Phải xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo làm lây lan dịch bệnh
Sáng ngày 20/12/2021, tại Hội trường Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò và bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, tham dự cuộc họp. 

Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo,

phát biểu tại cuộc họp

          Tại thời điểm 01/10/2021, toàn tỉnh có 220.500 con bò, 252 con trâu, 18.929 con dê, 242.184 con heo và 6.808.650 con gia cầm. Từ đầu năm 2021 đến nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, gồm: Bệnh Lở mồm long móng, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh Dịch tả heo Châu Phi và bệnh Dại chó.

         Bệnh Lở mồm long móng, xảy ra vào quý 1/2021 tại huyện Trà Cú và thành phố Trà Vinh, số bò nghi mắc bệnh là 14 con, chết 01 con. Công tác tiêm phòng vắc xin đối với bệnh Lở mồm long móng được 103.137 con gia súc (heo, trâu, bò, dê), đạt 28,70% kế hoạch.

Bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò, xảy ra từ tháng 8/2021, tại 68 xã, phường, thị trấn của các huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang, huyện Châu Thành, huyện Cầu Kè, huyện Càng Long, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Tổng số có 3.633 con bò nghi, mắc bệnh, chết 718 con, tiêu hủy 735 con, trọng lượng tiêu hủy 129.973,4 kg. Công tác tiêm phòng vắc xin đối với bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò được 215.054 con bò, đạt 99,11% diện tiêm.

Thành viên tham dự cuộc họp

 

         Bệnh Dịch tả heo Châu Phi, xảy ra từ tháng 9/2021, tại 23 xã, phường, thị trấn của các huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang, huyện Châu Thành, huyện Cầu Kè và huyện Càng Long. Tổng số có 1.506 con heo nghi, mắc bệnh, chết 161 con, tiêu hủy 1.830 con, trọng lượng tiêu hủy 125.436 kg. Bệnh Dịch tả heo Châu Phi chưa có vắc xin tiêm phòng, vì vậy phòng bệnh chủ yếu bằng áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

         Bệnh Dại chó, xảy ra trong quý 1/2021 tại huyện Cầu Kè và huyện Càng Long, với 02 trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, có một trường hợp chó nghi chó mắc bệnh cắn nhiều người ở huyện Châu Thành (tháng 10/2021), do chó đã bị giết nên không lấy được để mẫu xét nghiệm. Công tác tiêm phòng vắc xin đối với bệnh Dại chó được 16.174 liều, đạt 10,37% kế hoạch.

         Một số khó khăn về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, đó là: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; chăn nuôi an toàn sinh học chưa được người chăn nuôi quan tâm; người chăn nuôi có gia súc mắc bệnh chậm khai báo và cho rằng mức “đền bù” thấp khi có gia súc bị tiêu hủy; lực lượng thú y cơ sở (xã) chưa được bố trí nên việc giám sát dịch chưa kịp thời,…

          Qua nghe báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, ý kiến của các thành viên thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, ông Lê Thanh Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và hợp tác với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Công tác tuyên truyền không chỉ tập trung cho hộ chăn nuôi mà cần tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng xung quanh để chia sẻ và có những tác động tích cực đối với hộ chăn nuôi. Xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật về trường hợp không khai báo làm lây lan dịch bệnh; giải thích cho người chăn nuôi hiểu chính sách của nhà nước nhằm “hỗ trợ” một phần cho người chăn nuôi bị thiệt hại khi có gia súc bị tiêu hủy do dịch bệnh, đây không phải là “đền bù”. Để chủ động phòng, chống và hạn chế nguy cơ xảy ra dịch, người chăn nuôi cần phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; chủ động tiêm phòng cho vật nuôi đối với bệnh đã có vắc xin phòng, không đợi đến khi dịch xảy ra mới tiêm phòng,…

         Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương cùng phối hợp, rà soát, khẩn trương công bố hết dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh Dịch tả heo Châu Phi khi đã đủ điều kiện theo Luật Thú y. Rà soát lại tỷ lệ tiêm phòng thấp ở những bệnh có vắc xin, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, nhất là nguyên nhân vì sao hộ chăn nuôi không tiêm phòng cho vật nuôi và để xảy ra dịch bệnh. Về quản lý chăn nuôi, tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X đã thông qua Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đây là cơ sở để quản lý chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, vì vậy, các địa phương cần quan tâm tổ chức, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này. Về lực lượng thú y cơ sở, Sở Nông nghiệp và PTNT cần hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp sắp tới./.

Tin, ảnh: Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 478
  • Tất cả: 434899