Tài liệu tuyên truyền thuốc tẩy giun

Tỉnh Trà Vinh nằm trong khu vực miền Tây Nam Bộ có điều kiện khí hậu, phong tục tập quán sinh hoạt và vệ sinh môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm đúng mức. Bệnh giun truyền qua đất được biết đến nhiều nhất và phân bố rộng rãi với tỉ lệ nhiễm khác nhau tùy theo khu vực. 

Đường lây truyền của bệnh giun đũa chó, mèo

 Nhiễm giun truyền qua đất tác động âm thầm kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của con người, ảnh  hưởng đến quá trình học tập và làm việc, gây trở ngại tới sự phát triển kinh tế. Nhiễm giun còn gây các biến chứng tại gan, mật, phổi, gây tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột, giun chui ống mật, giun chui ruột thừa ảnh hưởng đến sức khỏe lao động và sinh hoạt của người bệnh. Với phụ nữ trưởng thành và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, nhiễm giun truyền qua đất ảnh hưởng tới việc mang thai, nhiễm giun gây thiếu máu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi và trẻ sau khi được sinh ra, có thể gây đẻ non, trẻ thiếu cân, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất cao hơn như người làm nghề trồng lúa, trồng rau, hoa màu, làm rừng.

Hiện nay, trẻ ở lứa tuổi mầm non bị lây nhiễm giun kim từ bạn trong cùng lớp học, bệnh ký sinh trùng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa ở người; gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể. Bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng và gây ra những gánh nặng bệnh tật rất lớn. Nhiễm giun lươn gặp ở đa số người thường xuyên tiếp xúc với đất và không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động, nhiễm giun lươn nặng, nhiễm giun lươn lan tỏa gây suy đa phủ tạng và có thể gây tử vong.

anh tin bai

sơ đồ phát triển của giun kim

Tại một số địa phương, người dân có tập quán, thói quyen ăn gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng và rau thủy sinh chưa được nấu chín, cùng với sự gia tăng của giao lưu ẩm thực giữa các vùng miền là những yếu tố thuận lợi gây mắc các bệnh sán như sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn… trong cộng đồng. Bệnh sán lá gan nhỏ gây viêm đường mật, viêm túi mật, gây sỏi mật, xơ gan, xơ hóa đường mật, ung thư đường mật.

Mặc dù công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng cũng đã được quan tâm, tuy nhiên các hoạt động phòng chống chưa mang tính tổng thể, toàn diện chỉ mới tập trung vào hoạt động tẩy giun tại cộng đồng. Hoạt động điều trị chủ yếu tại các cơ sở y tế khi người bệnh đến khám được phát hiện hoặc có các tổn thương của cơ quan phủ tạng, do người dân tự mua thuốc tẩy giun. Việc tiến hành phòng chống bệnh ký sinh trùng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự trở thành vấn đề quan trọng và cần thiết trong hoạt động y tế và chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

1. Thời điểm nào nên uống thuốc tẩy giun là tốt nhất?

Giun là một loại ký sinh trùng, nó sống ăn bám ở đường ruột. Ở nước ta, tình trạng vệ sinh môi trường kém, vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt khiến cho nhiều người bị nhiễm giun, sán. Đối tượng nhiễm giun không chỉ có trẻ em mà còn cả người lớn nếu ăn phải các loại thực phẩm chưa được nấu chín hay bị phơi nhiễm bởi bụi, ruồi nhặng. Tình trạng về vệ sinh môi trường, vệ sinh trong ăn uống kém hơn do vậy rất nhiều người bị nhiễm các loại giun như: giun đũa, giun tóc, giun kim, giun móc và giun lươn...

Tỷ lệ nhiễm các loại giun đặc biệt là giun đũa rất là cao. Người lớn bị nhiễm giun đũa thường là do ăn các loại thực phẩm không được nấu chín hoặc là nước uống có lẫn trứng giun, thức ăn có thể bị phơi nhiễm do bụi, ruồi hoặc nhặng, gián... bám vào.

Ở trẻ em, ngoài giun đũa còn thì rất dễ bị nhiễm giun kim vì chơi nghịch đất cát có lẫn trứng giun hoặc do gãi vùng hậu môn (do giun bò ra đẻ trứng và gây ngứa) rồi lại có thể sẽ đưa tay lên miệng rồi nuốt phải trứng giun... Tình trạng nhiễm giun kéo dài rất có thể gây ra suy dinh dưỡng, cơ thể thiếu máu, thiếu sắt, hoặc các bệnh lý về gan hay phổi...

Những người đang mang thai mà nhiễm giun rất dễ khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc chậm phát triển...

Trên thị trường hiện nay thuốc tẩy giun chủ yếu có chứa hai hoạt chất chính mebendazol và albendazol, trong đó loại chứa hoạt chất mebendazol dễ sử dụng hơn. Tác động của mebendazol là bằng cách ức chế, ngăn cản lại sự tiêu thụ các chất dinh dưỡng của các loại giun. Một số loại thuốc tẩy giun phổ biến thường được sử dụng để tẩy giun định kỳ cho cộng đồng và những đối tượng nguy cơ nhiễm giun cao như: Albendazole 400mg, Mebendazole 500mg, Praziquantel 600mg, Egaten 500mg... Đây là loại thuốc không kê đơn, người dùng có thể tự mua thuốc để tẩy giun cho cá nhân và gia đình, định kỳ nên tẩy giun từ 4 đến 6 tháng trên 1 lần.

