Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp tại tỉnh Trà Vinh
Được sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án “Nghiên cứu chuyển đổi số (CĐS) ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Địa điểm thực hiện dự án gồm 03 tỉnh: Bến Tre, Bạc Liêu và Trà Vinh. Thời gian từ 2022-2024. 

Kiểm soát ao nuôi tôm được qua điện thoại thông minh tại huyện Cầu Ngang

         Tổng vốn khoảng trên 7,8 tỷ đồng. Mục tiêu dự án: Tạo lập nền tảng số để cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác quản lý, giám sát và vận hành hệ thống công trình thủy lợi. Thiết lập cơ sở chính sách kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở bộ cơ sở dữ liệu số tích hợp dùng chung cho cả vùng giúp sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu phục vụ CĐS nông nghiệp tại vùng ĐBSCL.

          Trà Vinh là tỉnh sản xuất nông nghiệp ven biển ĐBSCL, có điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa, ít bị bão lũ rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Năm 2022, giá trị sản xuất toàn ngành trên 31.000 tỷ đồng, gồm: Nông nghiệp gần 19.00 tỷ đồng, lâm nghiệp 266 tỷ đồng và thủy sản trên 12.000 tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,07% diện tích đất tự nhiên. Diện tích gieo trồng 260.000 ha, sản lượng trên 2,41 triệu tấn. Toàn tỉnh có trên 540.000 gia súc và trên 7,6 triệu gia cầm. Tổng sản lượng thủy sản 239.000 tấn, trong đó sản lượng thả nuôi đạt trên 178.000 tấn, tỉnh có 1.119 tàu cá với tổng công suất 156.124 CV.

Hình chụp từ sử dụng máy bay không người lái trong

giám sát, kiểm tra rừng trồng (Nguồn: Chi cục Kiểm lâm)

         Những năm qua, CĐS luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản về CĐS, như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 19/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh,…

          Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành nông nghiệp đã và đang đẩy mạnh CĐS một cách toàn diện. 100% giấy phép về lĩnh vực nông nghiệp thực hiện qua hành chính công và các văn bản (trừ văn bản mật) được thực hiện qua ioffice. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình CĐS trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025; xây dựng đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

         Triển khai thực hiện mô hình máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát kiểm tra rừng trồng, mô hình bẫy rầy thông minh (Trạm giám sát côn trùng), mô hình bơm nước tự động trong sản xuất lúa cánh đồng lớn, mô hình sản xuất trong nhà lưới kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ tự động. Thực hiện bản đồ số trong lâm nghiệp; định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Thu phí kiểm dịch động vật, phí sử dụng nước, quản lý khách hàng online. Giám sát kết nối, cung cấp thông tin dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; đo độ mặn, mực nước tự động tại các vàm, cống và lắp đặt hệ thống quan trắc nước tự động để phục vụ sản xuất.

Dầu dừa Phương Huỳnh, sản phẩm OCOP, thực hiện truy xuất nguồn gốc

và đưa lên sàn thương mại điện tử (Nguồn: Smartlife)

         Nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản, nuôi gia súc, gia cầm qua giám sát, điều khiển bằng điện thoại thông minh, trong đó, có mô hình nuôi tôm khép kín kiểm soát tự động từ chăn nuôi đến phân phối sản phẩm (TOMGOXY). Quản lý các ổ dịch bệnh, kiểm kê khí nhà kính từ ngành chăn nuôi bằng phần mềm; thực hiện mô hình truy xuất nguồn gốc heo thịt, gà thịt, trứng gà từ chuồng trại đến bàn ăn; truy xuất nguồn gốc và đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Lắp đặt VMS giám sát hành trình cho 100% tàu cá có chiều dài 15m trở lên,... 

          Mặc dù CĐS được đẩy mạnh và đạt một số kết quả, nhưng nhìn chung CĐS ngành nông nghiệp đang còn bất cập. CĐS giữa các lĩnh vực (và ngay trong từng lĩnh vực) rời rạc, chưa có sự đồng bộ trong toàn ngành. Hầu hết các nội dung CĐS chưa tích hợp nền tảng GIS, chưa có sự tích hợp, liên thông, chia sẻ thông tin thống nhất; nhiều nội dung của ngành vẫn chưa thực hiện. Cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn còn hạn chế. Tổ chức, cá nhân liên kết, đầu tư CĐS nhưng thiếu cơ chế, chính sách, kinh phí cho sự liên kết,… Từ đó, công tác quản lý khai thác sử dụng những lợi ích từ CĐS chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

         Hành trình CĐS trong nông nghiệp là quá trình dài và là xu thế tất yếu. Trở lại với dự án “Nghiên cứu CĐS ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” mà Trà Vinh là một trong 3 tỉnh được chọn để triển khai thực hiện. Theo dự kiến, dự án triển khai và thành công của dự án sẽ hỗ trợ rà soát chính sách, đánh giá thực trạng cơ sở dữ liệu, khả năng kết nối, sử dụng công nghệ liên ngành, liên vùng; hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng định hướng, chính sách và giải pháp CĐS lấy nông dân và doanh nghiệp là trung tâm, thực hiện chuyển cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL,… Và điều này được kỳ vọng góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc khắc phục những bất cập còn tồn tại, cũng như hỗ trợ hơn nữa về CĐS ngành nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới./.

Trần Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 725
  • Tất cả: 434367