Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu nhiệm vụ: “Mặt trận và các đoàn thể chủ động đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, hướng hoạt động về cơ sở; tăng cường xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo và người có uy tín trong dân tộc.

         Thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội và đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị”. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, các cấp ủy đã tăng cường chỉ đạo việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn  thể chính trị - xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Thể hiện trên các mặt:

          - Nâng chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân

         Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể chính trị - xã hội đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng đi sâu, đi sát cơ sở; đổi mới phương pháp tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy theo hệ thống ngành dọc thông qua hoạt động như: sinh hoạt lệ, hội thi, hội thảo, tọa đàm, thông qua các buổi nói chuyện, tuyên truyền bằng pa nô, áp phích… đến đoàn viên, hội viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân.

         Triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua từ khâu tổ chức phát động đến sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; coi trọng biểu dương, khen thưởng, giới thiệu, nhân rộng mô hình tiêu biểu, có hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, Đồng thời, kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận cao. Các các phong trào thi đua tiêu biểu của các đoàn thể về công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi quần chúng vào các loại hình tổ chức đa dạng, phù hợp với tầng lớp, giai cấp, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp và sở thích thông qua các phong trào, như: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đối giảm nghèo và làm giàu chính đáng”của Hội Nông dân; phong trào“thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động” của Liên đoàn Lao động; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; các phong trào thanh niên thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đoàn Thanh niên; phong trào phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, tham gia, xây dựng “Câu lạc bộ Môi trường” của Hội Cựu Chiến binh...; các phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia với vai trò là chủ thể trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng hệ thống chính trị, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn dân cư.

         Triển khai, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, hội viên thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tham gia phản biện góp ý đối với các dự thảo Luật và dự thảo sửa đổi các văn bản Luật, các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (Mặt trận TQ tỉnh đã tổ chức gần 120 cuộc hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp, góp ý trên 1.800 dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước gửi lấy ý kiến, MTTQ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát 2.000 cuộc; Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở tổ chức 6.000 cuộc giám sát thuộc phạm vi được quy định).

         Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy “Về nâng chất lượng hoạt động của chi hội đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở”, Mặt trận và các đoàn thể đã có xây dựng được nhiều mô hình, như: Hội Cựu chiến binh với “Chi hội mẫu(đã công nhận 341 chi hội đạt Chi hội mẫu); Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình Chi hội tiên tiến (đã công nhận 380 Chi hội tiên tiến); Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo nâng chất lượng sinh hoạt định kỳ của chi, tổ hội trên địa bàn xã; Đoàn Thanh niên thực hiện chủ trương 1 + 2 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

         - Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đoàn viên, hội viên và tập trung các hoạt động hướng về cơ sở: Thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hình thành các phong trào, các mô hình để thu hút, tập hợp quần chúng tham gia vào các đoàn thể ( với 790.632 đoàn viên, hội viên, tỷ lệ bình quân đạt 87,90% so với số dân trong điều kiện cần tập hợp). Bên cạnh đó, chú trọng tập hợp và phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở.

         Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể  phân công cán bộ mỗi tháng dự sinh hoạt với các chi, tổ hội đoàn thể và Ban Công tác Mặt trận ấp, khóm; sau khi dự sinh hoạt có báo cáo tình hình, kết quả, đề xuất kiến nghị, tổng hợp chung báo cáo cấp ủy cùng cấp. Thông qua sinh hoạt định kỳ, các đoàn thể phát động phong trào thi đua, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, các câu lạc bộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã trên lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, hội viên. Tổ chức các hội nghị giao ban sinh hoạt chuyên đề, tăng cường công tác tham mưu và thể hiện vai trò nòng cốt trong việc nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và củng cố, kiện toàn đoàn viên, hội viên, mạnh dạn rà soát, đưa ra khỏi tổ chức những đoàn viên, hội viên không đạt chuẩn; xây dựng thực nghiệm một số mô hình tổ chức hội gắn với tổ chức kinh tế, giải quyết lao động và việc làm cho đoàn viên, hội viên; quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ đoàn thể, xây dựng nền nếp sinh hoạt lệ, tìm giải pháp giúp đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với chính quyền, lực lượng vũ trang nhằm cụ thể hóa công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

         - Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn được quan tâm thực hiện, hầu hết người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đều tham gia cấp ủy cùng cấp, đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Mặt trận và các đoàn thể. Từ đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Thường xuyên  rà soát thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh, huyện đến cơ sở và ấp, khóm, qua đó kịp thời tham mưu cho cấp ủy trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ đảm bảo tính ổn định và phát huy năng lực, hiệu quả công việc. Thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

         - Phối hợp cùng chính quyền các cấp triển khai thực hiện Pháp lệnh số 34-PL/2007/UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) “Về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy quyền làm chủ của mình đối với những việc “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được tham gia giám sát”.

         Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền được tăng cường; quyền và nghĩa vụ của công dân được thực hiện tốt hơn; vai trò tự quản của cộng đồng dân cư ngày càng phát huy hiệu quả và được khẳng định. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, góp phần củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản ở Tổ dân phố, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thành thị. Phối hợp chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bầu cử Trưởng, Phó Ban nhân dân ấp, khóm kết hợp bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2019 - 2022.

         Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội",  Mặt trận, các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển, kinh tế - xã hội. Từ đó, nhiều công trình dự án, được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện các chuyên mục tuyên truyền trên như: Chuyên mục Đại đoàn kết, chuyên mục Nông thôn mới, chuyên đề Nghe người dân nói...kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể dến với đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

         Những kết quả của đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã góp phần to lớn trong thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

         Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng còn những hạn chế, yếu kém:

         - Việc cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chưa được đổi mới. Việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” chưa có tính đột phá, sáng tạo để nhân rộng; mô hình tuy nhiều nhưng chưa phát triển bền vững.

         - Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với chính quyền, các cơ quan nhà nước, các ngành có liên quan từng lúc chưa chặt chẽ, chưa kịp thời sơ, tổng kết các chương trình phối hợp để rút kinh nghiệm chỉ đạo.

         - Việc phát động thực hiện các phong trào thi đua của đoàn thể ở cơ sở còn hình thức chưa đạt hiệu quả cao, cán bộ cơ sở thường xuyên thay đổi, không bổ sung bố trí kịp thời với nhu cầu phát triển. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện chưa thường xuyên đổi mới, sáng tạo, hướng về cơ sở để chỉ đạo nâng chất lượng phong trào thi đua.

         Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, đóng góp xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Chú trọng củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh, tăng cường kết nạp đoàn viên, hội viên”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ  nêu trên cần tập trung thực hiện các vấn đề sau:

         Một là, các cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 30/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh. Thường xuyên kiểm tra đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU và các văn bản của Đảng về công tác Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đưa nội dung lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh thành một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp trong tỉnh hàng năm.

         Quan tâm chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của Đảng đoàn, chi bộ và đảng viên trong cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị -  xã hội; phát huy tính chủ động, sáng tạo, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị), giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên (theo Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương). Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, luân chuyển cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đảm bảo có tính kế thừa, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

         Hai là,  lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân; tích cực tham gia đóng góp xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật; tập hợp động viên Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Thực hiện nghiêm túc công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước gắn với cải cách thủ tục hành chính và thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; phối hợp thực hiện tốt phương châm “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.

         Ba là, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, từ đó, có trách nhiệm trong việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội mà mình là thành viên ngày càng vững mạnh.

         Tuyên truyền nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về quyền và nghĩa vụ công dân; về quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị...động viên mọi người tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị, phong trào thi đua dân vận khéo.

         Bốn là, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với hình thức đa dạng, phong phú. Cổ vũ, động viên, khen thưởng kịp thời những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Thường xuyên sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém.

         Năm là, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân vào tổ chức phù hợp với giai tần, lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích, chú trong xây dựng tổ chức theo hướng dân chủ,, chất lượng thiết thực, không chạy theo số lượng. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động về cơ sở, tăng cường tiếp xúc, trao đổi, tọa đàm với đoàn viên, hội viên và Nhân dân, lắng nghe ý kiến, giải quyết hoặc phản ánh đến cấp ủy, chính quyền xử lý kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Giám sát việc giải quyết những đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiến kiện vượt cáp, đông người, không để phát sinh “điểm nóng”, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt Quy định 784-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc cấp ủy, lãnh đạo Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tham dự sinh hoạt định kỳ và ngày sinh hoạt định kỳ ở các loại hình chi bộ, chi, tổ hội, phân hội”.

          Sáu là, thực hiện Kế hoạch số 71-KH/TU và Đề án số 05-ĐA/TU của Tỉnh ủy về “Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI)”, sau Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo hướng coi trọng kết hợp, phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể có phẩm chất, năng lực và kỹ năng vận động quần chúng./.

Trần Bình Trọng-UVTV Tỉnh ủy-Trưởng Ban Tuyên giáo TU

Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 446
  • Tất cả: 434832