Cần chủ động tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho vât nuôi
Theo Thông báo Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, ngày 03/3/2023, đã phát hiện vi rút dại (Rabies virus) trong mẫu xét nghiệm chó tại xã Đại Phước, huyện Càng Long. Như vậy, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện các trường hợp chó bị bệnh Dại hoặc nghi bị bệnh Dại tại huyện Châu Thành, huyện Duyên Hải và huyện Càng Long. 

Heo nái bị bệnh Heo tai xanh

         Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, qua nước bọt của động vật mắc bệnh Dại dính vào vết thương,... và thường xuất hiện nhiều vào thời điểm nắng, nóng như hiện nay. Bệnh chưa có thuốc điều trị, khi người hoặc động vật mắc bệnh Dại đã có triệu chứng của bệnh thì sẽ không qua khỏi. Với diễn biến của bệnh Dại trên địa bàn tỉnh thời gian qua thì có thể thấy rằng nguy cơ bệnh Dại ở đàn chó là rất cao.

         Về các loại dịch khác trên đàn vật nuôi, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, năm 2022, đáng chú ý là bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại ít nhất 05 huyện, buộc phải tiêu hủy trên 4.600 con heo các loại. Những tháng đầu năm 2023, dịch vẫn còn tiếp tục và tái phát ở 04 huyện, số heo buộc phải tiêu hủy trên 230 con. Ngoài ra, Trạm Kiểm dịch động vật Càng Long cũng phát hiện và tiêu hủy 59 con heo nhập tỉnh có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dịch tả heo Châu Phi (ngày 28/02/2023). Theo dự báo, bệnh Dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng lây lan rộng do các yếu tố về chăn nuôi, thời tiết, vận chuyển, người dân khai báo bệnh không kịp thời,…  

Thường xuyên xích hoặc nhốt chó trong chuồng nuôi

         Bệnh Cúm gia cầm, những năm qua không ghi nhận xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm năm 2022 tại các điểm chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh, vẫn có mẫu dương tính với vi rút Cúm gia cầm H5N1. Như vậy, vi rút Cúm gia cầm H5N1 còn đang lưu hành trên đàn gia cầm của tỉnh. Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đầu năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp người tử vong do Cúm A/H5N1. Cần lưu ý, tỉnh từng có 03 người tử vong do Cúm A/H5N1 tại huyện Cầu Kè và huyện Càng Long.

Thông báo Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI

         Bệnh Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Heo tai xanh,… mặc dù được kiểm soát trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng vắc xin quá thấp, kể cả vắc xin Dại và Cúm gia cầm. Cụ thể, kết quả tiêm phòng vắc xin năm 2022 so với tổng đàn, Cúm gia cầm chỉ đạt khoảng 45%, Lở mồm long móng 40%, Viêm da nổi cục 54%, Dại (chó) 15%,…

          Trước tình hình trên, người dân cần chủ động tăng cường phòng, chống dịch bệnh bảo vệ vât nuôi bằng cách thực hiện chăn nuôi an toàn theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và đồng thời, áp dụng các biện pháp như:

         - Đối với chó, mèo cần: Khai báo khi nuôi chó, mèo. Thường xuyên xích hoặc nhốt chó trong chuồng nuôi, không được thả rông, để chó cắn người. Khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm và có người dắt. Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại định kỳ. Nếu phát hiện chó, mèo nghi, mắc bệnh Dại cần báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y để xác minh và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Trường hợp người bị chó, mèo cắn,… phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và để được hướng dẫn cách xử lý.

          - Đối với gia súc gia cầm, thực hiện tốt “5 không”, đó là: Không giấu dịch, Không mua gia súc, gia cầm mắc bệnh. Không bán chạy gia súc, gia cầm bệnh. Không vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng dịch. Không vứt xác gia súc, gia cầm bệnh, nghi bệnh bừa bãi ra môi trường./.

Bài, ảnh: Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 732
  • Tất cả: 434374