Trà Vinh tăng cường liên kết và tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ
Được sự hỗ trợ của Dự án SME Trà Vinh, ngày 22/11/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ giữa Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thuận Phong với Công ty TNHH Khánh Đăng và Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Thành, giữa Công ty TNHH Trà Vinh Farm với Tổ hợp tác Mật hoa dừa. 

Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thuận Phong,

phát biểu về nội dung chính của Hợp đồng liên kết và cam kết của doanh nghiệp sau ký kết

         Trà Vinh có 25.000 ha trồng dừa với hơn 6,9 triệu cây, nhiều thứ 2 ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, diện tích dừa đang cho trái gần 21.000 ha, sản lượng trên 356.000 tấn/năm, tương đương 296 triệu quả. Để phát huy tiềm năng và lợi thế, cây dừa được tỉnh đưa vào chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị giai đoạn 202-2025 (Quyết định số 977/QĐ-UBND ngày 31/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

         Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thuận Phong có trụ sở tại tỉnh Bến Tre, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa và các loại nông sản khác. Dự kiến năm 2022-2024, Công ty hỗ trợ khoảng 6.000 ha dừa của Trà Vinh đạt chứng nhận hữu cơ và liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, Công ty khảo sát gần 3.500 ha của trên 4.400 hộ trồng dừa tại huyện Châu Thành và huyện Càng Long và đã hỗ trợ chứng nhận hữu cơ 1.037 ha, gồm đầu tư, hỗ trợ Công ty TNHH Khánh Đăng và Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Thành (huyện Châu Thành) gần 1.000 ha. Diện tích còn lại, Công ty đang hoàn tất hồ sơ đăng ký chứng nhận và tập huấn cho nông dân quy trình canh tác dừa hữu cơ. Năm 2023-2024, Công ty tiếp tục khảo sát diện tích trồng dừa ở khu vực thành phố Trà Vinh và huyện Tiểu Cần.

Mụn dừa làm giá thể trồng rau tại Đà Lạt

         Công ty TNHH Trà Vinh Farm (huyện Tiểu Cần) nổi tiếng với sản phẩm mật hoa dừa, đã và đang hỗ trợ Tổ hợp tác Mật hoa dừa đầu tư và thu mua 20 ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU, USDA, JAS.

         Cũng liên quan đến sản xuất, liên kết tiêu thụ dừa và sản phẩm từ dừa, tháng 10/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Dự án SME Trà Vinh tổ chức cho đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long, huyện Châu Thành và huyện Tiểu Cần tiếp thị mụn dừa đến các công ty, trang trại tại Đà Lạt. Được biết, xơ dừa chiếm trọng lượng khoảng 30% trọng lượng trái dừa và mụn dừa chiếm khoảng 70% trọng lượng xơ dừa. Có rất nhiều lợi ích từ mụn dừa. Về trồng trọt, mụn dừa dùng làm giá thể trồng cây mà các nhà vườn, trang trại tại Đà Lạt đang sử dụng rất nhiều. Sử dụng mụn dừa cũng là giải pháp sản xuất hữu cơ, sản xuất “không cần đất”, tăng diện tích trồng cây trên một diện tích đất (trồng cây nhiều tầng) trong điều kiện đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy mụn dừa giúp đất tơi xốp, làm tăng năng suất cây trồng và tăng khả năng chống nóng cho rễ cây. Đối với chăn nuôi, mụn dừa dùng làm chất độn chuồng (đệm lót sinh học), hạn chế mùi hôi trong quá trình nuôi,… 

Mụn dừa làm giá thể trồng ớt tại Đà Lạt

         Tuy nhiên, mụn dừa của các cơ sở tại Trà Vinh thường bán thô, chưa qua xử lý “chất chát” (Tanin và Lignin) làm giảm tính cạnh tranh so với những sản phẩm khác hoặc mụn dừa đã qua xử lý của các tỉnh. Người sử dụng có thường mua mụn dừa đã qua xử lý về dùng ngay, chưa kể, quy cách đóng gói lớn không phù hợp với phân khúc khách hàng sử dụng nhỏ, lẻ. Qua chuyến đi, đã có những hợp tác giữa các cơ sở của tỉnh và của Đà Lạt để xử lý “chất chát”, tăng dưỡng chất trong mụn dừa cũng như đóng gói, liên kết bao tiêu sản phẩm. 

         Việc ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ giữa các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên tham gia. Về phía công ty tiêu thụ, xây dựng được vùng nguyên liệu và có được nguồn nguyên liệu đầu vào giúp ổn định sản xuất. Nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ, minh bạch từ khâu gieo trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản; từ đó tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước về sản phẩm của công ty. Đối với người sản xuất, sẽ an tâm tập trung sản xuất, sản xuất bền vững vì sản phẩm luôn tiêu thụ ổn định, tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”, không có nơi thu mua. Giá thu mua sản phẩm cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, mang lại thu nhập cao, ổn định. Người sản xuất được được tập huấn, trang bị kỹ năng sản xuất an toàn, được hỗ trợ tiếp cận phương pháp sản xuất tiên tiến công ty tiêu thụ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng được quy định. Từ đó, người sản xuất vừa hoàn thiện kỹ thuật, quy trình sản xuất, vừa thay đổi tập quán canh tác. Đồng thời, môi trường sản xuất được bảo vệ, cũng chính là bảo vệ sức khỏe người sản xuất,…

Sử dụng mụn dừa (ủ làm đệm lót sinh học) chăn nuôi heo tại huyện Châu Thành

          Các cơ quan quản lý cũng sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ hiện nay đối với người trồng dừa. Quản lý - điều tiêt sản xuất, định hướng sản xuất, từ đó hoạch định các chính sách cho phù hợp. Đầu tư hạ tầng vùng sản xuất, hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu cho cây dừa Trà Vinh. Bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp và người sản xuất, nhất là khi các bên xảy ra tranh chấp hợp đồng đã ký kết.

         Việc ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa của tỉnh, sản xuất được tập trung, giảm chi phí sản xuất, giá thành cạnh tranh do sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã (liên kết các hộ trồng dừa), hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và xây dựng thương hiệu dừa của tỉnh. Đây cũng là tiền đề để tỉnh phát triển các chuỗi liên kết và tiêu thụ cho các vùng trồng dừa tiếp theo, các chuỗi liên kết và tiêu thụ cho các loại sản phẩm khác nông nghiệp khác. /.

Bài, ảnh: Trần Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 711
  • Tất cả: 434353