Biện pháp quản lý bệnh thán thư trên cây ớt trong mùa mưa
Hiện nay tỉnh Trà Vinh đã bước vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho nhiều nấm bệnh phát triển mạnh, nhiều loại cây trồng xuống giống vào mùa mưa trong đó có cây ớt. Ớt là loại cây gia vị có mặt trong các bữa ăn của nhiều gia đình và là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong mùa mưa.

Bệnh thán thư gây hại trên trái giai đoạn gần thu hoạch 

         Mặc dù việc trồng ớt trái vụ giá bán cao nhưng cũng có nhiều bất lợi. Tuy nhiên để trồng ớt mang lại hiệu quả đòi hỏi nông dân phải nắm vững kỹ thuật canh tác, gieo trồng đúng thời vụ, nắm bắt thị trường nhất là vào mùa mưa, nếu quản lý tốt sâu bệnh đặc biệt là bệnh thán thư sẽ đem lại lợi nhuận không nhỏ cho người trồng ớt.

         Nấm bệnh thán thư sinh trưởng, phát triển thích hợp ở điều kiện nhiệt độ 28 – 30C, môi trường có ẩm độ cao. Bệnh thán thư gây hại trên tất cả các bộ phận của cây ớt như thân, lá và trái.

         Trên lá, vết bệnh hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định, xếp theo chiều dài của gân lá. Lúc đầu, vết bệnh ở mặt dưới lá có màu nâu nhạt, sau chuyển màu nâu sậm, có viền đỏ, lan rộng và lõm sâu.

         Trên cuống lá và thân cây vết bệnh cũng lõm xuống tạo thành vết dọc màu nâu đen. Cây bị bệnh kém phát triển, lá vàng và rụng sớm.

         Thiệt hại nặng nhất trên trái ở giai đoạn gần thu hoạch. Tuy nhiên thời gian gần đây bệnh thán thư đang có chiều hướng phát sinh và gây hại sớm hơn ngay cả khi trái còn non. Đây là bệnh hại nghiêm trọng xuất hiện tại nhiều vùng trồng ớt của nước ta, có thể gây thiệt hại năng suất lên tới 50% hoặc làm mất trắng vụ ớt. Bệnh có thể gây hại cả trong mùa khô nếu gặp điều kiện ẩm độ cao có sương mù hay tưới nước nhiều và tưới liên tục. Trên trái vết bệnh là những đốm tròn nhỏ có màu xanh đậm, lõm xuống, hơi ướt, sau vài ngày vết bệnh lớn dần có dạng hình thoi đến bầu dục, màu vàng nhạt đến trắng xám hoặc đen, các vết bệnh liên kết lại với nhau sẽ làm cho trái bị thối, vỏ khô, rồi chuyển sang màu nâu xám hay xám, bên trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm nhô lên, có những chấm nhỏ li ti màu vàng. Để hạn chế nấm bệnh thán thư gây hại nông dân cần áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp sau:

         - Chọn giống kháng bệnh, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng (thu gom thân, lá và trái bị bệnh đem thiêu hủy.

         - Bón phân cân đối giữa N,P,K, đặc biệt không nên bón thừa phân đạm (N), nếu dư thừa sẽ làm bệnh thán thư phát triển nặng thêm.

         - Ngoài cung cấp vôi trong quá trình làm đất, lên liếp, tăng cường bổ sung Canxi-Bo và Silic cho cây bằng cách phun qua lá.

         - Không nên trồng ớt quá dày, mùa mưa nên trồng mật độ thưa, bố trí hàng đơn, tạo thông thoáng cho cây, nên cắt bỏ những cành, nhánh sát mặt đất, gom hết lá vàng, trái bệnh đem tiêu hủy để tránh phát tán mầm bệnh.

         - Trong mùa mưa cần lên líp cao, thoát nước tốt, không để cây bị ngập úng.

         - Luân canh với cây trồng khác họ (cà, ớt…), không trồng liên tục nhiều vụ ớt trên năm.

         - Thường xuyên thăm ruộng ớt, xử lý kịp thời khi thấy vết bệnh vừa xuất hiện, phun thuốc trừ bệnh có chứa hoạt chất Azoxystrobin (Amistar 250SC), Metomenostrobin (Ringo-L), Chlorothalonil (Daconil 500SC)…

         Ớt là loại rau được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. 

Bài, ảnh: Hà Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 708
  • Tất cả: 434350