Xuân về trên quê hương nông thôn mới huyện Càng Long
Một mùa xuân mới lại về, không khí xuân rạo rực, tươi vui len lỏi ngõ của mọi nhà, hiện hữu trên từng đường quê, ngõ xóm. Trong hơi ấm của mùa xuân, huyện Càng Long như bừng lên sức sống mới với những công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, khang trang,.. thành tựu đó có được là do sự chung sức đồng lòng của toàn đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện nhà trong thực hiện và xây dựng huyện nông thôn mới.

         Nhìn lại 10 năm của quá trình xây dựng nông thôn mới (2010 -2020), chúng ta càng cảm thấy rất tự hào với những thành quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã dài công phấn đấu xây dựng, để có kết quả rất phần khởi như ngày hôm nay. Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh Trà Vinh, huyện Càng Long khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở xuất phát điểm thấp. Đặc biệt sau khi tiến hành rà soát các tiêu chí xã nông thôn mới, huyện Càng Long mới đạt bình quân 5/19 tiêu chí/xã. Trước thực trên, đã đặt ra thách thức lớn đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, là phải làm sao thống nhất chung mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của đảng và sự điều hành của nhà nước, trên tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để đưa huyện Càng Long trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2020.

         Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ ( giai đoạn 2010 -2020) đó là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

         Sau 10 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Càng Long đã thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong 10 năm qua. 

         Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Đó là:

         Làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn;  có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực sự là tiềm năng, thế mạnh của huyện nhà trong thời gian qua.

         Càng Long với Phong trào cùng “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi toàn huyện. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

         Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2019 đạt 46 triệu đồng/người/năm, tăng 33 triệu đồng so năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 15,09% năm 2011 xuống còn 1,73% năm 2019 và năm 2020 ước còn 1,08%,khoảng cách phát triển giữa nông thôn – thành thị từng bước được thu hẹp.

         Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 84%. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định. Đã hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của mỗi địa phương, dần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất từng bước được hình thành ngày càng phát triển (chuỗi giá trị dừa, quýt đường, cây lác,…). Hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Đến năm 2020, huyện có 18 HTX nông nghiệp có 1.632 thành viên; và 202 tổ kinh tế hợp tác. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng phát triển góp phần việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay huyện đã có 02 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, dự kiến trong năm 2020 sẽ có thêm 03 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

         Chương trình MTQG xây dựng NTM đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội với hơn 2.127 tỷ đồng (bình quân mỗi năm quy động trên 200 tỷ đồng), trong đó quy động sự đóng góp từ trong dân quy đổi thành tiền khoảng 195 tỷ đồng, chiếm 9,17%.

         Trong 10 năm thực hiện Chương trình, người dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội, nhờ đó mà hàng trăm km đường giao thông nông thôn được xây dựng nhưng không phải đền bù, giải phóng mặt bằng.

         Chương trình MTQG xây dựng NTM là chương trình được sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nên hiệu quả đạt rất cao, bám sát hơn với thực tiễn, hình thành nhiều mô hình tiêu biểu và có sức lan tỏa rộng.

         Trong cả giai đoạn 2010 – 2020, Huyện ủy đã ban hành các Nghị quyết và Kế hoạch quan trọng, trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trong đó có Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 30/11/2011 của Huyện ủy Càng Long về việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Kế hoạch số 28-KH/HU ngày 22/7/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long về việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện và tạo nền tảng vững chắc và là đòn bẩy để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.

         Đến nay huyện đã có 13/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt 100%; có 95/111 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới, đạt 85,58%; có 33.330/35.839 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, nông thôn mới, đạt 93% và huyện Càng Long đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đã đề nghị Trung ương đến kiểm tra, xem xét công nhận trong năm 2020.

         Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Chương trình NTM vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

         Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

         Môi trường nông thôn tuy được quan tâm nhưng chưa thực sự chuyển biến rõ nét, vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải của các hộ sản xuất kinh doanh, hộ nuôi trồng thủy sản, đa số chất thải là xả thải trực tiếp ra môi trường chưa qua khâu xử lý, đây là nguy cơ làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Các loại tệ nạn xã hội ở nông thôn vẫn tồn tại và diễn biến từng lúc, từng nơi còn phức tạp.

         Một số địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chưa chú trọng đến phát triển kinh tế nông thôn. Tỷ lệ nông sản, sản xuất theo các tiêu chuẩn còn hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại nông thôn, thu mua nông sản, chế biến và cơ giới hóa còn chưa đồng bộ; áp dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Ở một số địa phương, vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn chưa thực sự được phát huy, nhất là trong công tác bảo vệ môi trường chung ở nông thôn.

          Nguyên nhân của những tồn tại trên là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng NTM. Một số nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM của một số địa phương cũng còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện Chương trình; Ngoài ra, công tác huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình còn một số hạn chế, nên nguồn lực được ưu tiên nhiều cho các xã phấn đấu về đích mà thiếu tập trung đầu tư cho các xã khó khăn có suất đầu tư lớn và khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và cư dân thấp.

         Từ những thành tựu và tồn tại trên từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đã có những kinh nghiệm được rút ra như sau:

         Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành cần được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ việc tuyên truyền được chú trọng nên đã hình thành phong trào hành động ở địa phương, huy động được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM.

         Thứ hai, vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức hội đoàn thể, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là yếu tố then chốt để đạt kết quả xây dựng NTM ở địa phương. Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện cần xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành.

         Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của người dân, tính gương mẫu, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên. Điều này quyết định đến sự thành công của xây dựng NTM ở địa phương.

         Thứ tư, tiếp cận Chương trình MTQG xây dựng NTM phải từ cơ sở, từ nhu cầu thiết thực của người dân và sự phát triển của địa phương. Thường xuyên bám sát thực tiễn, sơ kết, tổng kết để kịp thời chỉ đạo, điều hành./.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Á

Phòng NN&PTNT huyện Càng Long

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 669
  • Tất cả: 434399