Hiệp Thạnh nuôi thủy sản bền vững, ổn định theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của môi trường và dịch bệnh cùng với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho nghề nuôi tôm nước lợ của người dân vùng ven biển, nhất là nuôi tôm công nghiệp trên ao đất gặp nhiều bất lợi. 

Nông dân Nguyễn Thanh Cường (trái) bên mô hình rừng - thủy sản để canh tác theo hướng gắn với BĐKH.

         Hiện nay, nhiều hộ nuôi thủy sản ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải vẫn duy trì hình thức nuôi tôm quảng canh (thả lan) theo hướng rừng - thủy sản (tôm, cua biển…) để thích ứng với BĐKH và hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

         Nông dân Huỳnh Văn Phong, ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh cho biết: gia đình trước đây có trên 03ha đất rừng sản xuất kết hợp hợp nuôi thủy sản. Trong đó, năm 2020 cải tạo 01ha chuyển sang nuôi tôm công nghiệp theo hướng thâm canh mật độ cao. Nếu so với hiệu quả giữa nuôi công nghiệp và nuôi thả lan, thì tỷ lệ lợi nhuận trong nuôi tôm công nghiệp chiếm khoảng 30%, còn thả nuôi rừng-thủy sản đạt 90 - 95%. Trung bình, đối với 02ha rừng - thủy sản hiện còn lại của gia đình, mỗi năm gia đình thả khoảng 10.000 - 12.000 con cua biển, thu vào khoảng 80 - 100 triệu đồng, vốn đầu tư khoảng 05 - 06 triệu tiền mua cua giống.

         Được biết, trong năm 2022, xã Hiệp Thạnh có trên 1.000ha nuôi thủy sản, với 993 lượt hộ thả nuôi. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao có 156 hộ/92,02ha với 376 lượt ao thả nuôi; diện tích nuôi tôm sú công nghiệp có 54 hộ/23,03ha (66 ao); diện tích nuôi quảng canh cải tiến theo hình thức rừng - thủy sản trên 600ha (nuôi cua biển, tôm kết hợp)… Các diện tích nuôi theo hình thức rừng - thủy sản tập trung nhiều ở ấp Cây Da, ấp Bào…

         Ông Bùi Văn Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết: trước những khó khăn trong nuôi thủy sản do tình hình BĐKH, dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi và môi trường nguồn nước ô nhiễm… địa phương cũng có kế hoạch chuyển đổi trong sản xuất; đặc biệt là trong hội viên nông dân thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và đầu tư các mô hình sản xuất gắn với BĐKH. Hiện tại xã có 14 tổ hợp tác do Hội Nông dân quản lý (12 tổ hợp tác nuôi thủy sản và 02 tổ hợp tác nuôi bò); trong 12 tổ hợp tác nuôi thủy sản, Hội đã liên kết, vận động được 01 tổ nuôi tôm công nghệ cao (có 09 thành viên, diện tích khoảng 08ha) ở ấp Cây Da. Trong vụ thả nuôi năm 2022, các thành viên có lợi nhuận thấp nhất là 500 triệu đồng và cao nhất là 2,5 tỷ đồng.

         Nông dân Nguyễn Thanh Cường, ấp Bào, xã Hiệp Thạnh cho biết: BĐKH đã gây ra nhiều bất lợi cho các hộ nuôi tôm rất lớn, nhất là môi trường nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm xuất hiện ngày càng nhiều… Từ đó, hiệu quả trong nuôi tôm giảm dần theo tỷ lệ đầu tư, trước đây người nuôi thu lợi nhuận khoảng 60% so với chi phí đầu tư; từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 30%. Đặc biệt, việc nuôi tôm nước lợ ở ao đất coi như thất bại trên 80%, nếu đầu tư nuôi khép kín theo hình thức thâm canh mật độ cao thì người nuôi rất ít có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư; bình quân chi phí đầu tư mô hình này khoảng 350-400 triệu đồng/1.000m2.

         Cũng theo nông dân Nguyễn Thanh Cường, mặc dù gia đình vẫn đầu tư nuôi tôm thâm canh mật độ cao (02 ao), nhưng vẫn không bỏ diện tích nuôi quảng canh (rừng - thủy sản) với diện tích trên 02ha. Qua mô hình rừng - thủy sản, hàng năm gia đình chỉ bỏ ra chi phí mua con giống (tôm sú) và cua biển khoảng chục triệu đồng... nhưng thu vào hơn 100 triệu đồng/năm. Và mô hình rừng - thủy sản còn tác động tích cực giúp cho môi trường xung quanh được ổn định về nguồn nước và lắng lọc các tạp chất trong quá trình nuôi tôm công nghiệp xả thải ra ngoài môi trường.

         Cũng theo đồng chí Bùi Văn Quốc, thời gian tới, để tạo điều kiện cho hội viên nông dân sản xuất thích ứng với BĐKH, hạn chế các bất lợi trong phát triển nuôi thủy sản. Hội cũng mong muốn Hội Nông dân Trung ương, tỉnh và huyện cùng với ngành nông nghiệp triển khai các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, vốn Khuyến nông… để đa dạng các hình thức đầu tư cho người dân vùng ven biển, bên cạnh mô hình phát triển nuôi bò./.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 20
  • Trong tuần: 728
  • Tất cả: 434370