Cần chủ động, đa dạng nguồn thức ăn cho bò
Theo số liệu thống kê, hàng năm diện tích gieo trồng lúa tỉnh Trà Vinh khoảng trên 200 ngàn ha, sản lượng lúa khoảng trên 01 triệu tấn, và như vậy, về lý thuyết có khoảng trên 01 triệu tấn rơm, rạ thu được từ thu hoạch lúa. 

Ủ rơm urê ở cơ sở nuôi bò tại huyện Càng Long

         Tuy nhiên, sản lượng rơm thu gom thực tế (ước) chỉ khoảng 500-600 tấn/năm. Nếu tính bình quân mỗi con bò tiêu thụ 05 kg/con/ngày thì sản lượng rơm thu gom có thể cung cấp đủ cho đàn bò của tỉnh trong một năm. Nhưng, rơm thu gom không chỉ để nuôi bò mà còn sử dụng để trồng nấm rơm, trồng màu hoặc bán đi các tỉnh và sử dụng cho những mục đích khác. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng khan hiếm rơm tại một số thời điểm trong năm ở một số địa phương. Hiện nay, giá bán rơm cuộn (trọng lượng khoảng 12-15 kg/cuộn) khoảng 35.000 đồng/cuộn, có nơi lên đến 40.000 đồng/cuộn hoặc hơn.

          Những năm qua, thực liệu sử dụng làm thức ăn cho bò ngày càng đa dạng hơn, nhưng hầu hết khẩu phần ăn của bò vẫn chủ yếu là rơm, cỏ. Tùy theo vùng, hộ nuôi bò có thể thay thế một phần rơm, cỏ bằng phụ phế phẩm nông nghiệp dễ kiếm, sẵn có, như thân lá cây đậu phộng, thân cây bắp hoặc rau muống, lục bình,… Đối với cơ sở chăn nuôi bò tập trung có tiềm lực về tài chính thì sử dụng thêm bã bia, xác đậu nành, cám gạo,... 

Bã đậu nành sử dụng ở một cơ sở nuôi bò tại huyện Trà Cú

          Thông thường để dự trữ thức ăn cho bò hộ nuôi bò sẽ dự trữ rơm. Một số cơ sở cũng ủ chua thân cây bắp, nhưng không phải để dự trữ mà chỉ nhằm mục đích tăng dưỡng chất trong khẩu phần ăn của bò và chỉ ủ để sử dụng trong thời gian ngắn. Về dự trữ cỏ khô, cỏ ủ chua, ủ rơm urê,… hầu như chưa được hộ nuôi bò tính đến, một phần do lượng bò nuôi/hộ ít (khoảng 2-3 con/hộ) chưa gây áp lực lớn cho hộ về tìm kiếm rơm, cỏ cho bò, và lý do khác, không có nhiều cỏ để phơi khô hoặc ủ chua.

          Năm 2022, nhiều nơi trong tỉnh người dân bỏ xuống giống vụ Thu Đông, Mùa hoặc lên liếp trồng dừa, trồng cam hoặc chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích khác do sản xuất lúa bị thu lỗ. Cũng có không ít trà lúa Thu Đông, Mùa bị chuột cắn phá gây nhiều thiệt hại. Tại thời điểm gieo sạ và sau gieo sạ vụ Đông Xuân, một số nơi gặp bất lợi do mưa nhiều nước tràn đồng phải tiến hành sạ hoặc dặm lại. Về thu hoạch rơm, nhiều hộ thường thu gom rơm vụ Đông Xuân, ít thu gom ở các vụ khác; rơm từ cắt bằng máy gặt đập liên hợp thường ngắn nên ít rơm hơn so với cắt tay. Tất cả những yếu tố trên dẫn đến sản lượng rơm năm 2022 có khả năng sẽ không đạt như bình quân mọi năm và sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp rơm, là nguồn thức ăn chính của bò hiện nay, ngoài cỏ. 

Bã đậu nành sử dụng ở một cơ sở nuôi bò tại huyện Trà Cú

          Vì vậy, để tránh bị động về nguồn thức ăn cho bò, hộ cần phải thường xuyên, chủ động tạo nguồn thức ăn ứng phó cho những thời điểm khan hiếm cũng như giảm chi phí về thức ăn trong chăn nuôi bò, như:

         - Tăng diện tích đất trồng cỏ (nếu có điều kiện), tận dụng các khoản đất trống để trồng cỏ. Nên trồng các loại cỏ năng suất cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện của hộ. Đối với những diện tích đất đã trồng cỏ nhưng năng suất thấp, cỏ già cỗi, cỏ trồng lâu năm cần tiến hành cải tạo, trồng mới và chăm sóc tốt.

Ủ cỏ chua ở cơ sở nuôi bò tại huyện Châu Thành

         - Tận dụng các nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp sẵn có, dễ tìm kiếm ở địa phương làm thức ăn cho bò thay thế rơm cỏ. Hoặc bổ sung, đa dạng các nguồn thực liệu khác vào khẩu phần, giảm áp lực sử dụng rơm, cỏ.

         - Nên chủ động mua rơm dự trữ ở những thời điểm thu hoạch lúa, giá rẻ. Tận dụng, thu gom nguồn rơm ở các vụ lúa ngoài vụ Đông Xuân, đề nghị máy gặt đập liên hợp cắt rơm dài hơn,... Để hạn chế rơm bị hư hao trong quá trình dự trữ và tăng dưỡng chất (đạm) có thể tiến hành ủ rơm urê.

         - Trường hợp vào mùa mưa không sử dụng hết cỏ, nên tiến hành ủ chua để dự trữ cho mùa khô khan hiếm, thiếu cỏ. 

Bài, ảnh: Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 39
  • Trong tuần: 478
  • Tất cả: 434864