1.1. Liều dùng thuốc tẩy giun

Mebendazol không chứa độc nên liều dùng cả cho người lớn và cho trẻ em trên 2 tuổi là giống như nhau, mỗi một lần tẩy giun chỉ cần uống 1 viên duy nhất 500mg để tẩy tất cả các loại giun thông thường.

1.2. Thuốc tẩy giun dùng khi nào tốt nhất?

Thuốc tẩy giun uống lúc nào là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm. Người dùng có thể uống thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày sáng, trưa hay chiều tối, vào lúc bụng đói hay no. Khi dùng thuốc tẩy giun người dùng không cần phải nhịn ăn hoặc uống giống như dùng các thuốc trị giun cổ điển trước đây.

Tuy nhiên, để tránh những tác dụng không mong muốn (mặc dù hiếm gặp) như đau bụng lâm râm, buồn nôn... người dùng nên uống sau bữa ăn sáng. Nhưng nếu muốn thuốc phát huy tác dụng diệt giun tốt nhất thì nên uống sau bữa ăn tối 2 giờ hoặc vào sáng sớm khi bụng đói.

Lưu ý: Thuốc tẩy giun tránh dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ đang có thai, đặc biệt là ba tháng đầu của thai kỳ. Nếu người dùng có ý định muốn mang thai, thì nên chủ động tẩy giun trước ít nhất 3 tháng.

2. Uống thuốc tẩy giun đúng cách

Khi bị nhiễm giun thì nên được tẩy giun định kỳ, đối với những người lớn và trẻ nhỏ trên 2 tuổi nên tẩy giun 2 đến 3 lần trên năm, tức từ 4 đến 6 tháng 1 lần. Còn đối với những trẻ em dưới 2 tuổi có nghi ngờ nhiễm giun nên đưa bé đi khám và nghe theo sự chỉ dẫn bác sĩ để tẩy giun đúng cách.

Việc tẩy giun định kỳ giúp bạn giảm hoặc tẩy sạch được giun có trong ruột, mỗi lần tẩy giun hãy tẩy cho tất cả các thành viên có trong gia đình, để tránh các trường hợp bị lây nhiễm giun chéo.

Người dùng nên chọn thuốc tẩy giun có chứa 1 trong 2 hoạt chất là Albendazol hoặc là Mebendazol, vì chúng có phổ hoạt tính rất rộng là tẩy được nhiều loại giun, vì là loại thuốc không dùng kê đơn nên người dùng có thể dễ dàng tìm mua được ở các nhà thuốc.

Thuốc tẩy giun uống lúc nào? Thuốc tẩy giun hiện đại không yêu cầu người dùng phải để bụng đói trước khi tẩy giun nên người dùng có thể tẩy giun bất cứ lúc nào, nhưng thời điểm tốt nhất là uống vào sáng sớm khi bụng đói hoặc uống sau bữa tối khoảng 2 giờ.

Dùng thuốc sau 1 ngày, người dùng nên theo dõi phản ứng của cơ thể mình, nếu có những dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, nổi mề đay... có thể người dùng đang bị dị ứng với các thành phần của thuốc. Khi gặp các dấu hiệu này, nên nghỉ ngơi, nếu các triệu chứng này giảm dần theo thời gian thì không sao nhưng nếu cơ thể có phản ứng mạnh hơn như sốt, mệt rã rời, nôn nhiều... thì nên đến gặp bác sĩ ngay.

Không sử dụng thuốc tẩy giun cho phụ nữ đang có thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, bệnh nhân đang bị suy gan, bị nhiễm độc tủy xương hoặc có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

Để tránh tái nhiễm các loại giun người dùng nên giữ gìn vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, thường xuyên làm sạch môi trường sống như: diệt ruồi, muỗi, gián trong khu vực sinh sống, dùng thức ăn sạch, được nấu chín kỹ, rửa tay trước mỗi lần dùng bữa, hay ăn uống.

3. Những dấu hiệu cho biết đã đến lúc cần phải tẩy giun

Những dấu hiệu thường gặp mà nếu bạn quan sát sẽ thấy mình hoặc các thành viên trong gia đình, con trẻ có các biểu hiện như vậy thì nên tẩy giun ngay:

Có nhiều cơn đau bụng, tập trung ở vị trí quanh rốn, trẻ đi ngoài ra phân lỏng hoặc đặc.

Chán ăn, bỏ bữa, sụt cân, thường cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao.

Trẻ ngủ không sâu, đêm thường quấy khóc, bụng trẻ to, căng cứng. Đặc biệt là phải kể đến triệu chứng điển hình nhất của nhiễm giun kim là ngứa hậu môn.

4. Các đối tượng nào cần phải tẩy giun

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có khả năng bị nhiễm giun nhưng trẻ nhỏ là đối tượng có khả năng bị nhiễm giun cao hơn ở những người lớn.

Trẻ nhỏ thường vô tư, chưa có ý thức về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân kĩ như người lớn nên khi sinh hoạt tập thể, trong gia đình, trường mẫu giáo, mầm non trẻ rất dễ bị nhiễm giun kim. Sống ở nơi có nguồn nước bẩn, điều kiện vệ sinh kém, có thói quen đi chân trần trên đất, trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun móc, giun đũa, giun tóc.

Nếu bé có thói quen mút đầu ngón tay mà tay vốn chưa được rửa sạch thì nguy cơ nhiễm giun kim cao hơn trẻ không có thói quen này.

Người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh ký sinh trùng, giun sán góp phần bảo vệ sức khỏe cho những thành viên trong gia đình, giảm bớt gánh nặng kinh tế trong việc điều trị bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng nói chung./.

Bài, ảnh: Trường Giang

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Trà Vinh

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 363
  • Tất cả: 434525