Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam
Ngày 18/6, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ  và đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam từ Đại hội lần thứ VIII đến nay.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp

         Tiếp và làm việc  với đoàn có Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao, Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến và đại điện các trưởng, phó ban Liên hiệp Hội Việt Nam.
         Liên hiệp Hội Việt Nam xứng đáng với vị trí là tổ chức chính trị - xã hội
         Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quyết Chiên – Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN ở trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
         Tính đến 30/5/2021, Liên hiệp Hội Việt Nam có 153 hội thành viên (gồm 90 Hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố), 03 đơn vị thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam (gồm: Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), Báo Tri thức và Cuộc sống, Nhà xuất bản Tri thức) và 596 tổ chức KH&CN trực thuộc; tập hợp trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức (chiếm 32,5% đội ngũ trí thức của cả nước).
         Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam có 193 ủy viên, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương có 27 ủy viên, Thường trực Đoàn Chủ tịch có 03 đồng chí (bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký), Ủy ban Kiểm tra có 09 ủy viên.
         Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Liên hiệp Hội Việt Nam và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ trí thức KH&CN được quan tâm, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước. Vị thế, vai trò chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương được tiếp tục khẳng định.
         Tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương từng bước củng cố, phát triển; nội dung và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú; hoạt động tôn vinh trí KH&CN tiêu biểu được Liên hiệp Hội Việt Nam khởi xướng và lan tỏa tới nhiều hội thành viên; Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức được triển khai thường xuyên góp phần tạo môi trường mới để thu hút nhiều trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến quan trọng trong việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
         Nhiều chương trình thỏa thuận hợp tác, ký kết giữa Liên hiệp Hội Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên, các tổ chức KH&CN triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn như địa vị pháp lý của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương là tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ. Mặc dù Liên hiệp Hội Việt Nam được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ khẳng định là tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, nhưng thiếu văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa đầy đủ các chủ trương trên thành các cơ chế, chính sách đối với Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương như các tổ chức chính trị - xã hội khác.
         Thiếu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Trung ương về công tác tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, các hoạt động đối với Liên hiệp hội địa phương; công tác quản lý, hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bản và tổ chức KH&CN chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến – Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam

          Là tổ chức chính trị - xã hội, nhưng cơ cấu tổ chức bộ máy chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau. Tổ chức bộ máy và nhân sự lãnh đạo của các Liên hiệp hội địa phương còn nhiều khác biệt, chưa thống nhất; thiếu văn bản pháp lý quy định nhân sự trong biên chế được Nhà nước giao làm việc tại cơ quan Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương là công chức, viên chức; chế độ, chính sách của người lao động đang công tác tại các Liên hiệp hội địa phương chưa bình đẳng như các tổ chức chính trị - xã hội khác.

         Nhiều kết quả hoạt động và thành tựu của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc chưa được xã hội biết đến.
         Để khắc phục hạn chế, thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện “Đề án về tổ chức bộ máy, hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” và dự kiến trình Ban Bí thư vào cuối tháng 6/2021. Và mong rằng thông qua Đề án để Liên hiệp Hội Việt Nam xứng đáng với vị trí là tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm vững mạnh về tổ chức, biên chế và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
         Quyết tâm nâng cao vị trí vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam
         Tại buổi làm việc, đại diễn lãnh đạo các phòng ban Liên hiệp Hội Việt Nam đã trao đổi, giải đáp một số vấn đề quan tâm của đề án và đề xuất nhiều giải pháp như xây dựng văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa và giám sát tổ chức thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X.

Quang cảnh buổi làm việc

          Nhìn lại kết của của Liên hiệp Hội Việt Nam trong nhiều năm qua có nhiều đổi mới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ  cho rằng các ý kiến của các đại biểu Liên hiệp Hội Việt Nam và đề nghị các thành viên của đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi, chia sẻ “đúng” và “trúng” trực tiếp vào vấn đề.

         Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp với Liên hiệp Hội Việt Nam trong mọi hoạt động, việc làm cụ thể, đặc biệt là về công tác trí thức vì đội ngũ này là “tinh hoa của dân tộc”. Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để trí thức sáng tạo và phát triển. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng “đặt hàng” Liên hiệp Hội Việt Nam thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để nói lên tiếng nói của đội ngũ trí thức trên tinh thần “Dân chủ, trách nhiệm và đạo đức”.
         “Liên hiệp Hội Việt Nam phải tập hợp đầy đủ ý chí, nguyện vọng của đội ngũ trí thức và Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư” - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ nói và cho biết Đề án án tổ chức bộ máy và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết. “An cư lập nghiệp”, cho nên Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ phải cố gắng bảo đảm Đề án chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ. Từ đấy, Liên hiệp Hội Việt Nam mới xác định được vị thế pháp lý, cơ cấu tổ chức của mình.
         Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống xã hội. Vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam và đội ngũ trí thức là rất quan trọng, là nòng cốt cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
         Diễn đàn tri thức khoa học công nghệ cũng cần phải tiếp tục thực hiện mặc dù Quyết định 501 về thí điểm 5 năm hoạt động của diễn đàn (2015 – 2020) đã kết thúc./.

Nguồn: Liên hiệp hội Việt Nam

TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 482
  • Tất cả: 434903