05 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp “Tạo chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ”
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cơ cấu lại đầu tư thông qua cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh của từng tiểu ngành, từng nhóm ngành hàng, sản phẩm. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, tổ chức lại sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các lĩnh vực… Có thể thấy, qua hơn 05 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp (từ năm 2014 đến nay), tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. 

Nhiều trái cây đặc sản như măng cụt, xoài cát Chu, thanh long ruột đỏ, cam sành… của từng địa phương đang dần phát triển theo hướng tập trung, VietGAP.

 

Bằng chiến lược căn bản cùng với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ các địa phương và các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ kịp thời về chính sách, nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay, sau hơn 05 năm triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” theo Quyết định số 889/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định vai trò “đòn bẩy” để ngành nông nghiệp của tỉnh bứt phá đi lên. Với định hướng căn bản trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó, lĩnh vực trồng trọt đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương và thị trường tiêu thụ; các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, diện tích sử dụng giống mới ngày càng mở rộng; xây dựng được một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất; đầu tư ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; kết cấu hạ tầng từng bước đầu tư hoàn thiện… diện tích, năng suất và sản lượng một số cây trồng chủ lực ngày càng tăng. Từ năm 2014 đến nay, đã chuyển đổi hơn 18.500ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, hiệu quả tăng từ 1,5 - 03 lần so với chuyên trồng lúa.

Nông dân xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần chuẩn bị cho vụ màu Tết 2020. 

 Trong lĩnh vực chăn nuôi, những năm qua tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá xuống thấp, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nên tình hình chăn nuôi sụt giảm. Tuy nhiên, đã chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng con giống cải thiện, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng phổ biến mang lại hiệu quả; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, cung cấp sản phẩm an toàn. Về thủy sản, phát triển tương đối toàn diện cả nuôi trồng và khai thác, nhờ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học- kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, hình thành một số vùng nuôi tập trung nên nuôi trồng thủy sản phát triển ở 03 vùng (mặn, ngọt, lợ) diện tích nuôi tăng, đã đa dạng hóa con nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đã chuyển đổi hơn 3.500ha nuôi thủy sản khác sang nuôi: tôm thẻ chân trắng, nâng diện tích nuôi lên 7.817ha; chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh từ 6.652ha (năm 2013), đến nay đạt khoảng 10.000ha; diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao khoảng 400ha, năng suất từ 50-70 tấn/ha; duy trì diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng 5.750ha và 5.600ha lúa-thủy sản, góp phần đưa tổng sản lượng đạt 200.607 tấn (tăng 37.863 tấn so năm 2013), trong đó sản lượng nuôi 122.350 tấn, khai thác 78.257 tấn. Riêng sản lượng tôm tăng hơn gấp 2,2 lần so với năm 2013.  

Từ năm 2014 đến nay, huyện Trà Cú đã chuyển đổi 2.997ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Qua đó, các địa phương thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, bao tiêu và thu mua 1.000 tấn lúa hàng hóa; Công ty Giống cây trồng miền Nam, đầu tư và bao tiêu sản xuất bắp giống; Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công (xã Ngọc Biên) liên kết thu mua ớt, rau màu; Doanh nghiệp tư nhân Út Cà đầu tư và tiêu thụ đậu phộng...

Năm 2019, huyện Càng Long đã chuyển đổi 455,2ha từ lúa kém hiệu quả và vườn tạp qua trồng các loại cây trồng khác: cây màu 135ha, thanh long 148ha, cây có múi 88ha và 83ha trồng dừa. Các sản phẩm như: Cam sành xã Nhị Long Phú; quýt đường xã Bình Phú; thanh long ruột đỏ xã Đức Mỹ; bưởi da xanh xã Đại Phúc tiếp tục được sản xuất theo hướng VietGAP.

Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện nay tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã gắn kết rất chặt với XDNTM; đây là yếu tốt cốt lõi để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp - nông thôn phát triển, trong đó vai trò của nông dân là chủ thể không thể thiếu; đồng thời, họ còn là đối tượng thụ hưởng. Thông qua đó, đã huy động kinh phí đầu tư hàng trăm công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Qua đó, đã huy động gần 8.200 tỷ đồng để triển khai thực hiện các công trình cơ bản và đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Bộ tiêu chí giám sát trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2014 - 2018) mới chỉ có 04/15 tiêu chí đạt và vượt chỉ tiêu đề ra: Tốc độ tăng thu nhập 01ha đất trồng trọt đạt 3,74%/năm (chỉ tiêu >03%/năm). Tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất thủy sản 09%/năm (chỉ tiêu >05%/năm). Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản 14%/năm (chỉ tiêu > 05%/năm). Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 57% (chỉ tiêu > 41%). Riêng các tiêu chí còn lại mới chỉ đạt từ 40-60% chỉ tiêu đề ra./.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 43
  • Trong tuần: 482
  • Tất cả: 434868