Rừng phi lao phòng hộ ven biển Trà Vinh
Là một trong 11/13 tỉnh có rừng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trà Vinh có diện tích rừng xếp thứ 6/11 tỉnh, với trên 9.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng/diện tích đất tự nhiên là 3,7% xếp thứ 4/11 tỉnh (xem Bảng 1)[[i]].

Rừng Trà Vinh phần lớn là trồng mới, trên 6.000 ha (chiếm 66,67%), gồm rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu[[i]] có vai trò chống gió hạn, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm mặn của biển, chắn sóng lấn biển, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển[[ii]].

          Bảng 1. Diện tích rừng và độ che phủ rừng của các tỉnh ĐBSCL (2018)

TT

Đơn vị

Tổng diện tích rừng (ha)

Tỷ lệ che phủ rừng/diện tích đất tự nhiên (%)

Ghi chú

 

Cả nước

14.491.300

41,7

 

 

ĐBSCL

243.100

5,3

 

1

Trà Vinh

9.000

3,7

 

2

Long An

22.500

4,3

 

3

Tiền Giang

2.600

1,0

 

4

Bến Tre

4.200

1,6

 

5

Đồng Tháp

6.100

1,5

 

6

An Giang

13.700

3,3

 

7

Kiên Giang

70.500

10,7

 

8

Hậu Giang

3.100

1,5

 

 

 

 

 

 

9

Sóc Trăng

11.100

2,8

 

10

Bạc Liêu

4.700

1,8

 

11

Cà Mau

95.500

18,3

 

12

Cần Thơ

-

-

 

13

Vĩnh Long

-

-

 

Nguồn: https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=717, truy cập ngày 20/01/2020

Tỉnh Trà Vinh có trên 65 km bờ biển phần lớn được bảo vệ bằng cây Phi lao rộng từ 50 đến hơn 100 m[[iii]]. Cây Phi lao được trồng đã nhiều năm và luôn được trồng mới, bổ sung hàng năm từ vận động người dân hiến đất trồng rừng, do người dân tự bỏ vốn đầu tư, từ ngân sách hoặc từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, như: Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển bền vững rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020[[iv]], Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững của Chính phủ. Theo định hướng đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng/diện tích đất tự nhiên của tỉnh phấn đấu đạt 8%[[v]],...

Những ngày nắng nóng đầu năm 2020, dọc theo tuyến đường ven biển Ba Động, người dân vẫn tiến hành sản xuất rau, màu bình thường, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin hạn mặn đang xâm nhập khu vực ĐBSCL[[vi]]. Điều này được người dân lý giải, đây là hiệu quả của rừng Phi lao phòng hộ.

 

 

Rừng Phi lao tại xã Trường Long Hòa (tháng 01/2020)

 

Người dân sống lâu năm ở đây cho biết, rừng Phi lao được trồng từ những năm 1990 của thế kỷ trước, đã và đang phát huy tác dụng nhiều năm nay. Nếu như trước đây, vào mùa gió chướng, người dân khốn đốn vì nạn cát bay phủ lấp ruộng, vườn, nhà cửa và “sương muối”[[vii]] gây thiệt hại cây trồng, người dân không thể sản xuất, sinh hoạt thì nay nhờ có rừng Phi lao hiện tượng này đã không còn. Người dân có thể sản xuất quanh năm màu, dưa hấu, khoai lang, củ cải trắng,... Tình trạng xâm thực biển, sạt lở cũng giảm, người dân yên tâm làm ăn sinh sống, bởi đã có rừng Phi lao chắn gió, chắn sóng.

Người dân sản xuất bên cạnh rừng Phi lao phòng hộ (tháng 01/2020)
 Đa phần diện tích rừng đã có chủ, vì vậy, người dân rất ý thức, luôn nhắc nhở nhau trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng, không chặt phá và không cho người lạ vào chặt phá rừng, thường xuyên thu dọn thực bì (lá khô, quả khô rụng) phòng, chống cháy vào những tháng nắng nóng, do đặc điểm của rừng Phi lao là có nhiều thực bì trong mùa khô rất dễ cháy.

  Người dân cũng cho biết, rừng Phi lao trồng nhiều lớp và được trồng thay thế, bổ sung thường xuyên. Có thời điểm rừng Phi lao bị sâu bệnh tấn công hoặc lớp ngoài cùng ven biển bị sóng đánh gây một số thiệt hại về diện tích, nhưng đều này không đáng lo vì có thể khắc phục. Điều quan ngại nhất là nếu như diện tích rừng tiếp tục bị xâm lấn để xây các công trình, dự án thì dẫn đến nguy cơ rừng bị thu hẹp, không còn rừng. Rất cần có giải pháp giữa lợi ích phát triển kinh tế hài hòa với lợi ích phát triển rừng.

 “Rừng không còn”, là quan ngại chính đáng của người dân, đặc biệt trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hiện nay. Thực tế cho thấy, không có rừng phòng hộ bảo vệ, người dân ven biển đã hơn một lần bị mất mát tài sản, đất đai và ngay cả sinh mạng cũng bị đe dọa do triều cường, sóng dữ, sạt lở hoặc do biển lấn.



[[i]] Quyết định số 2540/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh dến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

[[ii]] Rừng phòng hộ. https://vi.wikipedia.org/wiki/R%E1%BB%ABng_ph%C3%B2ng_h%E1%BB%99, truy cập ngày 07/02/2020

[[iii]] Rừng phi lao phòng hộ ven biển Trà Vinh chết dần (2014), https://www.thiennhien.net/2014/10/27/rung-phi-lao-phong-ho-ven-bien-tra-vinh-chet-dan/, truy cập ngày 20/01/2020

[[iv]]  Phúc Sơn (2016), Trà Vinh trồng mới gần 230 ha rừng phòng hộ ven biển, https://dantocmiennui.vn/xa-hoi/tra-vinh-trong-moi-gan-230-ha-rung-phong-ho-ven-bien/114709.html, truy cập ngày 20/01/2020.

[[v]] Quyết định số 2540/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh dến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

[[vi]] Tỉnh Trà Vinh có ó trên 5.000 hộ dân bị thiệt hại hơn 3.500ha lúa Đông Xuân, trong đó khoảng 900ha bị thiệt hại trên 70% tại hai huyện Trà Cú và Cầu Ngang; tỉnh Cà Mau, đã có khoảng 16.500ha lúa - tôm bị thiệt hại do độ mặn tăng cao. Hơn 12.000 ha có nguy cơ bị mất trắng bởi khô hạn.  Thiệt hại hàng nghìn ha lúa do hạn mặn tại ĐBSCL, https://vtv.vn/trong-nuoc/thiet-hai-hang-nghin-ha-lua-do-han-man-tai-dbscl-20200209132409921.htm, truy cập ngày 10/02/2020.

[[vii]] Theo người dân giải thích, đây là hiện tượng sau một đêm nhà cửa, cây trồng gần biển bị phủ một lớp muối biển.

Bài, ảnh: Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 669
  • Tất cả: 434399