Phát huy truyền thống “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” quyết tâm đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của đồng bằng sông Cửu Long
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, rút ra những mạnh, yếu, nguyên nhân, kinh nghiệm và định hướng mục tiêu, bước đi, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2020 - 2025. Là một tỉnh  có nhiều khó khăn, điểm xuất phát kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống Nhân dân; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, gây tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… nhưng với ý chí quyết tâm cao, phát huy truyền thống “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, kế thừa những thành tựu đạt được của các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đai hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

Thành tựu nổi bật nhất trong năm năm qua, đó là: Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân GRĐP  tăng 12,04%/năm; các khu vực đều tăng trưởng theo hướng tích cực: Khu vực I tăng 1,6%, khu vực II tăng 34,51%, khu vực III tăng 8,59%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng: Giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 29,41% (năm 2015 là 45,92%); tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lên 70,59% trong GRDP(năm 2015 là 54,08%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 65 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2020. Thu nội địa hàng năm tăng bình quân 18,89%, vượt chỉ tiêu (Nghị quyết: 17%). Năm 2020, ước đạt hơn 5.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so năm 2015. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội như: Thông luồng kỹ thuật Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, cảng nhập than; triển khai xây dựng Bến cảng tổng hợp Định An. Đầu tư nâng cấp, mở rộng 114,8 km đường tỉnh, đường huyện, đường đến trung tâm xã và 814,95 km đường nông thôn; hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật thiết yếu Khu công nghiệp Long Đức; hạ tầng thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu ngăn mặn và nguồn nước tưới tiêu khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp; điện, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phát triển khá, bảo đảm nhu cầu điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 99%; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giáo dục đào tạo, các thiết chế văn hóa – thể thao được đầu tư, nâng cấp…  Hạ tầng đô thị được đầu tư, thành phố Trà Vinh được công nhận đô thị loại II; thị xã Duyên Hải hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV. Đặc biệt với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết, đến cuối năm 2020, sẽ có 70 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 82,35% (chỉ tiêu NQ là 50%); 03 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long), thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật, thông tin, báo chí bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, kịp thời thông tin tình hình đất nước, của tỉnh, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gương người tốt, việc tốt… đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ luôn được coi trọng. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường, lớp được đầu tư (tỷ lệ phòng kiên cố đạt 87,3%) gắn với việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường và tinh giản biên chế; duy trì tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, giảng viên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn. Hoạt động khoa học và công nghệ có những chuyển biến tích cực, các đề tài, dự án nghiên cứu đi vào chiều sâu, tập trung vào phát triển ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ nét, điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa không ngừng đượcc cải thiện, nâng tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 68%, tỷ lệ dân cư thành thị được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99%. Tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, bình quân hàng năm kéo giảm 2% hộ nghèo, đặc biệt trong vùng có đông đồng bào Khmer giảm hơn 3,5%; hiện nay hộ nghèo chỉ còn 3,32%, hộ dân tộc Khmer nghèo còn 5,22%. Các chính sách đối với gia đình có công với nước được quan tâm, 99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng có những chuyên biến tích cực cả mặt nhân thức và hành động.

Quốc phòng, an ninh bảo đảm giữ vững ổn định. Công tác cải cách tư pháp đạt được những kết quả nhất định. Lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý được quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến về ý thức tuân thủ pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Năm năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, cả hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã vào cuộc, xác định những trọng tâm, trọng điểm để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương, thể hiện rõ nhất là sự tham gia của nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được xác định là nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ. Công tác chính trị, tư tưởng có đổi mới nội dung và phương pháp. củng cố và tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong Đảng bộ, sự đồng thuận của Nhân dân. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), gắn với tinh giản biên chế; vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy đúng mức. Cải cách hành chính được tập trung thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện ngày càng thực chất hơn. Phong cách, lề lối làm việc được đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở, duy trì nền nếp tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết kịp thời những bức xúc và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đặc biệt trong năm năm qua, việc triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều cách làm sáng tạo, trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và tự giác của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, qua đó, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Tăng trưởng kinh tế cao, nhưng một số lĩnh vực thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Một số vấn đề bức xúc về văn hóa - xã hội giải quyết chưa triệt để. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Trật tự, an ninh xã hội có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng, trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có những mặt còn hạn chế.

Mục tiêu trong năm năm tới, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh xác định: Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của con người Trà Vinh; chú trọng đổi mới sáng tạo, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huy động tối đa các nguồn lực, gắn với liên kết vùng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo hướng xây dựng Trà Vinh trở thành Trung tâm kinh tế biển, Trung tâm giao thương và Trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ mục tiêu nêu trên đảng bộ đề ra 5 nhóm chỉ tiêu ở các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như:

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt 09 -10%.

- Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng (tương đương 4.300 USD - tỷ giá quy đổi 1 USD = 23.200 đồng).

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 72,9% GRDP.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 05 năm đạt 160.000 tỷ đồng.

- Thu ngân sách (thu nội địa) bình quân hàng năm tăng 12%/năm.

- Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 51% xã nông thôn mới nâng cao (trong đó có 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu); 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% ; trong đó: có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Hàng năm tạo việc làm mới cho 23.000 lao động.

- Tỷ lệ giảm nghèo bình quân 1,5 - 2%/năm.

- 99 - 99,5% dân cư thành thị; 99,5% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,6% diện tích tự nhiên.

- Hàng năm có100% cơ quan, đơn vị; trên 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. Có 95% trở lên xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng.

- Hàng năm có 100% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ, có 80% trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 - Kết nạp 5.500 - 6.000 đảng viên.

Đảng bộ cũng xác định 13 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm:

 (1) Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bước chuyển nền kinh tế của tỉnh sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động, hàm lượng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

(2) Phát triển tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm giao thương và trung tâm năng lượng sạch của Đồng bằng sông Cửu Long.

(3) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế để kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

(4) Đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người.

(5) Phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

(6) Phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin và truyền thông.

(7) Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; dân số và phát triển; gia đình và trẻ em.

(8) Lao động, việc làm, thực hiện các chính sách xã hội và an sinh xã hội.

 (9) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

(10) Tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự; (10 toàn xã hội.

(11) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

(12) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, các cơ quan tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

(13) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Và 6 nhiệm vụ trọng tâm:

(1) Tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xem công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ, phân công, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu ở các cấp, các ngành là khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

(2) Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao.

 (3) Ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư để Trà Vinh trở thành Trung tâm kinh tế biển, Trung tâm giao thương và Trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

(4) Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để Trà Vinh trở thành tỉnh Nông thôn mới vào trước năm 2025.

(5) Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử   dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

(6) Tập trung củng cố quốc phòng vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”.

 Phát huy truyền thống “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, với ý chí tự lực tự cường, với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Trà Vinh sẽ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong năm năm tới, phấn đấu để Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trần Bình Trọng-UVTV Tỉnh ủy-

                   Trưởng Ban Tuyên giáo TU-Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 462
  • Tất cả: 434848