa:

          Nên dặm tỉa sớm khi cây lúa từ 12 ngày tuổi trở lên, nhằm sớm ổn định mật độ số chồi/m2, hạn chế thất thoát trong quá trình thu hoạch.

      - Phân bón:

        + Nên bón cân đối  và hợp lý đạm, lân và kali (theo khuyến cáo). Có thể sử dụng phân hỗn hợp NPK tạo điều kiện lúa đẻ nhánh tốt, tăng chồi hữu hiệu; theo liều lượng khuyến cáo hoặc kinh nghiệm qua thực tế, tránh bón thừa đạm.

+ Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng trong quá trình canh tác, sẽ giúp giảm lượng phân hóa học trong điều kiện giá phân bón tăng cao, cần bổ sung thêm các sản phẩm có chứa Ca và Si nhằm tăng cường lực cho cây lúa, giúp bộ lá đứng và cứng chắc hơn có tác dụng tăng khả năng quang hợp. Ưu tiên sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc sinh học, bổ sung các loại phân bón cung cấp qua lá để tăng sức chống chịu cho cây lúa.

         Quản lý cỏ dại:

         + Cần sử dụng giống sạch hạt cỏ, giống cấp xác nhận,… hạn chế nguồn hạt cỏ đi vào ruộng lúa.

         + Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ.

         + Nếu có sử dụng phân hữu cơ thì phải được ủ hoai (hạn chế hạt cỏ).

         + Sử dụng thuốc hóa học: Nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (Sofit 300EC, Dietmam 360EC,…) khống chế cỏ dại và lúa cỏ ngay đầu vụ; hoặc xử lý thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm tùy theo điều kiện cụ thể trên từng vùng (khu vực) khi phụ thuộc vào việc nguồn nước tưới.

          Quản lý và phòng trừ sâu bệnh:

         Vụ Đông Xuân là vụ lúa có điều kiện thời tiết thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh hại xuất hiện gây hại trên lúa như: Chuột, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông; các bệnh do khuẩn (cháy bìa lá, sọc trong, thối thân); nhện gié,sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, ốc bươu vàng, đặc biệt là rầy nâu có khả năng gây hại trên diện cục bộ,…

         - Không nên bón quá nhiều phân đạm gây thừa đạm sẽ làm lúa bị lốp, đổ ngã, dễ bị sâu bệnh gây hại.

         - Theo dõi các bản tin dự báo tình hình sâu bệnh hại của vùng hoặc ứng dụng “Mekong RYNAN” thông qua bẫy côn trùng thông minh, kết hợp với thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời và có biện pháp xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi đến ngưỡng phòng trừ.

         * Lưu ý:

         - Các khu vực/vùng có diện tích bỏ vụ (Thu Đông) tranh thủ gieo sạ sớm, tận dụng nguồn nước hiện có trên đồng ruộng, nhưng cũng phải chủ động xử lý nước khi triều cường dâng cao;

         - Tuân thủ lịch xuống giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp;

         - Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong quá trình canh tác phòng trừ sâu bệnh;

         - Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”;

         - Sử dụng thuốc BVTV có trong Danh mục thuốc BVTV do Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành được phép sử dụng ở Việt Nam.

Th.s Nguyễn Thị Lùng

Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 449
  • Tất cả: 434835