Tập huấn kỹ thuật phòng trị nấm và bệnh tuyến trùng trên cây ổi
Ngày 22/04/2021, tại Nhà Văn Hóa ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi huyện Cầu Kè. Hội Thủy Sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh, Hội Làm vườn huyện Cầu Kè, Ủy ban nhân dân xã Tam Ngãi, mở lớp tập huấn phòng trị nấm và bệnh tuyến trùng trên cây ổi. 

Hình ảnh tại buổi tập huấn

          Đến dự buổi tập huấn có ông Nguyễn Hùng Mận – Phó chủ tịch Thường trực Hội Thủy Sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh; ông Trương Văn Thương - Cán bộ kỹ thuật Trung Tâm Khuyến Nông; bà Huỳnh Thị Thu Nhiệm – Chủ tịch Hội làm vườn huyện Cầu Kè; Cùng 30 bà con hội viên nông dân trồng ổi trên địa bàn ấp Giồng Nổi tham dự.

         Hiện nay trên địa bàn ấp Giồng Nổi nhiều hội viên nông dân đã và đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế gia đình, trồng chủ yếu các loại cây như: Cam, bưởi da xanh, ổi...Trong đó diện tích cây ổi của ấp khoảng 09 ha.

Rễ cây ổi bị tuyến trùng

         Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay, nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đáng chú ý là xuất hiện nấm và bệnh tuyến trùng gây hại trên cây ổi ảnh hưởng đến năng xuất, sản lượng, làm chết cây. Để giúp hội viên nông dân kịp thời phát hiện và xử lý triệt để mần bệnh.Tại buổi tập huấn ông Trương Văn Thương cán bộ kỹ thuật Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh khái quát lại quy trình kỹ thuật trồng cây ổi, một số bệnh thường gặp sau đó tập trung trao đổi sâu vào nấm và bệnh tuyến trùng, đối tượng bệnh mà hội viên nông dân đang quan tâm. Một số lưu ý về bệnh tuyến trùng, đối tượng bệnh đang gây hại trên nhiều diện tích.

         * Bệnh tuyến trùng:

         Tuyến trùng trên rễ ổi cũng giống như trên cây trồng khác. Mà hiện nay rất nhiều hội viên nông dân còn bỡ ngỡ và lúng túng với việc phòng trừ loài dịch hại này, bởi trước đây ít để ý đến vì chúng không mấy khi gây hại cây trồng.

        * Nguyên nhân:

         Bệnh do tuyến trùng Meloidogyne incognita gây ra. Chúng phát triển và gây hại chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Do đó, trong điều kiện khí hậu ở ĐBSCL, loài tuyến trùng này đang ngày càng trở nên phổ biến và gây hại trầm trọng trên các vườn ổi xen canh hoặc chuyên canh.

         Tuyến trùng là một tác nhân mở đường cho sự xâm nhập của nấm gây hại gây ra nguyên nhân thối rễ do nấm.

         *Triệu chứng:

         Quan sát bộ rễ sẽ dễ dàng thấy trên hệ thống rễ xuất hiện những nốt u bướu, lâu ngày những khối u bướu sẽ bắt đầu thối rữa. Bệnh nặng các rễ bị bướu bị thối gần hết nên có thể nắm và nhổ cây lên dễ dàng.

          Cây ổi bị nhiễm tuyến trùng bướu rễ sinh trưởng kém, héo úa, thiếu sức sống, lá nhỏ, bị nâu tím ở hai bên rìa lá. Vì tuyến trùng cản trở sự hút nước và chất dinh dưỡng của cây nên một số trường hợp ta sẽ thấy lá bị xoắn, vàng lá, rụng lá sớm, chết mầm. Chúng thường không gây ra chết cây ngay, nhưng làm cho cây trồng không thể phát triển bình thường, còi cọc và những triệu chứng cũng không xuất hiện đồng đều trên toàn vườn do mật độ phân bổ tuyến trùng không đều.

         Không những thế, chúng còn tạo ra các vết thương khác nhau trên rễ cây. Gián tiếp “mở đường” cho các vi sinh vật có hại khác xâm nhập dể dàng hơn, khả năng cây bệnh cao hơn. Thậm chí là truyền vi rút gây hại cho cây. Có thể nói rằng tuyến trùng là nền tảng dẫn đến các loại bệnh hại khác trên cây. Theo nguyên lý cây yếu – hệ miễn dịch/sức đề kháng của cây không có dẫn đến không thể kháng lại các loại bệnh hại khác.

         *Phòng và trị bệnh:

         Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời.

         Bón phân cân đối cho cây trồng: Cần ưu tiên nguồn phân chuồng để bón cho cây nhằm duy trì hệ vi sinh vật có ích và làm kết cấu đất được tốt hạn chế tuyến trùng tồn tại, gây hại. Không lạm dụng phân hóa học đa lượng (đạm, lân, kali) để thúc cây lớn nhanh, bón bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng cần thiết cho cây trồng....

         Cần kiểm tra PH đất định kỳ để có cách xử lý kịp thời sao cho đất trồng không bị chua, pH= 6-7 là thích hợp cho cây ổi phát triển. 

         Nếu đã xác định có mặt tuyến trùng trong đất và gây hại cây trồng cần khẩn trương tiêu hủy cây bị bệnh nặng và xử lý đất trồng bằng một trong các loại thuốc hóa học đặc trị tuyến trùng như: Tervigo 020 SC, Suphu 10 GR, Kaido 50 WP, Velum Prime 400 SC,… (liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo).

         Qua buổi tập huấn tất cả hội viên nông dân đã tiếp thu được những kiến thức cơ bản mà cán bộ chuyên môn đã truyền đạt, hội viên nông dân có thể về áp dụng thực tế trên vườn ổi của mình, tiêu diệt được mầm bệnh, duy trì được diện tích ổi, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, thân thiện với môi trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp bán được giá cao giúp hội viên nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Những ý kiến thắc mắc xung quanh về nấm và bệnh tuyến trùng đều được giải thích tận tình thỏa đáng.

         Kết thúc lớp tập huấn, ông Nguyễn Hùng Mận – Phó chủ tịch thường trực Hội thủy Sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh phát biểu ghi nhận sự quan tâm của hội viên nông dân về quản lý dịch bệnh trên cây ổi, kịp thời phản ánh để Hội tổ chức tập huấn nhằm mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên nông dân kịp thời xử lý triệt để dịch bệnh, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao trong gian tới./.

 

Tin, ảnh: Văn Hiển

Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 363
  • Tất cả: 434525