Trà Vinh tăng cường áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp
Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng là việc áp dụng quy trình kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để tưới theo phương pháp nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm, bảo đảm cấp nước theo nhu cầu của cây trồng cạn hoặc tưới ướt (ngập) - khô xen kẽ cho cây lúa phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng kết hợp với các biện pháp canh tác tiên tiến trong nông nghiệp (khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ). 

Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trồng màu

         Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế nước bị bốc hơi, đảm bảo độ ẩm cho đất, giảm sự xói mòn của đất. Đồng thời, có thể kết hợp tưới nước với tiêu diệt mầm bệnh; thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa khâu tưới nước. Tùy thuộc vào điều kiện sản xuất, lao động, nguồn kinh phí mà các tổ chức, cá nhân áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho phù hợp. 

         Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, gồm: Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019, Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 27/02/2023 và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021.

         Cụ thể nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha. Hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính theo phương pháp ngập - khô xen kẽ và sử dụng phân bón thông minh hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón thông minh, nhưng không quá 5.000.000 đồng/1,0 ha. Hỗ trợ một lần 30% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị sản xuất, đường ống nhựa phục vụ cho việc tưới tiêu; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm rau an toàn để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật sản xuất an toàn. Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 300.000.000 đồng/cơ sở. Hỗ trợ một lần kinh phí đầu tư, xây dựng nhà lưới hở và hệ thống tưới phục vụ sản xuất rau an toàn 50.000 đồng/m2, nhưng không quá 50.000.000 đồng/cơ sở. Hỗ trợ một lần kinh phí đầu tư, xây dựng nhà lưới kín và hệ thống tưới phục vụ sản xuất rau an toàn 100.000 đồng/m2, nhưng không quá 100.000.000 đồng/cơ sở. Đây là điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách.

Cảm ứng mực nước ruộng thông minh phục vụ canh tác lúa ngập - khô xen kẽ

giúp giảm khí thải nhà kính (Nguồn: RYNAN TECHNOLOGIES)

         Tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước, như: Mô hình trồng táo trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Trà Cú; Mô hình trồng mãng cầu ta (na) Thái sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại huyện Trà Cú và huyện Cầu Kè; Mô hình trồng vú sữa Mica sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại huyện Cầu Kè; Mô hình trồng cây chà là sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu và Mô hình trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tại huyện Châu Thành; Mô hình trồng rau-màu trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới phun tại huyện Duyên Hải; Mô hình trồng cây ớt sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới nước tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ tại huyện Cầu Ngang,…

          Đã có khoảng 22 ha cây trồng cạn tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được hưởng chính sách hỗ trợ gần 600 triệu đồng, dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục hỗ trợ 90 ha với kinh phí trên 3.500 triệu đồng; sản xuất rau an toàn trên 55 ha, kinh phí khoảng 2.500 triệu đồng; tưới ngập - khô xen kẽ trong canh tác lúa gần 80 ha. Kết quả áp dụng sản xuất tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đem lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống. Mô hình trồng dưa lưới ruột vàng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tại huyện Châu Thành, tổng thu cao hơn khoảng 30% so với đối chứng. Canh tác lúa tưới ngập - khô xen kẽ với thử nghiệm sử dụng phân bón Rynan, giai đoạn 2016-2019 ở nhiều địa phương trong tỉnh, năng suất cao hơn 0,76 tấn/ha so với sử dụng phân bón thông thường.

Vườn dừa trồng xen mít và vườn thanh long sử dụng hệ thống tưới phun mưa

         Việc đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp giảm công lao động tưới. Mô hình tưới nước kết hợp tiêu diệt sâu bọ, động vật gây hại hoặc kết hợp với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật làm giảm áp lực thiếu lao động nông nghiệp, từ đó giảm chi phí công lao động trên cùng một đơn vị diện tích. Áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn giúp chủ động kiểm soát lượng nước, kiểm soát phân bón và hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật giúp làm giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm ô nhiễm môi trường, an toàn cho chính người sản xuất, người tiêu dùng. Ngoài ra, áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, đảm bảo cho phát triển sản xuất bền vững thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. 

         Đồng thời, tăng cường áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh còn góp phần tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích và hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 diện tích trồng lúa thực hiện phương thức canh tác tiên tiến, diện tích cây trồng cạn được tưới tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30%; năm 2050 đạt 60% theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Bài, ảnh: Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 36
  • Trong tuần: 783
  • Tất cả: 434347