CẦN CÓ BIỆN PHÁP CĂN CƠ ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI HẠN, MẶN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Đó là ý kiến của đại biểu tại Hội thảo -Tọa đàm “Giải pháp ứng phó hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ (ngày 20/02/2020).

           Hiện tượng xâm nhập mặn trong mùa nắng năm nào cũng có ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu nước biển dâng và do cách sử dụng nước sông Cửu Long của các nước trên thượng nguồn mà mặn đã xâm nhập vào đất liền mãnh liệt hơn gây hại nghiêm trọng đến sản xuất cây trồng và vật nuôi[[i]]. Đến nay, tổng thiệt hại đối với sản xuất lúa trong vụ mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 là trên 32.000 ha[[ii]].

          Tham luận tại Hội thảo-Tọa đàm cho rằng, tác hại của mặn trên cây trồng có thể xếp vào 3 nhóm chính: (1) Cây trồng không hút được nước, (2) cây trồng không hấp thu được dưỡng chất, và (3) gây ngộ độc cho cây trồng. Tương tự, về chăn nuôi, khi sử dụng nước bị nhiễm mặn, (1) đàn vật nuôi bị rối loạn tiêu hóa đưa đến tiêu chảy. (2) Nếu sử dụng nước có độ mặn vượt ngưỡng chịu đựng của vật nuôi trong thời gian dài có thể gây ngộ độc và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng bệnh về thận. (3) Khi đó (gia súc bị ngộ độc), sức đề kháng giảm, dịch bệnh dễ phát sinh, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, nếu bị nặng vật nuôi sẽ chết[[iii]].

          Trước tình hình trên, ý kiến tại Hội thảo-Tọa đàm đề xuất cần có biện pháp căn cơ để phó với hạn, mặn ở ĐBSCL, như: Cần nghiên cứu các giống lúa có thể chịu được độ mặn cao phù hợp với điều kiện của vùng. Tại vùng ĐBSCL có nhiều giống lúa địa phương chịu mặn khá, có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày chịu mặn như: OM5451, OM2517, GKG1,… Ngoài ra, các diễn giả cũng thông tin hiện giống lúa CM1 có thể chịu mặn 12‰ nhưng vẫn cho năng suất cao và Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ đang nghiên cứu giống lúa có thể chịu mặn lên đến 14‰. Về các giống cây ăn trái ghép ứng phó tốt với hạn, mặn, các Viện, Trường đã và đang thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu. Riêng Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ lai ghép thành công giữa cây Quýt trên gốc cây Quách cho năng suất, chất lượng trái Quýt rất tốt. Một đề xuất khác đó là, cần xem xét khởi động lại dự án xây dựng các hồ (“túi”) chứa nước ngọt cho ĐBSCL để chủ động điều tiết nước sản xuất và sinh hoạt. Theo đại biểu đến từ Cần Thơ, dự án này được nhà khoa học người Pháp (gốc Việt) đề xuất khoảng 40 năm về trước, toàn khu vực ĐBSCL sẽ xây dựng 3-4 túi nước, mỗi túi khoảng 100 ha sẽ cơ bản đảm bảo đủ nước sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đáng chú ý là đề xuất khá táo bạo về đề nghị nghiên cứu thu gom nước mưa và “bơm” nước mưa xuống tầng nước ngầm vừa bổ sung cho mực nước ngầm bị hạ thấp vừa hạn chế tình trạng sụt lún hiện nay,…

          Trở lại với công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020, ngay từ giữa tháng 9/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ĐBSCL tổ chức thực hiện các giải pháp để chủ động phòng, chống như: Xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn; trong đó, xác định từng vùng, khu vực khả năng bị ảnh hưởng để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2019-2020; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến,..; tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt[[iv]],…

Cụ thể, những biện pháp áp dụng ứng phó với hạn, mặn ở cây trồng, vật nuôi được các diễn giả khuyến cáo tại Hội thảo-Tọa đàm đó là:

- Về cây lúa: Xem lại lịch thời vụ xuống giống, người dân cần phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của địa phương về thời điểm xuống giống để cây lúa phát triển được tốt nhất; sử dụng giống chịu mặn phù hợp với địa phương; kỹ thuật chuẩn bị làm đất trồng lúa (bao gồm cày xới đất, bón vôi, ngâm nước ruộng, đánh rãnh phèn, cường sức hạt giống, áp dụng kỹ thuật “sạ nước”, bón phân).

- Về cây ăn trái: Giảm nhu cầu nước của cây bằng cách tỉa bỏ bớt cành lá, bông, trái nhất là đọt non nhằm giảm tiêu hao nước qua thoát hơi và giảm tiêu hao dinh dưỡng trong cây; che phủ mặt líp bằng những vật liêu có sẵn tại địa phương hay màng phủ nông nghiệp giúp giảm mất nước trong lip; tăng khả năng chịu mặn cho cây bằng các chế phẩm sinh học; cung cấp dinh dưỡng cho cây.

- Về chăn nuôi: Cần đánh giá/so sánh lợi ích giữa chăn nuôi với ngành hàng khác để giảm thiểu rủi ro; dự trữ nước ngọt, bảo tồn rừng sinh thái để cung cấp thức ăn cho chăn nuôi; lựa chọn giống vật nuôi phù hợp thích ứng hạn, mặn và dịch bệnh để phát triển lâu dài; lựa chọn mô hình chăn nuôi công nghiệp mới; sản xuất gắn với thị trường, sản xuất hữu cơ; nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình chăn nuôi phù hợp.

Với hiện tượng xâm nhập mặn trong mùa nắng năm nào cũng có ở ĐBSCL- nhất là trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, rất cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để ĐBSCL thích ứng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Hội thảo-Tọa đàm “Giải pháp ứng phó hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long” chỉ mới tập trung vào những tác hại, bất lợi của hạn, mặn mà chưa “coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế” và để “biến thách thức thành cơ hội” cho khu vực ĐBSCL[[v]]. Vì vậy, nên có những Hội thảo-Tọa đàm tiếp theo để phân tích sâu hơn và đưa ra những giải pháp phù hơn về hạn, mặn ở ĐBSCL.



[[i]] Nguyễn Bảo Vệ (2020). Giải pháp hạn chế ảnh hưởng của mặn trên cây trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tài liệu Hội thảo - Tọa đàm “Giải pháp ứng phó hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” tổ chức tại Trường Đại họ Cần Thơ (ngày 20/02/2020).

[[ii]] Chủ động ứng phó với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, https://www.vietnamplus.vn/chu-dong-ung-pho-voi-han-man-o-dong-bang-song-cuu-long/623899.vnp, truy cập 21/02/2020

[[iii]] Thiệt hại do xâm nhập măn 2015-2016 khoảng 5.572 tỷ đồng tương đương 450 triệu USD. Theo Văn Phạm Đăng Trí (2020). Xâm nhập mặng vùng ĐBSCL thách thức và giải pháp Tài liệu Hội thảo - Tọa đàm “Giải pháp ứng phó hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” tổ chức tại Trường Đại họ Cần Thơ (ngày 20/02/2020).

[[iv]] Công văn số 6708/BNN-TCTL ngày 12/9/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v chuẩn bị triển khai công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020

[[v]] Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Bài, ảnh: Trần Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 48
  • Trong tuần: 487
  • Tất cả: 434873