Diễn đàn Kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Tổ công tác 970 là tên gọi khác của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19. Tổ công tác 970 được thành lập theo Quyết định số 3149/QĐ-BNN-VP ngày 18/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện tại, mặc dù nhiệm vụ của Tổ công tác 970 đã cơ bản hoàn thành, nhưng Tổ công tác 970 vẫn được duy trì và chuyển hướng sang hỗ trợ sản xuất nâng chất lượng nông sản. Một hoạt động thường niên của Tổ công tác 970 là phối hợp cùng các tổ chức, cá nhân tổ chức diễn đàn kết nối nông sản. Năm nay, Diễn đàn được tổ chức vào ngày 04/11 với chủ đề Kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Sản xuất rau thủy canh trong nhà lưới

         Cần phải nhận thức rằng nguồn lực về điều kiện tự nhiên đất đai không phải là vô tận mà có giới hạn, vì vậy tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp sẽ không đến từ lợi thế điều kiện tự nhiên mà đến từ chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một “hành trình” tìm kiếm mang tính đột phá để xác định vai trò công nghệ, vai trò của ngành nông nghiệp và thay đổi tư duy sản xuất. Do công nghệ luôn ngày càng phát triển mạnh mẽ và luôn thay đổi nên ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có điểm xuất phát nhưng sẽ không có điểm dừng. 

          Thời gian qua, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam mặc dù có nhiều ưu điểm và đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn hạn chế về chính sách chưa đồng bộ ảnh hưởng đến doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như chuỗi cung ứng nông sản. “Tuổi thọ” của công nghệ ngày càng ngắn, hạ tầng công nghệ bất cập gây khó cho doanh nghiệp và người dân trong việc tìm kiếm công nghệ phù hợp. Phần lớn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ một cách tự phát dẫn đến tình trạng thiếu tính đồng bộ, thiếu tính kết nối. Để ứng dụng khoa học công nghệ phải có nguồn lực tài chính nhất định, về nguồn lực tài chính, đây thường là điểm yếu của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Những hạn chế này làm cho tính minh bạch về thông tin hàng hóa của nông dân, hợp tác xã chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn, gây khó khi ứng dụng công nghệ số. 

Trồng rau giá thể không dùng đất trong nhà lưới

         Tham luận Thực trạng ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam của Tiến sỹ Từ Minh Thiện cho biết, cả nước đã có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm 07 khu đã đi vào hoạt động, 22 khu đã và đang quy hoạch. Các sản phẩm và lĩnh vực nghiên cứu đều tập trung vào khâu nhân giống và công nghệ. Về trồng trọt là công nghệ nhà lưới, nhà màng, nhà kính, không dùng đất, phân bón chậm tan, phân vi sinh, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt. Đối với thủy sản là ứng dụng phương pháp Biofloc trong nuôi thủy sản, công nghệ sinh học để xử lý nước, công nghệ gene, công nghệ tế bào. Chăn nuôi là công nghệ cắt phôi và cải tiến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, công nghệ tinh, phôi đông lạnh, công nghệ chăn nuôi hiện đại theo dây chuyền, có hệ thống điều khiển tự động, sản xuất các chế phẩm sinh học giúp sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường,… 

Nuôi heo trên chuồng sàn tại huyện Trà Cú có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm

         Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là tỉnh đã và đang xây dựng nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực từ trồng trọt và bảo vệ thực vật đến phát triển nông thôn, chăn nuôi và thú y, thủy lợi, lâm nghiệp,… Quá trình xây dựng nền tảng chuyển đổi số của tỉnh gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, số hóa dữ liệu quản lý, số hóa quy trình xử lý - báo cáo - lưu trữ dữ liệu thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh qua các cấp quản lý; trực quan hóa dữ liệu báo cáo của tất cả các lĩnh vực dưới dạng biểu đồ, bản đồ, hình ảnh; quản lý sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, giải quyết thủ tục hành chính. Giai đoạn 2, tự động thu thập, xử lý, thống kê số liệu tiến đội sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám; thống kê tự động dữ liệu dịch hại trên cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước thông qua thiết bị giám sát IOT; dự báo cảnh báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến quá trình sản xuất bằng ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo AI; cung cấp công cụ tìm kiếm giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận vùng nguyên liệu, hợp tác xã. Giai đoạn 3, kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo dự báo sản lượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản nhằm chủ động thị trường tiêu thụ, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng nông sản; đồng bộ, thống nhất dữ liệu các cấp, khai thác sử dụng dữ liệu nông nghiệp số của các tỉnh; hoàn thiện hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số kết nối, chia sẻ, tích hợp vào hệ thống thông tin một cửa điện tử.  

Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Duyên Hải

          Ngoài các tham luận, Diễn đàn còn cung cấp thông tin về phát triển, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp, hợp tác xã, như: Thiết bị máy bay không người lái có thể phun thuốc bảo vệ thực vật với trọng lượng 40 kg/lần bay, thời gian phun thuốc/ha tương đương với 5 lao động phổ thông/ngày; nếu dùng máy để gieo sạ sẽ giúp giảm 40-50% lượng giống gieo sạ/ha và thêm ưu thế về độ đồng đều hơn sạ bằng phương pháp khác; trường hợp sử dụng máy để bón phân vi sinh (loại phân vi sinh không dùng đạm hóa chất, chỉ sử dụng đạm từ cá và đạm đậu nành) vừa hỗ trợ cây lúa giảm ngã đổ, vừa tiếp cận công nghệ chứng nhận carbon thấp và thu thập số liệu một cách khách quan, đồng thời minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, cung cấp thông tin để cấp mã số vùng trồng. Hoặc phần mềm mã hóa hồ sơ dữ liệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) giúp cơ sở tiết kiệm khoảng 10.000.000 đồng so với chi phí phải bỏ ra để hoàn tất hồ sơ bằng bản giấy như hiện nay; phần mềm còn giúp minh bạch đầu vào của sản phẩm, minh bạch hệ thống phân phối, truy xuất nguồn gốc, từ đó hạn chế sản phẩm khác có thể núp bóng hoặc làm giả hoặc làm nhái; hỗ trợ xúc tiến, giảm chi phí thương mại, hỗ trợ đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị,…  

          Diễn đàn lần này với mong muốn tìm ra “đáp số” cho ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Qua Diễn đàn còn cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi số, chưa có hệ sinh thái thông tin thị trường, chưa có sự liên thông giữa hàng hóa sản xuất và nhu cầu thị trường. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng qua các sàn thương mại điện tử còn thấp do thiếu kỹ năng đưa hàng lên mạng, không có nền tảng dữ liệu, định danh,… Trước biến động của thị trường, biến đổi trong xu hướng tiêu dùng đang diễn ra mạnh mẽ, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa sản phẩm trong và ngoài nước, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân không ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.

Bài, ảnh: Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 726
  • Tất cả: 434368