Nâng cao năng lực, bản lĩnh của đoàn viên, thanh niên trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị các quy định, hướng dẫn có liên quan, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Trà Vinh phối hợp cùng các ngành lựa chọn, đề xuất và tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng, qua đó kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế và sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên.

Tỉnh đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030 đối với UBND huyện Cầu Kè (ảnh: TĐTV)

         Anh Trần Trí Cường, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ trì thành lập 08 đoàn giám sát tại 37 đơn vị, tập trung vào một số nội dung như: việc thực hiện Luật Trẻ em; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn, phù hợp trẻ em”; việc triển khai Quy chế cán bộ Đoàn ban hành kèm theo Quyết định 1040-QĐ/TU của Tỉnh ủy; việc triển khai thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030... qua đó, đã kiến nghị 56 ý kiến đối với các cơ quan, đơn vị được giám sát và cấp ủy, chính quyền, cơ quan có liên quan; nhiều kiến nghị được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, ghi nhận và đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của Đoàn trong giai đoạn hiện mới, tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, Nhà nước.

         Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đưa nội dung triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” vào bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đối với đoàn cấp huyện; đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số trong công tác giám sát thông qua việc tạo “Mã QR-Code tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về giám sát cán bộ, đảng viên” và niêm yết tại trung tâm hành chính công, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Có thể nói đây là một trong những cách làm mới và rất sáng tạo của tổ chức Đoàn trong hoạt động giám sát.

         Song, Bí thư Tỉnh đoàn cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động giám sát của Đoàn trong thời gian qua còn một số mặt hạn chế như: việc tổ chức giám sát đối với cá nhân chưa nhiều, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên; năng lực, kỹ năng của cán bộ đoàn tham gia giám sát chưa cao; việc theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức...

         Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát trong thời gian tới, anh Trần Trí Cương cho biết: Trong vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục và thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp để nâng cao năng lực làm công tác tham mưu, đặc biệt là phát huy bản lĩnh trong việc tham gia giám sát, phát hiện, kiến nghị và theo dõi việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của đối tượng được giám sát và các cơ quan có liên quan.

         Bám sát vào chủ trương của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, định hướng của đoàn cấp trên, vai trò chủ trì hiệp thương của MTTQ Việt Nam và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo sự đồng bộ, đồng thuận trong cả hệ thống. Phát huy tính sáng tạo và đổi mới trong thực hiện các hình thức giám sát theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, thanh niên, những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc; phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tổ chức Đoàn và năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn các cấp.

         Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh đoàn đề nghị và mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai, quán triệt việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư “về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để nâng cao nhận thức, làm cho từng cấp ủy viên, đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu đúng, hiều đầy đủ hơn về mục đích, tính chất giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về tầm quan trọng của hoạt động giám sát trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

         Đồng thời, quan tâm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong các hoạt động giám sát (giám sát trực tiếp và giám sát thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên); thực hiện tốt trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát của Đoàn Thanh niên theo quy định, nhằm đảm bảo tính hài hòa và tăng cường sự đồng thuận của cả hai bên (chủ thể giám sát và đối tượng được giám sát)./.

Dương Văn Phương (UBMTTQ Việt Nam tỉnh)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 20
  • Trong tuần: 694
  • Tất cả: 436136