Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
1. Giới thiệu: Bệnh Viêm da nổi cục (Lumpy Skin Disease-LSD) là bệnh truyền nhiễm trên trâu, bò gây ra do vi rút thuộc họ Poxviridae chi Capripoxvirus, cùng chi với vi rút gây bệnh đậu trên dê, cừu. Vi rút này không gây bệnh trên người. 

Bò bị bệnh LSD (Nguồn: Cục Thú y)

         LSD lầu tiên được phát hiện tại Zambia (1929). Đến nay, LSD là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi. Từ năm 2012, bệnh lây lan sang khu vực Trung Đông, Đông Nam Châu Âu, Ban-căng, biên giới Á-Âu, Nga và Kazzakhstan. Tại Thổ Nhĩ Kỳ (2019) có tới 131 ổ dịch được ghi nhận.

         Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), từ năm 2013 đến nay, LSD xảy ra tại khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc. Khu vực Tây Á và Trung Á, bệnh xuất hiện từ năm 2013 và tiếp tục xảy ra từ đó đến nay. Khu vực Nam Á, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ (8/2019), Bangladesh (9/2019), Nepal (7/2020). Tại Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận tại khu vực Tân Cương (8/2019), Quảng Tây (7/2020). Tính đến 13/9/2020, Trung Quốc có 14 ổ dịch.

         Tại Việt Nam LSD xảy ra từ giữa tháng 10/2020 đến nay (ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Hà Nam). Tổng số hơn 1.100 trâu, bò mắc bệnh, chết trên 140 con, buộc phải tiêu hủy.

         2. Sức đề kháng của vi rút

         Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 550C trong 2 giờ, 650C trong 30 phút. Vi rút có thể được hồi phục từ những nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ -800C trong 10 năm và dịch nuôi cấy mô nhiễm vi rút được bảo quản ở nhiệt độ 40C trong 6 tháng.

         Vi rút nhạy cảm với môi trường pH kiềm hoặc a xít. Có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6-8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 370C. Hóa chất sử dụng để diệt vi rút: ether (20%), chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2-3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) và một số chất tẩy rửa như sodium dodecyl sulphate.

         Vi rút rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô. Tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô.

         Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.

         Các nốt sần và vảy da chứa một lượng vi rút tương đối cao. Vi rút có thể được phân lập từ những bệnh phẩm này trong 35 ngày và có thể lâu hơn hoặc có thể được phân lập từ máu, nước bọt, dịch tiết ở mắt và mũi và tinh dịch.

         Vi rút được tìm thấy trong máu trong khoảng từ 7-21 ngày sau khi nhiễm bệnh, với mức độ thấp hơn so với trong các nốt sần ở da tại cùng thời điểm lấy mẫu.

         Sự bài thải của vi rút trong tinh dịch có thể kéo dài tới 42 ngày. Cũng có bằng chứng về sự lây truyền vi rút qua nhau thai. Trong một số trường hợp, gia súc mang mầm bệnh không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho gia súc khỏe thông qua côn trùng hút máu.

         3. Lây truyền: Bệnh lây truyền chủ yếu qua các sinh vật trung gian như: muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. 

         4. Triệu chứng, bệnh tích: Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4-14 ngày. Tỷ lệ gia súc mắc bệnh khoảng 10-20%. Tỷ lệ chết khoảng 1-5%. Triệu chứng, gồm:

         - Sốt cao (có thể trên 41°C), bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú. Viêm mũi, chảy nước mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt.

         - Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.

         - Con đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Con cái mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng.

         5. Chẩn đoán

         Dựa trên những biểu hiện triệu chứng của gia súc mắc bệnh. Tuy vậy, để có kết luận về bệnh cần phải được xác nhận bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Chẩn đoán phân biệt:

         - Bệnh giòi da: Ruồi đẻ trứng trên da gia súc, trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng qua các tổ chức, xuyên qua da hoặc ấu trùng qua vết thương hở hay các lỗ tự nhiên, vào tổ chức, gây tổn thương tổ chức và được gọi là bệnh giòi da. Da viêm tấy thành cục. Chỗ viêm tấy bị thủng lỗ, ấu trùng thành thục thoát ra ngoài.

         - Bệnh đậu dê, cừu: Sốt cao 40-410C, kéo dài. Xuất hiện các mụn nhỏ trên da mặt kích thước như hạt ngô, sau vỡ loét ra, chảy dịch, đóng vảy nâu đen, khi bong ra để lại vết sẹo đỏ. Mụn mọc lan sang các đám khác. Chảy nước mắt và dịch mũi. Kém ăn, nằm một chỗ. Đứng cong lưng. Ở dê, cừu non khi mắc bệnh còn có triệu chứng tiêu chảy nặng.

         6. Phòng bệnh, trị bệnh: Chủ nuôi trâu, bò cần thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh chính bao gồm chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh. Trường hợp phát hiện gia súc mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, cần: Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Cách ly gia súc chưa có biểu hiện của LSD; nuôi nhốt gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Không mua gia súc đem về nuôi. Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,... Không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường. Vệ sinh chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc.

         Bệnh chưa có thuốc điều trị

         7. Chính sách hỗ trợ: Chủ nuôi có trâu, bò phải tiêu hủy do LSD được hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

          Tài liệu sử dụng, tổng hợp:

         1. Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

         2. Lê Bền (2020), Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò là gì, nguy hiểm ra sao? http://cucthuy.gov.vn/Pages/benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo-la-gi-nguy-hiem-ra-sao.aspx, truy cập ngày 21/12/2020

         3. Cảnh giác với bệnh viêm da nổi cục trên bò http://nhachannuoi.vn/canh-giac-voi-benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo/, truy cập ngày 11/12/2020

         4. Một số đặc điểm nổi bật của bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò (2020),. https://www.chephamsinhhoc.net/tin-tuc-che-pham-sinh-hoc/ky-thuat-chan-nuoi-che-bien/mot-so-dac-diem-noi-bat-cua-benh-viem-da-noi-cuc-o-trau-bo.html, truy cập ngày 28/12/2020. Và một số tài liệu khác.

         5. Thế giới đã có vắc xin phòng bệnh LSD. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nhập khẩu để tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc xin.

 Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 464
  • Tất cả: 434850