Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất nấm bào ngư
Nấm bào ngư còn có tên gọi khác là nấm sò, nấm dai, là đối tượng cây trồng trồng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện ẩm độ không khí cao, nhất là vào mùa mưa. 

Bịch phôi nâu bị nhiễm mốc xanh           

         Trồng nấm bào ngư thực ra không khó, yêu cầu về kỹ thuật khá đơn giản, trồng và chăm sóc nấm bào ngư đúng cách cho ra những tai nấm chất lượng và năng suất cao…Tuy nhiên để tạo ra sản phẩm chất lượng và năng suất cao nông dân cần lưu ý các yếu tố sau:

         1. Phôi nấm: bịch phôi nấm bào ngư là yếu tố quan trọng liên quan đến sự thành công của một vụ nấm, bịch phôi nấm có hai dạng.

         - Bịch phôi nâu: là phôi sau khi cấy meo xong là giao ngay để người mua tự ủ, ở phương thức này rủi ro rất cao vì có thể do kỹ thuật hoặc giàn trại không đạt chuẩn để ủ bịch. Tỷ lệ hao hụt khi tự ủ, nhẹ thì 10% nặng hơn là 20%, nếu không thuận lợi có thể tới 30 - 40%… cho ra nấm khi ủ tơ 65-70 ngày tính từ lúc bắt đầu cấy meo, loại bịch phôi này dành cho nông dân đã có nhiều kinh nghiệm,.

         - Bịch phôi trắng: là phôi đã được ủ và tơ đã kéo trắng mang về treo khoảng 30-35 ngày sau có thể cho ra nấm, rủi ro hao hụt ít hơn so với bịch nâu ở trên, nông dân mới trồng nên ưu tiên mua bịch phôi trắng về trồng.

          2. Trại trồng nấm: Trại trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí, tốt nhất mái được lợp lá và nền đất, nền bằng xi măng hoặc trải đá với cát bên dưới mục đích để giữ độ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển. Khi bước vào trại có cảm giác mát so với môi trường bên ngoài, cần khử trùng trại bằng vôi bột trước khi tiến hành nuôi trồng, xung quanh trại trồng cần phải che vải hoặc bạc để tránh nắng rọi trực tiếp, mưa dột hoặc gió lùa quá mạnh, bên trong che lưới tránh sự xâm nhập của côn trùng.

Bịch phôi trắng tơ nấm phát triển tốt

         Độ ẩm môi trường không khí nơi trồng đạt 80-90%. Nhiệt độ thích hợp 25-320C, nhiệt độ tối ưu 27-280C. Ánh sáng khuyếch tán (có thể đọc sách được) đây là điều kiện thích hợp nhất để quả thể của nấm hình thành và phát triển.

           3. Cách xếp bịch phôi: Những bịch phôi nấm được xếp trên các kệ hoặc treo dưới thanh ngang, không chất chồng lên nhau quá nhiều lớp, đối với xếp kệ mỗi tầng nên chất từ 4 - 5 dòng, và treo thành từng khối mỗi dây có thể treo từ 10 - 15 bịch phôi, bịch cuối cùng cách mặt nền 30 cm, lối đi giữa các kệ, khối 8,0-1m, đảm bảo độ thông thoáng, nếu trồng nấm với mật độ quá dày và gần nhau làm tơ bị ngộp và chết.

            4. Giai đoạn ủ phôi :

         - Trong thời gian ủ phôi không được tưới nước lên bịch, nhiệt độ môi trường ổn định 25-280C và độ ẩm không khí 65-70% là thích hợp nhất. 

         - Thường xuyên kiểm tra bịch phôi, phát hiện bịch phôi có nhiễm mốc xanh, mốc đen. Nếu trồng ít rút các cục phôi mốc xanh ra, cách ly loại bỏ hẳn khỏi trại, trồng với số lượng vài chục ngàn bịch, nằm ở dưới, rút ra khá tốn thời gian cho nên có thể đậy nắp cổ phôi lại để tránh lây sang các bịch khác.

         - Tránh ánh nắng trực tiếp và mưa tạt vào bịch phôi. Nếu thời tiết bên ngoài quá nóng vào mùa nắng, nhiệt độ trong nhà trại tăng cao, bí hơi và thiếu oxy làm bịch phôi bị đọng hơi nước và tơ nhả nước vàng hoặc do khi tưới nước chui vào trong bịch phôi. Hiện tượng này sẽ làm nấm khó ra hoặc ra nấm xấu ở những đợt đầu, có thể hạ nhiệt bằng cách tưới nước nền, vách, mái đảm bảo nhiệt độ và ẩm độ cho tơ phát triển.

         5. Thời điểm bịch phôi cho ra nấm: đây là yếu tố quan trọng mà nông dân trồng nấm cần quan tâm, liên quan đến sản lượng nấm ra nhiều hay ít trong một vụ.

         - Khi thấy tơ đã ăn trắng đến đáy bịch phôi (bịch phôi tơ lên màng) hoặc thấy tỷ lệ nấm bối ra khoảng 10 – 15 %.

         - Liên hệ cơ sở cung cấp giống để biết chính xác ngày tháo giấy báo và rút bông ở cổ phôi ra (thông thường bịch phôi nâu 65-70 ngày; bịch phôi trắng 30-35 ngày) sau đó tiến hành chăm sóc và tưới đón nấm.

         6. Thu hoạch nấm

         Thu hoạch nấm bào ngư nên chọn lúc tai nấm vừa chuyển sang dạng lá, mũ nấm phát triển không quá 5 - 8cm, lúc này nấm có sự nhảy vọt về khối lượng, chất lượng nấm sẽ ngon và cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu thu hoạch nấm quá lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng ở các đợt tiếp theo.

            Thu hoạch nấm bào ngư khi tai nấm

             chuyển sang dạng lá 5-8 cm chất lượng ngon nhất

          Do đặc tính của nấm bào ngư sẽ có 1 cụm tai nấm nằm trong cổ bịch phôi. Nếu không biết cách hái nấm, nấm sẽ bị gãy chân ở ngay đầu cổ bịch. Vì thế sau khi thu nấm xong nên vệ sinh ngay trong ngày, càng sớm càng tốt. Tránh để các gốc nấm còn sót lại khi tưới nước dễ làm thối nhũn trong bịch, gây mốc và làm hư phôi nấm./.

Bài, ảnh: Hà Tuấn

Trung tâm Khuyến nông

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 35
  • Trong tuần: 743
  • Tất cả: 434385