Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Nhằm mục đích thông tin những định hướng quan điểm, yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương; trao đổi phổ biến những thông tin, vấn đề mới trong nông nghiệp nhất là NTM, phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn, vấn đề hợp tác, hợp tác xã, cơ giới hóa đồng bộ, quản lý chất lượng nông sản, khuyến nông cộng đồng,… Trong hai ngày 15 và 16/02/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 bằng hình thức trực tiếp (tại Hải Phòng) và trực tuyến tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM trung ương,

Chủ trì Hội nghị, phát biểu khai mạc (Ảnh chụp qua màn hình)

         Các chuyên đề trình bày tại Hội nghị, gồm: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với tổ chức lại sản xuất - kinh doanh nông nghiệp và liên kết chuỗi giá trị nông sản; Định hướng phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn tại địa phương; Một số công cụ hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn; Phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; Đảm bảo chất lượng, an toàn, minh bạch hệ thống thực phẩm; Những vấn đề phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng NTM. Các chuyên đề đã khái quát được thực trạng, những tồn tại, bất cập và đinh hướng (cụ thể và những nội dung mới) về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

         Thông tin tại Hội nghị, Chương trình NTM đến năm 2020 đã có trên 73,08% tổng số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 937 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 110 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện của 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt chuẩn NTM đạt khoảng 40% đơn vị cấp huyện toàn quốc, 18 địa phương cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Xây dựng NTM thời gian qua có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực theo chiều sâu, hiệu quả, bèn vững. Trong đó, vấn đề giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được chú trọng. Vị trí nông thôn đã có sự thay đổi lớn tác động trực tiếp đến thu nhập, đời sống nông thôn.

Trường Trung học cơ sở Hiệp Mỹ Tây thuộc huyện Cầu Ngang

tại thời điểm kiểm tra huyện đạt chuẩn NTM (năm 2022)

         Chương trình OCOP đạt kết quả nổi bật, toàn quốc đã có 8.867 sản phẩm OCOP của hơn 4.500 chủ thể. Sản phẩm OCOP đang khơi dậy tiềm năng, đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, đạt được nhiều chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm, góp phần chuyển dịch, phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

          Mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025). Các cơ chế và giải pháp thực hiện Chương trình được nêu cụ thể, như: Cơ chế phân bổ vốn ngân sách trung ương, Cơ chế đầu tư thực hiện các công trình, dự án thuộc Chương trình, Giải pháp về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, Giải pháp về hoàn thiện khung khổ pháp luật, hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; Giải pháp về huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình,…

Đường giao thông xã NTM, xã Long Đức (thành phố Trà Vinh)

         Tại tỉnh Trà Vinh, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, đến năm 2022, có 85 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), 35 xã đạt NTM nâng cao, 08 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Về Chương trình OCOP, công nhận 187 sản phẩm OCOP của 129 chủ thể, trong đó 09 sản phẩm tiềm năng 05 sao, 37 sản phẩm 04 sao và 141 sản phẩm 03 sao.

          Mục tiêu cụ thể của Đề án xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025 (kèm theo Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh), phấn đấu trước năm 2025 tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% huyện đạt chuẩn NTM, 20% huyện NTM nâng cao. Các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Đề án, như: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu; thực hiện các nội dung xây dựng NTM, Chương trình trọng điểm và các khâu đột phát trong xây dựng NTM. Tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2022-2024 khoảng 16.000 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trực tiếp xây dựng Chương trình, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng. Về sản phẩm OCOP, dự kiến đến năm 2025 tỉnh có khoảng 03 sản phẩm tiềm năng 05 sao, ít nhất 01 dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với chuỗi sản phẩm OCOP, củng cố và nâng cấp ít nhất 60% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng,...

Bài, ảnh: Trần Văn Đoái

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 660
  • Tất cả: 434390